Theo đó, các cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm tổ chức việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Tùy theo tính chất, đặc điểm, quy mô về tổ chức và hoạt động, yêu cầu của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ bố trí công chức thanh tra nhiệm vụ tiếp công dân. Đố với đơn vị sự nghiệp công lập có liên quan đến việc giải quyết chế độ, chính sách, quyền lợi của công dân, tổ chức phải tổ chức tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm bố trí công chức, viên chức của bộ phận chuyên môn làm nhiệm vụ tiếp công dân.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các ban tiếp công dân, trong đó có các nhiệm vụ, quyền hạn như: tổ chức việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân trung ương; giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng trình tự, thủ tục, đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân thuộc phạm vi trách nhiệm của mình…
Về cơ cấu tổ chức, Ban Tiếp công dân trung ương và ban Tiếp công dân cấp tỉnh có Trưởng ban, các Phó Trưởng ban và công chức làm công tác tiếp dân. (Ban Tiếp công dân trung ương thay thế Vụ tiếp công dân và xử lý đơn thư quy định tại Nghị định số 83/2012/NĐ-CP). Ban Tiếp công dân cấp huyện có Trưởng ban và công chức làm công tác tiếp dân. Ở cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã bố trí công chức kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tiếp công dân. Ban Tiếp công dân các cấp có con dấu riêng để phục vụ công tác tiếp công dân.
Nghị định cũng quy định quy chế phối hợp hoạt động tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân. Theo đó, Ban Tiếp công dân có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân theo dõi, quản lý người tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở tiếp công dân. Ban Tiếp công dân có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết kịp thời, đúng thời hạn quy định đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do Ban tiếp công dân chuyển đến. Bên cạnh đó, Ban Tiếp công dân có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an bảo đảm trật tự, an ninh và an toàn cho người tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân…
Nghị định cũng quy định chính sách, chế độ đối với người tiếp công dân. Cụ thể, người tiếp công dân được hưởng các chế độ chính sách như: chế độ bồi dưỡng, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ tiếp công dân, chế độ trang phục tiếp công dân. Chế độ bồi dưỡng được áp dụng cho các đối tượng: cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc phân công làm nhiệm vụ tiếp công dân; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân định kì hoặc đột xuất; cán bộ, công chức, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, quân nhân chuyên nghiệp và nhân viên quốc phòng trong lực lượng vũ trang…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2014.