Liên kết website

Báo cáo của Bộ Tư pháp về kết quả 02 năm triển khai Ngày Pháp luật và tổng kết cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam

01/11/2017

Báo cáo của Bộ Tư pháp về kết quả 02 năm triển khai Ngày Pháp luật và tổng kết cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam do Thử trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tại Hà Nội, ngày 09/11/2015

Kính thưa Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ,
Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, ccs Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và thành phố Hà Nội, các Đoàn đại biểu Quốc hội;
Kính thưa các Quý vị đại biểu, đồng chí, đồng bào,
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, hôm nay Bộ Tư pháp phối hợp với HĐND và UBND thành phố Hà Nội long trọng tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2015 và Tổng kết Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” Thay mặt Bộ Tư pháp,  tôi nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn đồng chí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư pháp trong thời gian qua và đã dành thời gian dự buổi Lễ hôm nay. Tôi cũng xin trân trọng cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ; các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và thành phố Hà Nội; các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu, khách quý cùng đồng chí, đồng bào đã đến dự, theo dõi buổi Lễ trọng thể này. Kính chúc các đồng chí mạnh khỏe; chúc buổi Lễ thành công tốt đẹp!
Kính thưa các Quý vị đại biểu,
Kính thưa đồng chí, đồng bào,
Với mục tiêu tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội, Quốc hội đã lấy ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi Lễ Công bố Ngày Pháp luật năm 2013, Bộ Tư pháp đã cùng các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thiết thực. Phương châm xuyên suốt là lấy Nhân dân làm chủ thể, Hiến pháp và pháp luật làm đối tượng; tôn vinh và khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp và pháp luật gắn với những sự kiện chính trị của đất nước. Đặc biệt, điểm nhấn của Ngày Pháp luật năm 2014 là việc phát động Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.” Tại buổi lễ hôm nay, Bộ Tư pháp thay mặt các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương báo cáo các đồng chí Lãnh đạo, đồng chí, đồng bào về kết quả đã đạt được sau 02 năm triển khai Ngày Pháp luật và kết quả tổ chức Cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp.
Hai năm qua, Bộ Tư pháp, các cơ quan hữu quan ở Trung ương và các địa phương đã quán triệt, triển khai đầy đủ nội dung, tinh thần của Ngày Pháp luật theo quy định của Luật PBGDPL và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhìn lại 02 năm triển khai Ngày Pháp luật cũng là dịp để đánh giá kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ Công bố Ngày Pháp luật năm 2013 về bảy nhóm nhiệm vụ lớn, có nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài, có nhiệm vụ có thể triển khai ngay. Đến nay, có thể khẳng định, các nhiệm vụ này đã và đang được khẩn trương thực hiện, bước đầu có kết quả. Mục tiêu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật đã và đang được hiện thực hóa. Bằng chứng là việc Quốc hội thông qua, cho ý kiến và dự kiến thông qua nhiều luật, Bộ luật quan trọng; Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương nghiêm túc tổ chức thi hành.
Đặc biệt, trong các năm 2014 và 2015, thực hiện nhiệm vụ triển khai thi hành Hiến pháp của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, nội dung Ngày Pháp luật đã chú trọng phổ biến, giáo dục, truyền thông về Hiến pháp và các văn bản pháp luật thi hành Hiến pháp gắn với việc đề cao, phát huy giá trị, hiệu lực của Hiến pháp và đưa các quy định của Hiến pháp đi vào cuộc sống. Đồng thời, cũng nhấn mạnh sâu sắc nội dung về xây dựng, thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật và nghiêm chỉnh thi hành pháp luật của Bộ, ngành, địa phương, nhất là tập trung giải quyết các “điểm nghẽn”, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp. Các hình thức triển khai Ngày Pháp luật được tổ chức thực hiện đa dạng, linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của các Bộ, ngành, địa phương. Điểm cần nhấn mạnh là lấy kết quả hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác trọng tâm của cơ quan, đơn vị để hưởng ứng; và đây cũng được coi là một trong những cách tiếp cận hiệu quả, thiết thực để triển khai Ngày Pháp luật.
Ý nghĩa của Ngày Pháp luật đang dần thấm sâu trong đời sống xã hội. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật đã góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ; tăng cường trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức; đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong hoạt động của bộ máy nhà nước; nâng cao vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật; cung cấp đầy đủ, kịp thời và có chất lượng hơn các dịch vụ pháp lý, hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp cho các tổ chức, cá nhân; tập trung phát triển hệ thống thông tin, truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật của người dân; tăng cường năng lực và bảo đảm hoạt động của các thiết chế xây dựng và thi hành pháp luật. Đồng thời, phát huy dân chủ, vận động, thu hút quần chúng nhân dân tham gia hoạt động xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; tạo đồng thuận xã hội; xây dựng bộ máy, nền hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Với sự đồng tình hưởng ứng của đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, Ngày Pháp luật đã và đang trở thành một sự kiện chính trị - pháp lý trong đời sống tinh thần của cán bộ, nhân dân; ngày càng có sức lan tỏa và huy động được sự tham gia của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; xây dựng lòng tin đối với pháp luật để  phục vụ tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội. Qua đó, Ngày pháp luật đã góp phần tôn vinh các giá trị, vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống xã hội và trong một Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.  
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu như đã báo cáo ở trên, việc triển khai Ngày Pháp luật cũng vẫn còn tồn tại, hạn chế; sức lan tỏa chưa cao, có lúc, có nơi còn hình thức, thiếu tính sáng tạo. Việc triển khai thi hành Hiến pháp có việc còn chậm; công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thực thi pháp luật còn bất cập so với yêu cầu của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, khai thông và huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng.
Kính thưa các Quý vị đại biểu,
Kính thưa đồng chí, đồng bào,
Tại Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2014, Cuộc thi viết Tìm hiểu Hiến pháp đã được phát động; trở thành sự kiện chính trị, pháp lý của đất nước và nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp năm 2015. Cuộc thi đã được chuẩn bị, tổ chức nghiêm túc, cả ở vòng sơ khảo và chung khảo. Đã thành lập Ban Tổ chức Cuộc thi ở Trung ương; Ban Tổ chức của các Bộ: Công an, Quốc phòng và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước. Đến nay, Cuộc thi đã thành công tốt đẹp, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, mang lại hiệu ứng xã hội tích cực, tạo sức lan tỏa lớn trong xã hội và được coi là một trong những hình thức triển khai thực hiện Ngày Pháp luật và thi hành Hiến pháp hiệu quả. Cả nước đã có gần 5 triệu bài dự thi được gửi về chấm vòng sơ khảo, trong đó có 378 bài của kiều bào ta ở nước ngoài. Nhìn chung, nhiều bài thi có chất lượng, thể hiện lòng trân trọng đối với Hiến pháp. Trên cơ sở Đáp án và Quy chế chấm thi do Ban Tổ chức Cuộc thi ở Trung ương công bố, các Ban Giám khảo Cuộc thi vòng sơ khảo đã làm việc với tinh thần trách nhiệm, thái độ nghiêm túc, công tâm, khách quan để chọn ra những bài dự thi có chất lượng đề nghị Ban Tổ chức vòng sơ khảo trao giải; đồng thời lựa chọn 1.268 bài gửi về chấm ở vòng chung khảo cấp Trung ương.
Ban Tổ chức Cuộc thi đã thành lập Ban Giám khảo gồm 20 thành viên là các nhà khoa học, người làm công tác giảng dạy, quản lý, hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm. Ban Giám khảo đã tổ chức chấm 1.237 bài dự thi; lựa chọn, trình Ban Tổ chức Cuộc thi ở Trung ương công nhận và trao giải đối với 165 bài dự thi đạt các tiêu chí theo quy định về điểm số, chất lượng và tính sáng tạo. Riêng các bài dự kiến trao giải cao còn được Hội đồng Giám khảo chấm kiểm tra. Theo đề xuất của Ban Giám khảo, Ban Tổ chức Cuộc thi ở Trung ương quyết định trao 01 giải đặc biệt, 04 giải nhất, 10 giải nhì, 20 giải ba và 130 giải khuyến khích. Ngoài ra, còn trao 10 giải khác; như giải cho người dự thi nhiều và ít tuổi nhất; cho thí sinh vùng biên giới, hải đảo; cho bài dự thi viết tay. Ban Tổ chức cũng đã lựa chọn, trao giải cho 18 tập thể có thành tích tiêu biểu trong tổ chức Cuộc thi.  
Thông qua Cuộc thi và cụ thể qua các bài dự thi, một điều dễ nhận thấy là niềm tin, nhận thức của đồng chí, đồng bào ta về Hiến pháp, pháp luật nói riêng; về Đảng, Nhà nước, về chế độ nói chung là rất đáng quý, đáng trân trọng. Nhiều bài dự thi chứa đựng cảm xúc, tâm huyết và cả những trăn trở đầy ý thức xây dựng về Nhà nước pháp quyền, về sự vun đắp, vươn tới một xã hội tốt đẹp trên đất nước ta. Đặc biệt, nhiều bài đã nhấn mạnh vai trò chủ thể của Nhân dân; khẳng định sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là một tất yếu khách quan; khẳng định vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; làm rõ nội hàm của cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; các nguyên tắc của một nền tư pháp vì công lý, vì các quyền con người, quyền công dân. Nhiều bài dự thi thực sự là những tác phẩm công phu, tổng hợp kiến thức có chất lượng, là nguồn tư liệu phong phú và đáng tin cậy cả về nội dung thông tin và hình thức thể hiện, có thể khai thác và sử dụng lâu dài, phục vụ việc nghiên cứu, tìm hiểu và học tập Hiến pháp và pháp luật. Có bài dự thi là một cuốn sử bằng tranh, phản ánh lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc, đặc biệt là giai đoạn từ khi Đảng ta ra đời cho đến ngày hôm nay. Có bài dự thi là một cuốn sử bằng thơ về lịch sử lập hiến Việt Nam. Có bài dự thi được thể hiện bằng sa bàn mô hình đất nước một dải thống nhất bắc nam hình chữ S với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một phần máu thịt không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Ban Tổ chức đã lựa chọn một số bài dự thi tiêu biểu để trưng bày tại sảnh Hội trường tổ chức buổi Lễ ngày hôm nay.
Có thể khẳng định Cuộc thi đã trở thành một đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý rộng khắp, thu hút sự tham gia nhiệt thành của đông đảo các tầng lớp nhân dân; góp phần quan trọng vào việc tìm hiểu, nhận thức sâu sắc hơn, phổ biến rộng rãi hơn về nội dung của Hiến pháp, về vị trí, vai trò của Hiến pháp và pháp luật, vừa thực hiện chức năng điều chỉnh các quan hệ xã hội; đồng thời là động lực phát triển và công cụ để duy trì thành quả phát triển. Cuộc thi cũng là một trong những hình thức thiết thực góp phần giáo dục, nuôi dưỡng ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật và văn hóa tuân thủ pháp luật trong một Nhà nước pháp quyền XHCN vì mục tiêu, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Kính thưa các Quý vị đại biểu,
Kính thưa đồng chí, đồng bào,
Trong năm 2016 và các năm tiếp theo, Bộ Tư pháp trân trọng đề nghị các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn triển khai và tổ chức thực hiện tốt Ngày Pháp luật phù hợp với điều kiện cụ thể và gắn với yêu cầu thực nhiệm vụ chính trị của mình. Đề nghị chú trọng hơn đến các nội dung liên quan đến tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt là đối với những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần có định hướng để phát huy đầy đủ, kịp thời vai trò của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội. Đồng thời, cần phát huy kết quả, sức lan tỏa của Cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp để tiếp tục triển khai theo chiều sâu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; động viên, khích lệ tinh thần tích cực, tự giác tìm hiểu Hiến pháp và pháp luật trong mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người dân để đây thực sự trở thành công việc thường xuyên, hàng ngày của mỗi người.
Tại buổi lễ hôm nay, thay mặt các bộ, ngành, địa phương  và HĐND, UBND thành phố Hà Nội, một lần nữa, Bộ Tư pháp xin trân trọng cảm ơn đồng chí Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ; các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và thành phố Hà Nội; các Đoàn đại biểu Quốc hội; đồng chí, đồng bào trong và ngoài nước đã lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm và chung tay góp sức làm cho Hiến pháp, pháp luật ngày càng được tôn vinh, đóng vai trò thiết thực và hiệu quả hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của chúng ta.
 Kính chúc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; các đồng chí, Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo; các vị đại biểu khách quý, cùng đồng chí, đồng bào cả nước mạnh khỏe, hạnh phúc.
Xin trân trọng cảm ơn./.
 
Các tin đã đưa ngày: