Liên kết website

PHÁP LUẬT CÔNG BẰNG VỚI TẤT CẢ MỌI NGƯỜI

26/12/2016

Năm 1991, ông Hoàng Văn D công tác tại Viện thiết kế, Thuộc Bộ công nghiệp nhẹ, do không có nhà ở nên ngày 24/01/1991 ông D đã mua căn nhà và đất của ông P và bà H có địa chỉ tại xóm D, thôn N, phường M, quận X, Y để sinh sống, khi mua trên mảnh đất đã có căn nhà ba gian và một gian bếp, sân, tường, được xây dựng trên diện tích đất là 165m2 đất (khuôn viên đất).

Khi chuyển nhượng nhà và đất các bên đã chỉ rõ mốc giới, khuôn viên đất, tổng diện tích 165m2. Việc chuyển nhượng có nhiều người làm chứng, có sự chứng kiến, xác thực của chính quyền địa phương. Ngay sau khi mua nhà, đất của ông P, bà H, ông D đã sinh sống tại mảnh đất này (từ năm 1991-1993). Đến năm 1993, do phải sang Cộng hòa liên bang Đức sinh sống cùng vợ con nên ông D đã ủy quyền cho ông Lê Cảnh V, là em vợ thay mặt ông D quản lý trông coi, làm ăn kinh doanh trên mảnh đất này, hàng năm ông V đều thay mặt ông D đóng thuế nhà đất cho nhà nước đầy đủ từ năm 1992 đến khi bị thu hồi đất năm 2010. Năm 2003, khi nhà nước yêu cầu kê khai lại diện tích đất đang sử dụng thực tế, ông V thay mặt cho ông Hoàng Văn D thực hiện việc kê khai, xác lập quyền sử dụng đất, tại thời điểm kê khai căn cứ theo giấy tờ chuyển nhượng nhà và đất ở giữa vợ chồng ông P, bà H và ông D, căn cứ theo hiện trạng diện tích đất đang sử dụng thực tế, ông V kê khai đầy đủ 165m2 đất ở và đóng thuế đúng diện tích kê khai, khi kê khai không có bất kỳ ai tranh chấp, khiếu nại hay khiếu kiện gì, cơ quan chính quyền địa phương cũng không có bất kỳ ý kiến gì.
          Từ khi mua đất năm 1991 đến nay, không có bất kỳ ai tranh chấp về quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, mốc giới đất, mảnh đất vẫn giữ nguyên hiện trạng kể từ khi mua đến khi bị thu hồi năm 2010. Quá trình sinh sống, làm ăn kinh doanh từ năm 1991 đến nay chưa bao giờ bị bất kỳ cơ quan chính quyền địa phương có ý kiến gì về việc sử dụng đất, nộp thuế đất, cũng không có bất kỳ văn bản đòi lại đất công hay xử phạt vi phạm hành chính về việc sử dụng, lấn chiếm đất công. Năm 2005, ông V thay mặt ông D lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 165m2 đất nêu trên. Sau khi nhận được hồ sơ, đến ngày 02/07/2005, ông Vũ Đình T (Phó chủ tịch UBND xã M, huyện TL) có công văn trả lời về việc cấp sổ đỏ cho gia đình đối với mảnh đất này, không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là vì “hộ gia đình ông có thửa đất nằm trong khu vực có quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án theo quy hoạch. Vì vậy UBND xã không đề nghị để UBND huyện cấp GCNQSD đất cho gia đình ông”. Như vậy,  lý do không cấp sổ đỏ cho toàn bộ diện tích 165m2 đất ở của ông D không phải là vì mảnh đất là đất nông nghiệp hay đất công do UBND xã quản lý hay vì đất lấn chiếm, mà vì đất nằm trong “quy hoạch” nên không cấp sổ đỏ. Điều này chứng tỏ, cơ quan chính quyền đã thừa nhận tính hợp pháp của chủ sử dụng đất.
          Đây là cơ sở chứng tỏ, cơ quan chính quyền đã thừa nhận tính hợp pháp toàn bộ 165m2 đất là đất ở và thừa nhận chủ sử dụng đất là ông D, đất có chủ sử dụng rõ ràng chứ không phải đất công do UBND xã M quản lý như kết luận trong Quyết định thu hồi đất của UBND huyện TL. Như vậy, có đủ cơ sở, chứng cứ khẳng định từ năm 1991, 165m2 đất của ông D đã được xác định là đất ở và đã có chủ sử dụng hợp pháp là ông D chứ không phải là đất “hộ gia đình làm nhà để ở và kinh doanh từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004” hay là “đất nông nghiệp không giao do UBND xã quản lý”. Kết luận của UBND huyện TL cho rằng đất của ông D là đất “hộ gia đình làm nhà để ở và kinh doanh từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004 (thu hồi làm đường 32) và “đất nông nghiệp không giao do UBND xã quản lý” (thu hồi làm chợ đầu mối M giai đoạn 2) là hoàn toàn không đúng thực tế và không có cơ sở pháp lý, trái các quy định của pháp luật.
          Việc UBND huyện TL cho rằng việc chuyển nhượng nhà giữa ông D và ông Nguyễn Văn Phương, bà H có xác nhận của UBND xã M ngày 24/01/1991 chỉ khẳng định việc chuyển nhượng nhà không khẳng định việc chuyển nhượng đất, việc chuyển nhượng nhà trên không gắn liền với đất. Kết luận này là hoàn toàn không đúng, không có cơ sở pháp lý, không căn cứ theo tình hình thực tiễn vì: Đối chiếu với các quy định của pháp luật tại thời điểm chuyển nhượng năm 1991, pháp luật không cho phép chuyển nhượng đất nhưng lại cho chuyển nhượng nhà ở, nếu ai nhận chuyển nhượng nhà ở mà chưa có đất ở thì được quyền sử dụng đất có ngôi nhà đó. Cụ thể, tại điều 17 Luật đất đai 1987 quy định. Như vậy, việc chuyển nhượng giữa ông D và vợ chồng ông bà Phương, Hoa là hợp pháp, phù hợp theo quy định của pháp luật. Sau khi nhận chuyển nhượng nhà ở ông D được quyền sử dụng toàn bộ mảnh đất 165m2, việc chuyển nhượng nhà ở là gắn với đất ở. Hơn nữa, khi mua nhà ngoài ngôi nhà 03 gian + 01 gian bếp. Trong giấy chuyển nhượng cũng đã nêu rất rõ. Cơ quan chính quyền địa phương xác nhận diện tích đất kê khai 165m2 đất ở thuộc vị trí tại đường 32 lô đất số 84 tờ bản đồ số 13 và chấp nhận làm căn cứ cho nộp thuế nhà đất từ năm 1992 đến khi thu hồi đất. Có đủ cơ sở để khẳng định việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhà giữa ông D và vợ chồng ông P, bà H ngày 24/01/1991 là hợp pháp và bản chất của việc chuyển nhượng nhà ở này là chuyển nhượng nhà ở gắn liền với đất ở. Do đó, UBND huyện TL cho rằng việc chuyển nhượng nhà giữa ông D và ông Pcó xác nhận của UBND xã M ngày 24/01/1991 chỉ khẳng định việc chuyển nhượng nhà không khẳng định việc chuyển nhượng đất, việc chuyển nhượng nhà trên không gắn liền với đất là hoàn toàn không đúng quy định của pháp luật và không có cơ sở pháp lý, trái với thực tiễn.
          Việc UBND huyện TL (nay là UBND quận X) thu hồi đất tái định cư đã cấp (trong dự án thu hồi làm đường 32) và không cho hưởng tái định cư (thu hồi xây dựng chợ đầu mối M giai đoạn 2) với lý do ông D hiện đang cư trú ở nước ngoài nên không thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở theo quy định tại điều 126 luật nhà ở được sửa đổi bổ sung năm 2009, không thuộc đối tượng sử dụng đất ở tại Việt Nam theo điều 121 luật đất đai. Ngoài ra, ông D không thuộc đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quy định tại điều 13 nghị định 84/2007/NĐ - CP ngày 25/05/2007 của chính phủ. Những nhận định này của UBND huyện TL là hoàn toàn trái các quy định của pháp luật vì: Những văn bản mà UBND huyện TL dẫn chiếu để áp dụng đối với ông D là những văn bản có hiệu lực áp dụng kể từ năm 2006 dùng để áp dụng đối với những người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa có nhà đất tại Việt Nam mà muốn được sở hữu nhà và sử dụng đất ở Việt Nam kể từ năm 2006 thì phải có đủ các điều kiện theo luật định thì mới được sở hữu nhà và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng đối với trường hợp của ông D thì không thể lấy các văn bản này ra áp dụng vì quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà của ông D đã được thiết lập từ năm 1991 trước khi ông D sang làm việc tại Đức và các quyền này của ông D được pháp luật tại thời điểm đó bảo hộ, cụ thể: Tại khoản 1 điều 5 Quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng số 297 - CT ngày 02/10/1991 về việc giải quyết một số vấn đề về nhà quy định “….1/ Người xuất cảnh hợp pháp, trừ trường hợp nêu tại khoản 2 Điều này, có quyền bán hoặc uỷ quyền cho người khác quản lý nhà ở thuộc diện sở hữu của mình. Trong trường hợp nhà được đem bán thì Nhà nước được quyền ưu tiên mua….” . Tại khoản 2, mục 4 thông tư số 383 hướng dẫn quyết định 297 quy định “2. Công dân Việt Nam được phép xuất cảnh, trừ trường hợp nêu tại khoản 2 điều 5 quyết định số 297- CT ngày 02/10/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, thì có quyền định đoạt đối với nhà ở thuộc sở hữu của họ. Trong trường hợp trước khi đi họ xin uỷ quyền cho Nhà nước quản lý nhà của họ thì cũng được chấp nhận nếu người chủ trở về định cư tại Việt Nam thì được nhận lại nhà sau khi đã thanh toán các khoản chi phi quản lý và sửa chữa (nếu có) cho Nhà nước. Nếu người chủ không trở về (nhưng vẫn là công dân Việt Nam) thì người đó cũng được phép chuyển quyền sở hữu hoặc uỷ quyền quản lý cho công dân Việt Nam khác đang sống tại Việt Nam theo qui định của pháp luật. Trong trường hợp nhà đó được đem bán thì Nhà nước được quyền ưu tiên mua.”. Tại điều 17 Pháp lệnh nhà ở Năm 1991 quy định: “Chủ sở hữu nhà ở có quyền sử dụng, cho thuê, cho ở nhờ, thế chấp, bảo lãnh, uỷ quyền quản lý hoặc chuyển quyền sở hữu nhà ở cho người khác theo quy định của pháp luật.”.  Bộ luật dân sự năm 1995 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/1996) và Bộ luật Dân sự năm 2005 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006) cũng quy định quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác được pháp luật công nhận, bảo vệ, không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình; chủ sở hữu được bán, trao đổi, tặng cho, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác đối với tài sản thuốc sở hữu của mình.
    Hiện tại, mặc dù ông D đang cư trú ở nước ngoài nhưng ông D hiện vẫn đang là công dân của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà đã là công dân Việt Nam thì mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, mọi người đều có quyền và nghĩa vụ như nhau. Hơn nữa, chính sách của nhà nước ta là ưu tiên tạo điều kiện để những công dân xa đất nước được hưởng quyền như công dân trong nước và tạo điều kiện để giữ mối liên hệ với người thân trong nước, góp phần xây dựng quê hương đất nước. Nhà nước Việt Nam cam kết bảo hộ quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài (luật quốc tịch 1998, 2009), thế thì tại sao lại lấy lý do ông D đang ở nước ngoài mà không cho ông D hưởng tái định cư?. Pháp luật nhà nước quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất không phân biệt công dân trong nước, hay công dân đang ở nước ngoài, hay người nước ngoài đang sử dụng đất hợp pháp tại Việt Nam miễn là người có đất bị thu hồi mà đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật thì đều được hưởng đất tái định cư vì bản chất của cấp đất tái định cư là tránh thiệt thòi cho người có đất bị thu hồi mà không có chỗ ở gây ra bất công cho xã hội (theo điều 2, nghị định 197/2004/NĐ - CP, điều 2 nghị dịnh 84/2007/NĐ - CP, điều 2 nghị định số 69/2009/NĐ - CP, điều 2 quyết định 108/2009/QĐ - UBND) quy định: “ 1. Tổ chức, cộng đồng dân cư­, cơ sở tôn giáo, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đang sử dụng đất bị Nhà nước thu hồi đất (sau đây gọi chung là người bị thu hồi đất). 2. Người bị thu hồi đất, bị thiệt hại tài sản gắn liền với đất bị thu hồi, được bồi thường đất, tài sản, được hỗ trợ và bố trí tái định cư theo quy định tại Nghị định này...”).
          Như vậy, từ các căn cứ nêu trên khẳng định việc UBND huyện TL khi thu hồi đất của ông D, không cho ông D hưởng tái định cư với lý do ông D đang cư trú ở nước ngoài là hoàn toàn trái với các quy định của pháp luật.
Ngày 31/03/2015, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Y, mở phiên toà công khai xét xử sơ thẩm vụ án hành chính về việc “Khiếu kiện đối với các quyết định số 3378/QĐ-CTUBND ngày 21/5/2012 về việc giải quyết đơn khiếu nại và các Quyết định số 9150/QĐ-UBND ngày 14/7/2010; Quyết định số 4480/QĐ-UBND ngày 27/5/2011 của UBND huyện TL nay là quận X về việc phê duyệt phương án bồi thường khi nhà nước thu hồi đất”, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 04/2015/HCST ngày 13/3/2015 của Toà án nhân dân thành phố Y giữa các đương sự:
Người khởi kiện là ông Hoàng Văn D, sinh năm 1955;
Người bị kiện là UBND huyện TL.
Tại phiên tòa, Tòa án tuyên:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Văn D hủy các Quyết định số: 9150/QĐ-UBND ngày 14/7/2010 của UBND huyện TL về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chi tiết khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án cải tạo nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 32; Quyết định số 4480/QĐ-UBND ngày 27/5/2011 của UBND huyện TL về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ chi tiết khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng chợ đầu mối M và Quyết định giải quyết khiếu nại số 3378/QĐ-UBND ngày 21/5/2012 của Chủ tịch UBND huyện TL về chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất đối với gia đình ông Hoàng Văn D ủy quyền cho ông Lê Cảnh V.
2. Uỷ ban nhân dân quận X phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm ngàn đồng) tiền án phí hành chính sơ thẩm. Hoàn trả ông Hoàng Văn D (do ông Lê Cảnh V nộp thay) 200.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tiền số 0009176 ngày 16/4/2013 của Cục thi hành án dân sự thành phố Y.
Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 01 năm kể từ ngày tòa tuyên án, UBND Quận X vẫn chưa thi hành bản án của tòa án nhân dân thành phố Y. Theo đó, UBND Quận X phải tiến hành các biện pháp xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án.
Theo chúng tôi, để pháp luật được nghiêm, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và xử lý nghiêm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án. Trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Đối với những người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật tùy thuộc vào tính chất hành vi, cụ thể là:
Căn cứ tại Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án (sau đây viết tắt là Nghị định 71/2016/NĐ-CP), đối với trường hợp không thi hành bản án, quyết định của Tòa án thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm vật chất hoặc áp dụng các biện pháp xử lý khác.
Theo quy định tại Điều 27 Nghị định 71/2016/NĐ-CP quy định:
Điều 27. Xử phạt vi phạm hành chính
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân cố ý không chấp hành án hoặc cản trở thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính.
2. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt, mức xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
3. Kết quả xử phạt vi phạm hành chính được gửi cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát và cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm.
Theo đó, đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức cố ý không chấp hành án hoặc cản trở thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính, đối với những hành vi cố ý cản trở thi hành bản án, quyết định của Tòa án mà có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 28 Nghị định 71/2016/NĐ-CP:
Điều 28. Truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Người nào có hành vi không thi hành án, không chấp hành án, cố ý cản trở việc thi hành án có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
2. Người đứng đầu, người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án hành chính tùy theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự trong thi hành án hành chính.
Đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án mà gây thiệt hại thì phải khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 29 Nghị định 71/2016/NĐ-CP:
Điều 29. Trách nhiệm vật chất
Người phải thi hành án trong quá trình thi hành án mà gây ra thiệt hại thì phải khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại, hoàn trả theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, pháp luật về dân sự.
Ngoài các hình thức xử phạt trên, pháp luật còn quy định các biện pháp xử lý khác theo quy định tại Điều 30, Điều 31 Nghị định 71/2016/NĐ-CP:
Điều 30. Công khai thông tin về việc không chấp hành án
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính, Cục Thi hành án dân sự tổ chức công khai quyết định buộc thi hành án hành chính bằng hình thức đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền theo dõi của Cục và các Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc; đồng thời tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp và Cổng thông tin điện tử Chính phủ đối với các vụ việc người phải thi hành án là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
2. Thông tin công khai gồm:
a) Tên, địa chỉ của người phải thi hành án;
b) Số, ngày, tháng, năm và tên Tòa án ra quyết định buộc thi hành án hành chính;
c) Nghĩa vụ phải thi hành.
3. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo kết quả về việc thi hành xong, Cục Thi hành án dân sự đã công khai thông tin phải chấm dứt công khai thông tin.
Điều 31. Xem xét đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính
Cơ quan, người có thẩm quyền không xét thi đua, khen thưởng; không đánh giá, phân loại ở mức độ hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính.
Như vậy, đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức không thi hành bản án, quyết định của Tòa án thì tùy vào từng hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng các biện pháp xử lý khác nhau. Những biện pháp xử lý này căn cứ vào mức độ hành vi vi phạm để xem xét, đánh giá và xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Sự thành công của vụ kiện đã tạo ra niềm tin của người dân rằng pháp luật luôn công bằng với tất cả mọi người, những ai vi phạm pháp luật dưới dạng hành động hoặc không thực hiện hành động như việc không thi hành hoặc chậm thi hành bản ản, quyết định của tòa án làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân nêu trên đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
 
 
Các tin đã đưa ngày: