Liên kết website

CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN

30/12/2016

Tại quán cà phê nhỏ xinh nằm trên con phố yên tĩnh của Hà nội, Hùng, Tuấn, Minh đang ngồi nhâm nhi cốc cà phê đen đá, đây đều là sở thích của 3 người bạn mỗi khi gặp nhau.

Minh: Hùng này, công tư vấn luật của ông dạo này làm ăn được không?
Hùng: cũng được, tôi làm uy tín nên cũng giữ được nhiều khách lớn, họ thường xuyên đặt lịch nhờ tôi tư vấn.
Tuấn: vậy tốt rồi, vậy ông Minh làm việc bên công ty kinh doanh sơn chống thấm đấy có được không?
Minh: bên đó tôi làm cũng lâu rồi, giờ muốn có cái gì đó là của mình. Tôi đang muốn thử sức trong lĩnh vực kinh doanh hạt nhựa.
Hùng: vậy ông muốn ra làm riêng à?
Minh: tôi muốn thành lập công ty để kinh doanh hạt nhựa, mặt hàng này tôi cũng đã có thị trường rồi.
Hùng: ông giỏi thật đấy, tôi cứ còm cõi mãi lương ba cọc ba đồng của ông công chức nhà nước
Tuấn: ông ơi, mỗi người một nghề một thế mạnh riêng, bây giờ cho ông Minh sang cơ quan ông ngồi nghiên cứu, viết một đề tài khoa học là ông ấy chịu chết đấy
Minh: đúng rồi, ngồi viết lách ra hàng tập chữ như của các ông tôi chịu
Hùng: thì cho tôi đi vào kinh doanh chắc bán nhà đi để bù lỗ còn chẳng đủ
Tuấn: (cười, nói): nói vậy thôi, chứ người nào nghị lực, quyết tâm dám nghĩ, dám làm là cũng thành công đấy.
Minh: tôi đang muốn thử sức đây. Tôi muốn thành lập công ty TNHH một thành viên ông Tuấn xem mô hình công ty này như thế nào? Vậy công ty TNHH 2 thành viên thì sao? có gọn nhẹ hơn so với công ty TNHH 1 thành viên không?
Hùng: ông tìm hiểu để thành lập công ty à? mô hình này hợp lý đấy. Hùng vừa nói vừa mở cặp lấy ra cuốn sách về Luật doanh nghiệp năm 2014. Hùng nói: thực ra những vấn đề này tôi nắm rất chắc vì tư vấn hàng ngày nhưng thôi bạn bè tôi cứ giở sách luật ra đọc cho ông nghe, “nói có sách, mách có chứng” mà. Đây rồi, theo tại Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2014, công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp trong đó: (a) Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50; (b) Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp; (c) Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo trình tự, thủ tục nhất định.
Minh: vậy công ty TNHH 1 thành viên thì thế nào?
Tuấn: Về mặt khái niệm và đặc điểm, công ty TNHH một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu; chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Công ty TNHH một thành viên cũng có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp GCNĐKDN và không được quyền phát hành cổ phần. Về cơ bản, quy định về công ty TNHH một thành viên trong Luật Doanh nghiệp 2014, cũng như các luật cũ, giản lược hơn nhiều so với quy định về công ty TNHH hai thành viên trở lên do tính chất sở hữu và cơ cấu tổ chức gọn nhẹ của loại hình doanh nghiệp này.
Minh: vậy công ty TNHH 1 thành viên thì gọn nhẹ hơn đúng không? Tôi cũng đang nghĩ tới thành lập theo loại hình công ty này.
Hùng: uh phải đấy, công ty TNHH 1 thành viên tính chất sở hữu và cơ cấu tổ chức gọn nhẹ hơn.
Minh: việc góp vốn thành lập công ty được pháp luật quy định như thế nào? Tôi cũng đang xoay xở, rồi vay ngân hàng nhưng chưa đủ
Tuấn: Vốn điều lệ của công ty TNHH một thành viên tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty. Cũng giống như quy định về thời hạn góp vốn của các thành viên trong công ty TNHH hai thành viên trở lên, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định chủ sở hữu phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp GCNĐKDN.
  Hùng: Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn 90 ngày theo quy định thì xử lý trường hợp này thế nào?
  Minh: ông Hùng chuẩn công chức nhà nước, thông minh phết hỏi ngay cái câu tôi định hỏi
Tuấn: ơ mà các công gọi tôi ra đây là để tôi được nhâm nhi cà phê, thư giãn chút xíu hay tranh thủ hỏi cung tôi đấy hả?
Minh: thỉnh thoảng mới gặp nhau chứ hàng ngày quay cuồng với công việc có gặp được cả 3 người thế này đâu nên tôi tranh thủ tìm Luật doanh nghiệp từ luật sư giỏi như ông đấy
Tuấn: vấn đề các ông hỏi pháp luật cũng quy định rất rõ trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn 90 ngày theo quy định, chủ sở hữu công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Trong trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước khi công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ.
Minh: may quá,có ông bạn luật sư luôn ở bên cạnh, giờ mới thấy phát huy tác dụng nhé (Minh vừa nói vừa trêu đùa bạn). Vậy chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quy định của Luật doanh nghiệp thì có những quyền gì?
Tuấn: Công ty TNHH một thành viên có thể có chủ sở hữu là một cá nhân hoặc một tổ chức. Quyền hạn của chủ sở hữu là tổ chức và chủ sở hữu công ty là cá nhân có đôi chút khác biệt. Chủ sở hữu công ty là tổ chức có các quyền sau đây:
  • Quyết định nội dung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;
  • Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;
  • Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý công ty;
  • Quyết định các dự án đầu tư phát triển;
  • Quyết định các giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ;
  • Thông qua hợp đồng vay, cho vay và các hợp đồng khác do Điều lệ công ty quy định có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty;
  • Quyết định bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty;
  • Quyết định tăng vốn điều lệ của công ty; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác;
  • Quyết định thành lập công ty con, góp vốn vào công ty khác;
  • Tổ chức giám sát và đánh giá hoạt động kinh doanh của công ty;
  • Quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty;
  • Quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty;
  • Thu hồi toàn bộ giá trị tài sản của công ty sau khi công ty hoàn thành giải thể hoặc phá sản;
  • Các quyền khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
Chủ sở hữu công ty là cá nhân có các quyền sau đây:
  • Quyết định nội dung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;
  • Quyết định đầu tư, kinh doanh và quản trị nội bộ doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;
  • Quyết định tăng vốn điều lệ, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác;
  • Quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty;
  • Quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty;
  • Thu hồi toàn bộ giá trị tài sản của công ty sau khi công ty hoàn thành giải thể hoặc phá sản;
  • Các quyền khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
Minh: tôi nghe mà ù hết cả tai. Vậy chủ sở hữu công ty có nghĩa vụ gì? Tìm hiểu quyền rồi thì tìm hiểu nghĩa vụ luôn thì mới công bằng.
Hùng: Trước hết, chủ sở hữu công ty phải tuân thủ quy định về góp vốn điều lệ của công ty và phải tuân thủ các quy định về tổ chức, quản lý nội bộ được đề ra trong Điều lệ của công ty. Ngoài ra, chủ sở hữu công ty phải xác định và tách biệt tài sản của mình với tài sản của công ty. Chủ sở hữu công ty là cá nhân phải tách biệt các chi tiêu của cá nhân và gia đình mình với các chi tiêu trên cương vị là Chủ tịch công ty và GĐ, TGĐ.
Chủ sở hữu công ty cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật về hợp đồng và pháp luật có liên quan trong việc mua, bán, vay, cho vay, thuê, cho thuê và các giao dịch khác giữa công ty và chủ sở hữu công ty; chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác (trường hợp rút một phần hoặc toàn bộ vốn đã góp ra khỏi công ty dưới hình thức khác thì chủ sở hữu và cá nhân, tổ chức có liên quan phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty). Bên cạnh đó, chủ sở hữu công ty không được rút lợi nhuận khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
Minh: Cơ cấu công ty theo loại hình này thì thế nào ông? Có khác gì so với quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 không?
Tuấn: quy định về cơ cấu tổ chức quản lý của công ty TNHH một thành viên theo Luật Doanh nghiệp 2014 có đôi chút khác biệt so với Luật Doanh nghiệp 2005. Cụ thể, Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: công ty TNHH có một thành viên là tổ chức thì việc tổ chức quản lý công ty đó được thực hiện thông qua những người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu. Nếu có từ hai người đại diện theo ủy quyền trở lên, thì cơ cấu quản lý của công ty sẽ bao gồm HĐTV, GĐ/TGĐ và BKS. Trường hợp chỉ có một người được chủ sở hữu (là tổ chức) bổ nhiệm là người đại diện theo ủy quyền, thì cơ cấu quản lý công ty gồm Chủ tịch công ty, GĐ/TGĐ và BKS. Quy định này đã được sửa đổi trong Luật Doanh nghiệp 2014, theo đó, công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:
  • Chủ tịch công ty, GĐ/TGĐ và Kiểm soát viên;
  • HĐTV, GĐ/TGĐ và Kiểm soát viên.
  • Minh: như vậy Luật Doanh nghiệp 2014 không quan tâm đến số lượng những người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu là tổ chức của công ty TNHH một thành viên để phân chia ra hai loại hình cơ cấu tổ chức quản lý?
  • Tuấn; đúng rồi, Luật Doanh nghiệp 2014 không quan tâm đến số lượng những người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu là tổ chức của công ty TNHH một thành viên để phân chia ra hai loại hình cơ cấu tổ chức quản lý nữa mà cho phép công ty được tự lựa chọn mô hình cơ cấu tổ chức phù hợp với hoạt động của mình. Theo thẩm quyền của mình thì chủ sở hữu công ty là tổ chức có toàn quyền trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong công ty TNHH một thành viên mà mình làm chủ sở hữu. Do vậy, chủ sở hữu có thể bổ nhiệm Chủ tịch công ty, TGĐ/GĐ, Kiểm soát viên và chỉ định người đại diện theo pháp luật của công ty. Việc chỉ định người dại diện theo pháp luật của công ty được ghi vào Điều lệ. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định ai là người đại diện theo pháp luật của công ty thì theo Luật Doanh nghiệp 2014, Chủ tịch HĐTV hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Minh: cảm ơn ông rất nhiều, có bạn làm luật sư có khác, tiện ghê
Hùng: Thành lập công ty xong, khai trương nhất định mời chúng tôi đấy nhé.
Minh: đương nhiên rồi, các ông không mời thì mời ai
Tuấn: chúc ông thành công nhé, làm doanh nghiệp là phải nắm vững pháp luật đấy.
Minh: Pháp luật đã quy định hết rồi, tôi từ nay cũng phải dành thời gian tự tìm hiểu pháp luật chứ không chỉ thụ động trông cậy vào luật sư. Doanh nghiệp muốn phát triển trước tiên phải nắm vững và thực hiện đúng pháp luật.
Cả ba người bạn tiếp tục bàn tới phương án thành lập và vận hành doanh nghiệp của Minh, nghĩ tới mình cần phải nỗ lực để hòa nhập được với xu hướng phát triển của đất nước và thế giới.
 
 
 
Các tin đã đưa ngày: