Liên kết website

THẤT NGHIỆP VẪN CÓ TIỀN

30/12/2016

Phân vai: Hà: Người lao động Lan: Người lao động Hoàng: Quản đốc nhà máy Dệt Thúy: Giám đốc công ty – người sử dụng lao động Hạnh: Cán bộ trung tâm giới thiệu việc làm

Cảnh 1: Tại công xưởng nhàmáy Dệt
Trong công xưởng nhà máy Dệt có đến hàng nghìn người lao động nhưng không có tiếng cười nói, lô đùa, họ đang hăng say làm việc cùng với tiếng ầm ầm của máy dệt, máy may… Bỗng có tiếng chuông kêu reeng, reeng… và người quản đốc cất tiếng nói.
Hoàng: Tôi xin thông báo, kết thúc 5 giờ chiều, đề nghị anh chị em tập hợp tại sân của công ty, chúng tôi muốn thông báo với anh chị em một số vấn đề.
Tiếng xì xào bắt đầu xuất hiện đâu đó trong các góc của phân xưởng.
Hà: Không biết có việc gì nhỉ.
Lan: Tao cũng không biết. Hay là thông báo chuẩn bị có đợt hàng mới tăng ca làm thêm.
Hà: Uh, cũng gần 3 tháng nay, ít việc chẳng tăng ca gì cả. Lương cũng thấp.
Lan: Gớm. trước đây tăng ca nhiều lại kêu này kêu nọ. Bây giờ lại nhớ rồi à.
Hà: Biết vậy, nhưng đổi lại hàng tháng lương khá hơn. Không tăng ca chỉ làm đúng giờ được ít sản phẩm thì lương lại thấp.
Lan: uh, tao cũng vậy. Lương nhiều còn dư giả gửi về cho bố mẹ ra tấm ra món, chứ như mấy tháng nay tao gửi về mỗi tháng cũng có 2 triệu chẳng đáng bao nhiêu.
Hà: Thôi chờ xem thế nào đã….
Cảnh 2: Tại sân của Công ty Dệt.
Reeng, reeng…………..tiếng chuông báo hiệu giờ làm đã hết cũng là lúc 5h theo thông báo toàn thể người lao động sẽ ra sân của Công ty để nghe phổ biến. Mọi người xếp hàng lần lượt ra sân nghiêm chỉnh, hàng lối chỉnh tề, tổ đội nào theo tổ đội đó như mọi khi và ngồi im lặng lắng nghe. Trên mục đài tiếng loa bắt đầu phát lên, alo alo…
Thúy: Tôi xin thông báo với tất cả mọi người một tin quan trọng. Trước tiên, thay mặt công ty tôi gửi lời xin lỗi đến toàn thể cán bộ và người lao động của Công ty. Do tình hình kinh tế khó khăn đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng đến đời sống của anh chị em.
Dừng lại một lúc Thúy tiếp tục nói tiếp.
Thúy Do khó khăn, công ty sẽ chấm dứt hợp đồng với một số lao động khi hết hạn theo thỏa thuận trên hợp đồng. Danh sách những lao động ký hợp đồng và thời điểm kết thúc hợp đồng sẽ được đồng chí Hoàng thông báo đến toàn thể anh chị em. Công ty sẽ không ký hợp đồng lao động tiếp với những người lao động này nữa. Thành thật xin lỗi anh chị em.
Thúy vừa phát biểu xong thì dưới sân không còn được yên tĩnh nữa, tiếng xì xào, bàn tán bắt đầu
Hoàng: Sau đây tôi xin đọc danh sách những anh chị em không được ký hợp đồng tiếp và sẽ chấm dứt hợp đồng lao động 1. Chị Nguyễn Thị An ngày ký hợp đồng ngày 01/02/2015 thời hạn 01 năm và chấm dứt vào ngày 01/02/2016; 2. Chị Hoàng Thị Hà, ngày ký hợp đồng 01/02/2015 thời hạn 1 năm và chấm dứt vào ngày 01/02/2016; 3….; 4…
Hà: Chết rồi, có tên tao rồi. Tao làm ở đây ngày kia là được 2 năm rồi mà. Sao lại ký hợp đồng một năm.
Lan: Tao cùng đợt vào với mày cũng có tên rồi. Vậy là thất nghiệp rồi. Ký 1 năm bởi lần đầu mình vào năm 2015 ký 1 năm; Hết thời hạn mình lại ký tiếp hợp đồng 1 năm nữa. Thì ngày kia là hết hạn, họ không ký tiếp nữa. Ôi, thất nghiệp rồi. Lấy gì mà sống đây.
Hà: Trước đây tao chỉ nghe nói người sử dụng lao động mà đơn phương chấm dứt hợp đồng thì bị phạt, đền bù cho mình. Bây giờ họ chờ đúng hết hạn chấm dứt thì còn đền bù cái gì nữa? ở nơi đất khách quê người thế này. Lấy gì mà sống, tiền lương tháng này giỏi thì cầm cự được 1 tháng là hết.

Hoàng: Danh sách cụ thể của từng người sẽ được dán trên bảng thông báo của Công ty. Chúng tôi thành thật xin lỗi anh chị em và sẽ tạo điều kiện hết sức và trả lại hồ sơ nộp ban đầu của anh chị, sổ bảo hiểm xã hội mà anh chị đã đóng… khi công ty có hợp đồng mới, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì hồ sơ các anh chị vẫn có ở công ty, chúng tôi sẽ liên lạc lại và nếu các anh chị vẫn tiếp tục muốn quay trở lại, chúng tôi sẵn sang. Một lần nữa xin lỗi anh chị…
Mọi người vẫn rì rầm, bàn tán và đi ra bảng thông báo xem lại mình có nghe nhầm hay không. Lan và Hà sau khi xem xong vẻ mặt buồn thiu đi ra về nơi phòng trọ.
Cảnh 3: Tại phòng trọ của Lan và Hà.
Không còn tiếng hát ngêu ngao như mọi ngày, Hà thở dài và nói với Hà.
Hà: Bây giờ tính sao hả mày? Phải tìm việc mới chứ không sao sống nổi. Mới gửi tiền về bây giờ lại xin tiền lên à. Bố mẹ mà biết lại lo lắng.
Lan: Thì thế. Nếu họ tự nhiên chấm dứt hợp đồng với mình mình còn kiện cáo, đòi bồi thường. Đằng này họ dựa vào hết hạn nói chấm dứt.
Hà: à mày ơi. Tao nghe nói mình đang làm việc mà bị chấm dứt hợp đồng lao động là được tiền trợ cấp thất nghiệp.
Lan: Thì tao nói với mày rồi. Người sử dụng lao động mà đơn phương chấm dứt trái pháp luật thì phải trả tiền trợ cấp thất nghiệp cho mình. Nhưng họ có đơn phương không? Chẳng nhẽ nhà nước phải trả à.
Hà: Uh. À mày có bà chị làm ở Trung tâm giới thiệu việc làm trên này mai mày đến hỏi bà ấy xem. Tự nhiên nghe xong tin này tao cảm thấy mệt mỏi quá, chắc ốm mất.
Lan: uh. Để mai tao lên đó hỏi xem sao.
Cảnh 4: Tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh
Lan: Chị Hạnh, Chị Hạnh ơi. Em Lan nè.
Hạnh: Lan à. ủa sao hôm nay không đi làm mà có thời gian ra đây chơi với chị vậy?
Lan: Em thất nghiệp rồi. Ra đây nhờ chị tìm việc mới cho em với. Cả cái Hà bạn em cũng như em.
Hạnh: Sao thất nghiệp?
Lan: Thì hết thời hạn lao động rồi họ chấm dứt chứ sao? Bây giờ em cũng chẳng biết sống sao nữa.
Hạnh: Để chị tính xem. Thế em làm đó có đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không?
Lan: Có chứ. Tháng nào lĩnh lương cũng thông báo có tiền đó à.
Hạnh: Vậy thì về mang hồ sơ đây chị xem làm thủ tục để hưởn trợ cấp thất nghiệp cho.
Lan: Trợ cấp thất nghiệp ạ. Làm ở đây ạ.
Hạnh: Uh, Chỗ chị vừa giới thiệu việc làm, vừa nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Em về hoàn thiện hồ sơ gửi chị làm thủ tục nhanh nhau nhé. Vì theo quy định tại khoản 1, Điều 46 Luật Việc làm thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập. Em mà không làm nhanh quá thời hạn đó không làm được đâu. Cứ nộp vào đây khoảng 20 ngày sau là xong mà.
Lan: Chị à. Sao bảo chỉ khi người sử dụng đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mới được hưởng khoản đó?
Hạnh: Em ngốc à. Thì khi đó họ phải trả khoản tiền đó. Trường hợp của em thì Qũy Bảo hiểm thất nghiệp sẽ chi trả nếu em đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật Việc làm; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật Việc làm; Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Lan: vậy à chị. Thế thì tốt quá rồi. Thế hồ sơ, thủ tục có phức tạp không chị?
Hạnh: Cũng không phức tạp lắm. Theo Điều 16, Nghị định số 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/3/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm  về bảo hiểm thất nghiệp quy định về hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm có đơn theo mẫu, lát vào chị đưa cho. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; Quyết định thôi việc; Quyết định sa thải;Quyết định kỷ luật buộc thôi việc; Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc; Sổ bảo hiểm xã hội.
Lan: Sổ bảo hiểm xã hội, Công ty bảo sẽ đưa lại cho bọn em
Hạnh: Em nhớ các giấy tờ chị vừa nói.
Lan: Dạ vâng. Em hỏi khí không phải thế tiền trợ cấp có được nhiều không chị?
Hạnh: Đây tôi tư vấn nốt cho cô nhé. Theo Điều 50 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP  thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Lan nhẩm nhẩm: Lương của em thường là 5 triệu một tháng, vậy là được 3 triệu 1 tháng, em đóng 24 tháng thế là cũng được 9 triệu chị nhỉ.
Hạnh: uh, khoảng đó. Gớm, không ai làm thiệt thòi cho cô đâu.
Lan: Vậy khi nào thì em được hưởng khoản tiền đó chị.
Hạnh: Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. à mà còn vấn đề này chị nhắc em không phải tính 9 triệu là 9 triệu đâu. Vì khoản trợ cấp này có thể bị tạm dừng, chấm dứt nếu Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp khi không thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 52 của Luật việc làm, khi tìm được việc làm mới… Thôi trước mắt về khẩn trương làm cho chị cái hồ sơ đi. Chị cũng xem có tìm được việc gì mới phù hợp với cô hay không?
Lan: Dạ em cảm ơn chị. Nhưng tìm cả giúp cô bạn cùng quê em với.
Lan vui vẻ ra về vì chuyến đi đợt này của cô không chị nhờ được chị tìm cho mình việc làm mới mà trong thời gian chờ đợi cô có thể được trợ cấp thất nghiệp mà không phải xin tiền từ nhà gửi lên.
 
 
 
 
 
MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP
Luật việc làm năm 2013
Điều 46. Hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.
2. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận đủ hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; trường hợp không đủ điều kiện để hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp thì phải trả lời bằng văn bản cho người lao động.
3. Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Điều 49. Điều kiện hưởng
Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;
3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;
4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
e) Chết.
Điều 50. Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
3. Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này.
Điều 51. Bảo hiểm y tế
1. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
2. Tổ chức bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Điều 52. Thông báo về việc tìm kiếm việc làm
1. Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp về việc tìm kiếm việc làm, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động ốm đau, thai sản, tai nạn có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh;
b) Trường hợp bất khả kháng.
2. Đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này thì người lao động có trách nhiệm thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Điều này.
TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP
Nghị định số 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày  12/3/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm  về bảo hiểm thất nghiệp
Điều 16. Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
2. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:
a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
b) Quyết định thôi việc;
c) Quyết định sa thải;
d) Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
đ) Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng đó.
3. Sổ bảo hiểm xã hội.
Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của người sử dụng lao động.
Đối với người sử dụng lao động là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thì trong thời hạn 30 ngày, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân thực hiện xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động kể từ ngày nhận được đề nghị của người sử dụng lao động.
Điều 17. Nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
2. Người lao động được ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ hoặc gửi hồ sơ theo đường bưu điện nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
b) Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;
c) Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp nêu trên là ngày người được ủy quyền trực tiếp nộp hồ sơ hoặc ngày ghi trên dấu bưu điện đối với trường hợp gửi theo đường bưu điện.
3. Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, ghi phiếu hẹn trả kết quả theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định và trao phiếu trực tiếp cho người nộp hồ sơ hoặc gửi qua đường bưu điện đối với người nộp hồ sơ qua đường bưu điện; trường hợp hồ sơ không đúng theo quy định tại Điều 16 Nghị định này thì trả lại người nộp và nêu rõ lý do.
Điều 18. Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm xem xét, trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, trường hợp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp gửi theo đường bưu điện thì ngày nhận hồ sơ được tính là ngày chuyển đến ghi trên dấu bưu điện.
Người lao động chưa tìm được việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp được Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trung tâm dịch vụ việc làm xác nhận về việc đã giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động vào sổ bảo hiểm xã hội và gửi lại người lao động cùng với quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi chụp sổ bảo hiểm xã hội để lưu hồ sơ.
Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động được tính từ ngày thứ 16 theo ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp được trung tâm dịch vụ việc làm gửi: 01 bản đến Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh) để thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động; 01 bản đến người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
Trường hợp người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trung tâm dịch vụ việc làm phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
2. Chi trả trợ cấp thất nghiệp
a) Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên của người lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp;
b) Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động từ tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ 2 trở đi trong thời hạn 05 ngày làm việc, tính từ thời điểm ngày thứ 07 của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp đó nếu không nhận được quyết định tạm dừng hoặc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động. Trường hợp thời điểm ngày thứ 07 nêu trên là ngày nghỉ thì thời hạn chi trả trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày làm việc tiếp theo.
3. Sau thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ghi trong phiếu hẹn trả kết quả, nếu người lao động không đến nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được coi là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày người lao động không đến nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định, trung tâm dịch vụ việc làm trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Quyết định về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp được trung tâm dịch vụ việc làm gửi: 01 bản đến Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để không chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động; 01 bản đến người lao động. Quyết định về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
4. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động vẫn được nhận hoặc ủy quyền cho người khác nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
b) Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;
c) Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
5. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động trong trường hợp hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp nêu tại Khoản 3 Điều này được cộng dồn theo quy định tại Khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm để tính cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo.
6. Sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày người lao động hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp và không thông báo bằng văn bản với tổ chức bảo hiểm xã hội nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động đó được xác định là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với số tiền trợ cấp thất nghiệp mà người lao động không đến nhận được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc sau thời hạn nêu trên, tổ chức bảo hiểm xã hội phải thông báo bằng văn bản với trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp về việc người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp. Thông báo về việc người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của tổ chức bảo hiểm xã hội, trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm xem xét, trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Quyết định về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được trung tâm dịch vụ việc làm gửi: 01 bản đến Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để thực hiện bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; 01 bản đến người lao động. Quyết định về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
7. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm. Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 36 tháng thì những tháng lẻ chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
 
 
Các tin đã đưa ngày: