Liên kết website

TÀI SẢN KHI LY THÂN

29/12/2016

Phân vai: Ông Dương: bố chồng Bà Dương: mẹ chồng Cô Ái: con dâu Anh Di: chồng Chị Sinh: chị chồng Ông Tám: bố vợ Bà Tám: mẹ vợ Chị Thoan: Cán bộ Hội phụ nữ xã

Cảnh 1: Ở nhà ông Dương, một buổi chiều mùa hè.
Mấy ngày nay nhà ông Dương như có đám. Mới tháng trước thôi cả nhà tưng bừng mở tiệc đón thằng Di đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc về. Thì tối qua lại như sét đánh ngang tai khi nó nhất quyết đòi ly hôn vợ. Lý do thì ông, bà Dương không thể hiểu nổi: không hợp, không thể sống chung. Cô Ái khóc than một hồi rồi xin ông, bà đưa con về bên nhà mẹ đẻ tĩnh tâm. Bị ông bà mắng thằng Di cũng đi đâu từ tối qua đến giờ chưa về. Nhà chỉ còn hai ông bà già thẫn thờ đi ra, đi vào.
-Ông Dương: Bà ngồi xuống cho tôi nhờ, đi qua đi lại làm tôi chóng hết cả mặt.
- Bà Dương (thở dài thườn thượt): Thì làm cho đỡ phải nghĩ chứ mệt óc lắm. Cái thằng trời đánh, tôi biết ăn nói sao với nhà con Ái.
Ái là con bà bạn thân của bà Dương, hai bà thân nhau, lấy chồng về cùng một xã. Vì thân nên vun vén cho hai con nên vợ nên chồng. Ai ngờ thằng con trai bà đi mấy năm về lại tự dưng đổi tính, đổi nết.
- Ông Dương: Tôi biết, tôi cũng ngại chứ. Hai nhà cũng là chỗ thân thiết nhiều năm. Tôi là tôi nhất quyết không đồng ý cho ly hôn. Con Ái có làm gì nên tội.
- Bà Dương: Tôi cũng không đồng ý. Nhưng cái thằng Di, sao nó lại cứng đầu cứng cổ thể. Ngày xưa hiền lành là thế mà….Hay…sang đấy nó quen đứa nào, rồi về ruồng rẫy vợ con.
- Ông Dương: Tôi cũng không biết nữa. Nhưng cũng có thể lắm. Chứ đang yên đang lành ai lại đòi ly hôn. Bà thử tìm xem nó ở đâu. Gọi nó về hỏi cho ra lẽ.
- Bà Dương: Tôi có gọi điện nhưng máy tút tút suốt. Đúng là sốt cả ruột. Ông đi quanh xóm xem nó ở đâu. Để tôi sang nhà con Sinh.
Cảnh 2 : ở nhà cô Ái, ông bà Tám cũng như ngồi trên đống lửa. Đứa con đã sang nhà bà cô chơi.
  • Cô Ái : mẹ ơi, anh ấy nhất quyết bỏ con rồi mẹ ạ. Cứ tưởng mấy lần anh ấy nói ly thân là đùa. Ai ngờ…hic hic
  • Bà Tám : Nín đi con. Còn có bố mẹ đây, làm gì mà phải khóc. Để tao sang hỏi cho ra nhẽ. Con mình làm gì mà nó đòi bỏ là bỏ.
  • Ông Tám: Thì bà bình tĩnh nghe con nó nói đã. Chưa gì đã sồn sồn lên.
  • Bà Tám: Ông bảo bình làm sao được. Con mình nết na, ngoan ngoan, ông bà bên kia còn khen hết lời. Chồng đi bao nhiêu năm, một mình nuôi con khôn lớn, chăm sóc nhà chồng đâu ra đấy. Ông cứ ngồi đấy mà bình với tĩnh.
  • Ông Tám: Chuyện gì cũng từ từ giải quyết, cứ như bà sang đấy bây giờ chỉ có cãi nhau chứ làm gì. Ái, nói xem chuyện gì nào?
  • Cô Ái: (Rấm rút khóc rồi thỏ thẻ): Chuyện này từ hồi anh ấy đi lao động về 03 năm trước. Rồi sau đó lại đi tiếp thêm 02 năm nữa ấy. Hồi ấy, anh ấy đã bảo vợ chồng không hợp nhau, muốn ly hôn. Nhưng sợ bố mẹ anh ấy phản đối nên bảo ly thân trước. Anh ấy cấm không nói với ai. Con thì nghĩ anh ấy đùa. Vì trước đó hai vợ chồng có cãi vã hay mâu thuẫn gì đâu. Mà đi biền biệt như thế, nhà ai có người đi xuất khẩu lao động chả hóa ly thân hết à. Mỗi lần gọi về hỏi thăm, anh ấy vẫn nói chuyện với con như bình thường. Nên con cũng không nghĩ gì cả.
  • Ông Tám (trầm ngâm): Vậy là âm ỉ lâu rồi chứ không chỉ mới ngày hôm qua đúng không? Đàn ông xa vợ bao nhiêu năm, nó có thay lòng đổi dạ thì….
  • Bà Tám: Sao không nói với mẹ. Con suy nghĩ đơn giản quá. Nếu như thế vợ chồng ly thân đến hai năm thì có phải được ly hôn không?
  • Ông Tám: Tôi cũng không biết.
  • Bà Tám: Thế con định thế nào? Bố mẹ ủng hộ con. Nó đã tuyệt tình thế, nó suy nghĩ lại thì không sao? Nó mà quyết ly hôn, con níu kéo mà không được thì con tính làm sao? Phải nghĩ thoáng ra con ạ…
  • Cô Ái: Con cũng đang rối lắm. Tất nhiên con sẽ khuyên anh ấy nghĩ lại. Tình nghĩa bao nhiêu năm cơ mà. Nhưng nếu anh ấy nhất quyết ly hôn thì cũng đành chịu thôi.
  • Bà Tám: Nếu nó nhất quyết ly hôn thì nó sẽ tìm đủ lý do. Già néo đứt dây, cố níu kéo mà nó lại giở thói du côn đánh đập hành hạ con mình thì cũng khổ.
  • Ông Tám: Đấy là hậu quả xấu nhất thôi. Nhưng nếu phải ly hôn thì cũng phải tính đường đi cho mình con ạ.
  • Bà Tám: Không phải bố mẹ tham của gì. Nhưng tài sản hai vợ chồng con thế nào? Con phải giữ một ít cho mình phòng thân.
  • Cô Ái: Hồi đầu anh ấy đi xuất khẩu, vợ chồng có bao nhiêu tiền lo cho anh ấy đi hết. Sau anh ấy gửi tiền về đều đưa cho mẹ chồng con lo trả nợ. Trả nợ xong thì vợ chồng tích góp tiền, xây được cái nhà đấy. Còn thừa ít tiền thì con gửi tín dụng rồi. Nhưng sau đấy, khi anh ấy bảo ly thân, cũng có gửi tiền cho con, nhưng chỉ đủ chi tiêu trong nhà thôi. Cũng không biết có gửi cho bố mẹ anh ấy không? Con đi làm công nhân cũng có lương, đủ dùng nên cũng không hỏi.
  • Bà Tám: Ly thân thì tiền ai của người nấy à.
  • Ông Tám: Tôi làm sao biết được. Cái ấy hỏi tòa án chứ.
  • Bà Tám: Thì ông hỏi đi. Ngồi đấy làm gì.
Có điện thoại, bà Tám nghe rồi bảo chồng, con: bà Dương gọi điện, thằng Di nộp đơn ly hôn lên tòa rồi. Tối nay họp gia đình.
 Cảnh 3: Ở nhà ông, bà Dương tối đó.
  • Anh Di: Vợ chồng không hợp nhau thì ly hôn. Con sợ gia đình buồn nên không thông báo chứ vợ chồng con đã ly thân từ hai năm trước rồi. Hôm nay con đã lên tòa hỏi thủ tục và làm đơn ly hôn.
  • Ông Dương (quay ra nhìn cô con dâu mắt đỏ hoe): Có đúng không con?
  • Cô Ái: Dạ, anh ấy bảo vợ chồng ly thân hồi anh ấy đi hai năm trước ạ. Nhưng con vẫn nghĩ chắc xa mặt cách lòng thì thế thôi. Về thì anh ấy sẽ nghĩ lại, nên con..
  • Ông Dương: sao con không nói với bố mẹ.
  • Cô Ái: con nghĩ anh ấy chỉ nói thế thôi vì vợ chồng có việc gì đâu.
  • Bà Dương: đáng lẽ con vẫn nên nói với bố mẹ chứ.
  • Anh Di: nói hay không nói thì đã ly thân lâu như thế, vợ chồng không còn tình cảm gì thì ông bà nên để vợ chồng con ly hôn. Con vẫn có trách nhiệm với con. Cứ cố ép chúng con ở với nhau chả khác gì hành hạ nhau cả.
  • Bà Tám: Anh nói thế tôi cũng không biết nói gì hơn. Có nói với anh vợ anh nó vất vả ra mấy năm anh đi sao chắc anh cũng để ngoài tai. Vì anh mà áy náy thì đã không đối xử với nó thế này. Thằng Minh cái Ái nó nuôi. Nếu anh đã có trách nhiệm với con thì cũng nên có trách nhiệm với cái Ái.
  • Anh Di: Thì mấy chục triệu tiền gửi tín dụng ấy, cô ấy cứ giữ lại. Thằng Minh là con trai, nó phải ở với bố.
  • Bà Tám: Không ai lại chia cắt mẹ con nó cả. Anh có chăm được không? Hay chả mấy chốc lại có vợ mới. Nhà đất thì của nhà anh. Còn tiền mấy năm anh đi xuất khẩu lao động. Tài sản chung vợ chồng, phải chia đôi mới hợp lẽ chứ.
  • Anh Di: Tiền con làm ra trong thời kỳ ly thân thì phải là của con chứ.
  • Bà Tám: Con Ái nhà tôi nó dại. Nhưng tôi là tôi cứ nghĩ cho nó trước. Ông bà thông gia đừng trách nhà tôi tham.
  • Bà Dương: Tôi nào dám nghĩ vậy. Nhưng cái gì cũng phải theo luật mới được. Tôi biết con tôi không phải với cái Ái. Mà nhà tôi cũng không đối xử tệ bạc gì với cái Ái cả. Tài sản vợ chồng nó cứ theo luật mà chia thôi. Còn thằng Minh thì vợ chồng nó quyết thế nào tôi nghe thế. Chúng tôi cũng sẽ có trách nhiệm với cháu mình.
  • Chị Sinh: Chuyện của hai em, cháu cũng bất ngờ. Nhà cháu cũng đã khuyên Di hết lời, mà nó không nghe cho. Thôi thì vợ chồng nó tự quyết, chúng nó lớn rồi. Con cái nên ở bên nào có điều kiện nuôi tốt hơn. Còn chuyện tài sản, theo cháu được biết thì tài sản chung vợ chồng thì chia đôi. Tài sản riêng của ai vẫn là của người ấy.
  • Ông Tám: Chuyện hai đứa ly hôn thì không ai muốn. Nhưng nếu có ly hôn thì phải sòng phẳng mọi cái. Con cái tốt nhất ở với mẹ.
  • Ông Dương: Thằng Minh là đích tôn nhà tôi, nó sẽ ở với nhà tôi. Nhà tôi có điều kiện tốt hơn.
  • Cô Ái: Con cái phải theo mẹ chứ ạ. Bắt con xa thằng bé làm sao con sống nổi. Tài sản thì vợ chồng con không thỏa thuận được nên ra tòa xử lý vậy.
  • Anh Di: Không bỏ công sức ra mà đòi chia đôi tài sản. Thế lương tháng của cô tôi có đòi hỏi đâu.
  • Cô Ái: Hai năm nay anh gửi về tháng được bao nhiêu. Lương của tôi cũng lo cho con, cho cái nhà này chứ đâu. Làm gì có dư giả gì. 
  • Ông Dương: Anh thôi đi. Không phải tại anh thì không sinh lắm chuyện thế này. Tôi không thích vạch áo cho người xem lưng. Nhưng còn hơn cãi nhau về tiền nong ở tòa. Tôi gọi cái Thoan – bạn cái Sinh ở Hội phụ nữ xã đến hỏi. Nó học trung cấp luật chắc cũng biết hơn ông bà và tôi.
Một lúc sau, chị Thoan đến.
  • Chị Sinh: Thoan à, vào nhà đi. Làm phiền Thoan buổi tối thế này.
  • Chị Thoan: không phải khách sáo thế. Có gì giúp được tớ giúp ngay.
  • Ông Dương: Cháu ngồi xuống đây. Uống nước đi.
Rồi ông Dương kể cho chị Thoan nghe một lượt câu chuyện. Nghe xong chị thủng thẳng đáp.
  • Chị Thoan: Cái gia đình hai bên băn khoăn nhất là việc nuôi cháu Minh và chia tài sản vợ chồng đúng không ạ. Chuyện cháu Minh, nếu dưới 03 tuổi thì đương nhiên theo mẹ, trừ trường hợp mẹ không có điều kiện nuôi, nhà mình không rơi vào trường hợp này. Cháu Minh đã 05 tuổi, ai nuôi thì sẽ do thỏa thuận hai bên, nếu không thỏa thuận được thì tòa sẽ xem gia đình nào có điều kiện nuôi dưỡng tốt hơn để xét. Còn về tài sản…
  • Anh Di: tài sản khi ly thân là tài sản riêng phải không chị.
  • Chị Thoan: Luật hôn nhân, gia đình hiện nay không có quy định về ly thân em ạ. Ly thân mà chưa ly hôn thì vẫn được xác định là thời kỳ hôn nhân. Và tài sản vợ chồng em tạo lập được trong thời kỳ hôn nhân vẫn là tài sản chung vợ chồng. Về nguyên tắc là chia đôi. Tuy nhiên, có tính đến công sức đóng góp của hai bên[1].
  • Cô Ái: Những tài sản nào thì được coi là tài sản chung vợ chồng ạ.
Chị Thoan: Tài sản chung của vợ chồng là tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.[2]
  • Anh Di: Sao em nghe bảo, vợ chồng vẫn có quyền có tài sản riêng mà.
  • Chị Thoan: Đúng là như vậy, nhưng đó là tài sản có được trước khi đăng ký kết hôn; tài sản em được thừa kế riêng, tặng cho riêng. Hoặc là tài sản chung của hai vợ chồng, nhưng hai vợ chồng em có thỏa thuận bằng văn bản đó là tài sản riêng của vợ hoặc chồng.[3] Hai em không có thỏa thuận này đúng không? Như vậy, tòa vẫn sẽ xác định tiền mà em kiếm được khi đi lao động ở Hàn Quốc là tài sản chung vợ chồng. Và Ái có quyền yêu cầu tòa án chia tài sản đó theo quy định của pháp luật.
Anh Di có đôi chút hậm hực. Nhưng đã là luật thì phải tuân theo thôi. Không ai ủng hộ anh trong chuyện ly hôn này, kể cả là người nhà. Anh cũng không muốn mang tiếng là kẻ không biết điều. Anh có thể có gia đình mới, nhưng còn người vợ của anh thì sẽ thế nào, rồi con cái bị ảnh hưởng bởi chuyện này nữa. Hai vợ chồng có thể chia tay trong hòa bình là điều anh mong muốn nhất bây giờ.
  • Anh Di: Vậy thì cứ theo quy định của tòa, đỡ sau này lại bảo bị ép.
  • Chị Thoan: Hai vợ chồng nên bàn bạc cho kỹ nhé. Chị về đây.
  • Ông Dương: Đấy, vậy là không lăn tăn gì nữa nhé. Hai con tự thỏa thuận được là hay nhất. Còn thật, bố vẫn khuyên thằng Di nghĩ lại vì con vì cái.
  • Anh Di: Chuyện này bố mẹ không ở trong hoàn cảnh của con, bố mẹ không hiểu. Cũng đừng nghĩ con ngoại tình mà ruồng rẫy vợ con. Không hợp là không hợp.
  • Cô Ái: Con cám ơn bố mẹ. Nhưng cho chồng con thời gian suy nghĩ. Con cũng sẽ về nhà mẹ con một thời gian ạ.
Nói rồi cô Ái và bố mẹ ra về.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

[2] Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng. Luật hôn nhân và gia đình 2014

[3] Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng. Luật hôn nhân và gia đình 2014

Các tin đã đưa ngày: