Hoàng: chào anh, hôm nay em lại đến nhờ anh tư vấn giúp đây ạ
Thái: về vụ việc liên quan tới họp đại hội đồng cổ đông em gửi hồ sơ cho Văn phòng anh hôm 15/9 phải không?
Hoàng: đúng rồi anh. Vụ việc đó cũng liên quan tới nhiều cổ đông của công ty nên em muốn tìm hiểu rõ anh ạ.
Thái: em nói tóm tắt lại vụ việc anh nghe
Hoàng: vụ việc cũng hơi phức tạp, cụ thể là như thế này ạ:
Công ty cổ phần giày Hoàng Anh (HAFCO) là một Công ty cổ phần được thành lập tháng 11 năm 2014, với 45% cổ phần do Công ty TNHH Hoàng Gia nắm giữ. Ngày 20/01/2016, Công ty giày Hoàng Anh đã tiến hành Đại Hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 và đã thông qua các nội dung:
1. Kế hoạch kinh doanh của công ty năm 2016; 2. Báo cáo tài chính năm 2015; 3.Báo cáo của Ban kiểm soát về kết quả kinh doanh của công ty, về kết quả hoạt động của Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;4. Báo cáo tự đánh giá kết quả hoạt động của Ban kiểm soát và của từng Kiểm soát viên; 5. Mức cổ tức đối với mỗi cổ phần của từng loại. 5. Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty cổ phần giày Hoàng Anh sửa đổi bổ sung; 6. Báo cáo của Hội đồng quản trị về quản trị và kết quả hoạt động của Hội đồng quản trị và từng thành viên Hội đồng quản trị; 7. Miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị, BKS; 8. Quy chế trả lương, trả thưởng và phụ cấp khác cho HĐQT và BKS năm 2016; 9. Bán phần vốn Nhà nước của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh Vốn Nhà nước
2. Việc tiến hành đại hội đã được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục được qui định tại Điều lệ Công ty và Luật doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong 9 nội dung nói trên thì chỉ có nội dung (từ 1-8) là đã được Công ty lên chương trình từ trước và gửi cho các cổ đông trước khi diễn ra Đại hội. Riêng nội dung thứ 9 đến khi Đại hội đã thông qua 8 nội dung đã được định trước thì ông Dũng (đại diện Hoàng Gia) mới đề xuất việc Hoàng Gia bán phần vốn tại Công ty. Việc đề xuất này được Chủ tọa Hội nghị đồng ý, đã được 86,79% vốn của những cổ đông có mặt biểu quyết và đã thể hiện vào biên bản đại hội.
Ngày 09/03/2016, Ông Nguyễn Đức Đăng và Ông Nguyễn Văn Cường đã có văn bản gửi đến Công ty cổ phần giày Hoàng Anh đề nghị Công ty này hủy bỏ toàn bộ biên bản và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 với các lý do sau:
- Đã vi phạm Khoản 3, Điều 139 Luật doanh nghiệp 2014 là: Đề nghị chuyển nhượng vốn không được Hoàng Gia gửi trước ngày tiến hành Đại hội đồng cổ đông bằng văn bản;
- Vi phạm Khoản 3 Điều 142 Luật doanh nghiệp 2014 vấn đề này cũng không được Đại hội đồng cổ đông thông qua trong phiên khai mạc;
- Có hành vi gian dối sửa chữa biên bản Nghị quyết mà không cho cổ đông biết, trong biên bản ghi là cho phép Hoàng Gia bán bớt cổ phần nhưng biên bản Nghị quyết cấp cho các ông lại ghi là bán cổ phần không có chữ “bớt”.
- Ngày 02/9/2016 các ông mới được công ty giao cho biên bản và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông , phần nội dung thứ 09 không giống phần nội dung đã được thông qua tại Đại hội;
- Biên bản Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 ngày 20/01/2016 mà HAFCO giao cho ông Cường và ông Đăng thì phần nội dung chuyển nhượng cổ phần của Hoàng Gia không đúng với nội dung biên bản ĐH đã được thông qua tại ĐH.
Sự việc của công ty em nó dài dòng, phức tạp như vậy, anh tư vấn giúp em xem cổ đông họ có quyền gì và công ty đã thực hiện không đúng quy định của pháp luật ở những điểm nào?
Thái: thực ra vụ việc này cũng đã rõ những vấn đề pháp lý ở đây rồi đấy. Tôi có ý kiến về vụ việc của công ty HAFCO cụ thể như thế này nhé:
Thứ nhất, việc hai cổ đông Nguyễn Đức Đăng và Ông Nguyễn Văn Cường yêu cầu hủy toàn bỏ toàn bộ biên bản và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2005 là chưa đúng.
Qua tình tiết vụ việc có thể thấy, việc Công ty tổ chức Đại hội đồng cổ đông đã tuân thủ các qui định của pháp luật về trình tự, thủ tục đối với 8 nội dung (1-8) thuộc chương trình nghị sự của ĐH. Như vậy sẽ không có căn cứ để yêu cầu hủy bỏ toàn bộ Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông . Không phải vì có một số nội dung không được thực hiện đúng trình tự luật định mà có thể yêu cầu hủy bỏ toàn bộ Nghị quyết Đại hội cho các nội dung đã được tổ chức hợp lệ khác.
- Thứ hai, việc chuyển nhượng phần vốn của Hoàng Gia trong Công ty là chưa thực hiện đúng qui định của pháp luật.
Khác với Công ty TNHH, việc chuyển nhượng vốn trong Công ty cổ phần được thực hiện tự do.Tuy nhiên, để đảm bảo sự ổn định ban đầu trong quá trình thành lập doanh nghiệp, pháp luật có qui định hạn chế việc chuyển nhượng vốn trong 3 năm đầu kể từ ngày doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tôi đọc Khoản 3, Khoản 4 Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014 cho cậu nghe nhé:
3. Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.
4. Các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được bãi bỏ sau thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các hạn chế của quy định này không áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty.
Như vậy, để thực hiện việc chuyển nhượng, cổ đông dự định chuyển nhượng phải có đề nghị về việc chuyển nhượng và phải được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông.
Trong tình huống nói trên, nếu đến thời điểm triệu tập họp, nội dung về việc chuyển nhượng vốn góp chưa được xác định theo thông báo mời họp, theo qui định tại khoản 2 Điều 114 và khoản 2 Điều 99 Luật Doanh nghiệp, vì Hoàng Gia nắm giữ trên 10% vốn trong Công ty nên Hoàng Gia có quyền kiến nghị nội dung đưa vào cuộc họp Đại hội đồng cổ đông chậm nhất là 3 ngày trước ngày khai mạc.
- Khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp qui định:
2. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền sau đây:
a) Đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát;
b) Xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm theo mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam và các báo cáo của Ban kiểm soát;
c) Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này;
d) Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết. Yêu cầu phải bằng văn bản; phải có họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cổ đông là cá nhân; tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký doanh nghiệp đối với cổ đông là tổ chức; số lượng cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty; vấn đề cần kiểm tra, mục đích kiểm tra;
đ) Các quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
- Khoản 2 Điều 138 Luật doanh nghiệp 2014 qui định:
Cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật này có quyền kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp Đại hội đồng cổ đông. Kiến nghị phải bằng văn bản và được gửi đến công ty chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày khai mạc, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định thời hạn khác. Kiến nghị phải ghi rõ tên cổ đông, số lượng từng loại cổ phần của cổ đông hoặc thông tin tương đương, vấn đề kiến nghị đưa vào chương trình họp.
Mặc dù theo Điều 29.7 của Điều lệ HAFCO có quy định “Quyết định của Chủ tọa về vấn đề trình tự thủ tục tại đại hội là phán quyết cao nhất” và việc thông qua nội dung bán cổ phần tại Đại hội đã được 86,79% vốn của những người có mặt biểu quyết nhất trí. Tuy nhiên, qui định trên của Điều lệ Công ty HAFCO trái với Luật Doanh nghiệp bởi theo qui định của pháp luật, Chủ tọa chỉ có quyền hạn sau:
- Chủ tọa có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết và hợp lý để điều khiển cuộc họp một cách có trật tự, đúng theo chương trình đã được thông qua và phản ánh được mong muốn của đa số người dự họp (khoản 4 Điều 142 Luật Doanh nghiệp 2014);
- Có quyền hoãn cuộc họp Đại hội đồng cổ đông đã có đủ số người đăng ký dự họp theo quy định đến một thời điểm khác hoặc thay đổi địa điểm họp trong các trường hợp sau đây (Khoản 8 Điều 142 Luật doanh nghiệp 2014):
a) Địa điểm họp không có đủ chỗ ngồi thuận tiện cho tất cả người dự họp;
b) Các phương tiện thông tin tại địa điểm họp không bảo đảm cho các cổ đông dự họp tham gia, thảo luận và biểu quyết;
c) Có người dự họp cản trở, gây rối trật tự, có nguy cơ làm cho cuộc họp không được tiến hành một cách công bằng và hợp pháp.
Hơn nữa, Khoản 4 Điều 141 Luật doanh nghiệp 2014 đã qui định: Chỉ có Đại hội đồng cổ đông mới có quyền quyết định thay đổi chương trình họp đã được gửi kèm theo thông báo mời họp theo quy định tại Điều 139 của Luật này.
Như vậy,quyền hạn thay đổi nội dung chương trình họp thuộc về Đại hội đồng cổ đông chứ không phải Chủ tọa đại hội. Mặt khác, tỷ lệ biểu quyết 86,79% chưa đủ để làm cho việc biểu quyết đó đúng luật theo qui định tại khoản 2 Điều 148 Luật doanh nghiệp năm 2014.
Khoản 4 Điều 104 Luật doanh nghiệp qui định: Các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông được thông qua bằng 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là hợp pháp và có hiệu lực ngay cả khi trình tự và thủ tục thông qua nghị quyết đó không được thực hiện đúng như quy định.
Việc đề xuất nội dung chuyển nhượng phần vốn góp được đưa ra ngay tại phiên khai mạc đại hội là không phù hợp về trình tự, thủ tục theo qui định của Điều 138 và Điều 139 Luật doanh nghiệp năm 2014, vì thế đòi hỏi phải được 100% số phiếu biểu quyết nhất trí thông qua chứ không phải theo tỷ lệ tối thiểu 65% theo khoản 1 Điều 144 Luật doanh nghiệp như nhiều người nhầm tưởng.
Hoàng: Anh đúng là Luật sư giỏi, em đã hiểu ai đúng, ai sai theo quy định của pháp luật doanh nghiệp. Em sẽ về công ty giải thích cho mọi người.
Thái: thực ra Pháp luật cũng đã quy định rõ, tuy nhiên mọi người cần tìm hiểu và thực hiện nghiêm túc thì mọi việc sẽ tốt thôi.
Hoàng: Vâng, em cảm ơn anh, tìm hiểu và chấp hành theo pháp luật có vai trò, ý nghĩa quan trọng như nhau anh nhỉ.