Liên kết website

CÓ TỘI ẮT PHẢI BỊ PHÁP LUẬT XỬ LÝ

29/12/2017

(Tìm hiểu quy định pháp luật hình sự về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự)

          Trong một ngõ nhỏ của tổ dân phố A, nơi có giàn hoa giấy đang nở rộ trước cửa nhà của chị Bình, anh Long... Hơn 10 năm trước, anh Long gặp một tai nạn trên đường chở hàng, chiếc bánh xe không may gặp trục trặc khi đang trên đà lao dốc. Vì tai nạn đó mà hiện nay sức khỏe anh không được tốt, trí nhớ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một hôm, Vũ - người em thân thiết của gia đình anh Long, chị Bình đến chơi và mang theo một câu chuyện – một câu chuyện mà có thể sẽ khiến cho số phận của một ai đó sẽ thay đổi.
          Anh Vũ (từ ngoài cửa sắt, gọi với vào): Chị Bình, anh Long có ở nhà không ạ?
          Chị Bình: Ai thế? Ôi, chú Vũ, là chú Vũ có phải không?
          Anh Vũ: Vâng, em là Vũ đây ạ.
          Chị Bình (vừa mừng rỡ vừa xen lẫn ngạc nhiên): Lâu quá rồi không gặp chú. Cứ tưởng chú “mất tích” tận đâu rồi. Dạo này trông chú chững chạc quá, không còn như cái hồi đi cùng với anh Long nhà tôi nữa. Phải gần chục năm rồi còn gì nữa.
          Anh Vũ (phân trần): Vâng, thưa chị, đúng là cũng gần chục năm rồi chị ạ. Vì hoàn cảnh gia đình mà em phải đi làm ăn xa, mỗi bận về quê cũng không có thời gian nhiều nên ít có dịp đến thăm anh chị được. À, tình hình sức khỏe của anh Long dạo này thế nào rồi ạ? Mà anh Long không có nhà hả chị?
          Chị Bình: Chán lắm chú ạ. Càng già thì sức khỏe lại càng yếu. Ngày xưa đi bộ đội bị thương; lại còn chưa kể cái di chứng của tai nạn lần trước; thành ra cứ trái gió trở trời một cái là y như rằng, người lại đau ốm. Có bận còn tệ đến nỗi làm ầm hết nhà cửa lên, thậm chí còn đập phá cả đồ đạc trong nhà lên nữa. Ông ấy chắc vừa chạy sang hàng xóm quanh đây thôi chú ạ.
          Anh Vũ: Thế còn trí nhớ của anh thì sao hả chị? Tình hình có tiến triển gì không ạ?
          Chị Bình: Tiến triển gì cơ chú? Anh ấy bị mất trí nhớ gần như vĩnh viễn mà. Nhiều khi nghĩ đến cũng chạnh lòng. Thằng Võ ngày trước cùng làm với anh Long đấy bây giờ giàu có, ăn nên làm ra, gia đình khấm khá thế mà nhà tôi thì…
          Anh Vũ: Hôm ấy khi anh Long xảy ra tai nạn, nhà em lại có việc nên em không đi cùng anh trong chuyến chở hàng đó được. Thế là tay Võ được điều đi cùng anh. Hôm nay em đến đây trước nhất là thăm hai anh chị, sau nữa là có chuyện này nhất định em phải nói với chị.
          Chị Bắc (sốt sắng): Sao, có chuyện gì hả chú? Chú nói cho tôi nghe xem!
          Anh Vũ: Chị cứ bình tĩnh, từ từ để em nói. Chuyện là thế này, anh Long nhà mình bị như ngày hôm nay là do thằng Võ hãm hại đó chị.
          Chị Bình (ngạc nhiên hết sức): Cái gì? Chú vừa nói cái gì? Là tay Võ đó á? Cái thằng thi thoảng nó vẫn đến nhà tôi đó sao? Chẳng phải lần trước chú nói là xe anh Long bị mất phanh rồi lao xuống vực cơ mà. Sao lại có ai hãm hại, tôi không hiểu, chú nói cho tôi nghe xem?
          Anh Vũ: Dạ. Không phải đâu ạ. Thực ra là từ đầu em cũng tưởng như thế. Nhưng em biết chuyện này là do có một lần ngồi uống rượu với anh em thân tín của thằng Võ. Nó tiết lộ là có lần thằng Võ say nên đã kể hết với nó.
          Chị Bình: Chuyện cụ thể là thế nào hả chú? Thật không thể tin nổi, thi thoảng thằng Võ đến vẫn anh em với anh Long nhà tôi.
          Chú Vũ: Hắn ta kể là đợt đó, thấy anh Long buôn may bán đắt, ăn nên làm ra lại được nhiều người tin tưởng đặt hàng. Vì thế hắn đã sinh lòng ghen ghét, đố kỵ và tìm mọi cách hãm hại anh Long nhiều lần hòng mong chiếm vị thế làm ăn của anh Long.
          Chị Bình:Thật không thể nào mà ngờ được con người ấy?
          Chú Vũ (kể tiếp): Sau đó hắn mới nảy ra kế tháo bánh xe của anh Long để xe anh Long bị tai nạn, lao xuống vực đó chị. Thế nên anh Long mới nên nông nỗi này. Em nghe chuyện mà giận run người, không tin nổi vào tai mình. Anh em cùng đi làm ăn với nhau mà ghen ghét, đố kỵ rồi làm cái tội ác đấy thì thật là đau lòng chị ạ!
          Chị Bình: Nếu quả có như vậy thì thật là buồn chú ạ. Sao lại có cái người độc ác đến như thế cơ chứ? Chú nói thì tôi mới nghĩ lại, mặc dù anh Long nhà tôi lúc nhớ lúc quên, chả nói được điều gì; bình thường khách đến nhà chơi là mừng rồi vui vẻ lắm, thế mà cứ mỗi lần thằng Võ đến là y như rằng sau đó là lại làm ầm nhà lên. Thảo nào, thảo nào, tôi hiểu rồi...  Nhưng mà chú Vũ này, liệu tôi có thể đòi lại lẽ công bằng cho chồng tôi không? Chắc phải đưa thằng Long này ra để pháp luật trừng trị cho nghiêm khắc chú ạ!
          Chú Vũ: Em chắc chắn là được, chúng ta phải tìm mọi cách đưa thằng Võ ra pháp luật xử lý nếu như nó có tội thật, ông bà ta đã nói rồi, có tội ắt phải trả.
          Chị Bình: Nhưng liệu đó có phải là sự thật không hả chú?
          Chú Vũ: Từ đầu em bị bất ngờ và cũng không tin đâu chị ạ. Để đảm bảo có chứng cứ chắc chắn, em cũng đã dò hỏi thêm thông tin mấy thằng đệ” của thằng Võ nữa. Cái thằng này có cái tật là cứ khi nào rượu say vào là lại kể hết chuyện ngày xưa, kể cả chuyện ngày xưa nó hãm hại anh Long ra sao chị ạ!
          Chị Bình: Giờ tôi phải làm sao hả chú? Tôi lo lắm, chuyện này xảy ra cũng đã lâu rồi, liệu có còn ai nhớ đến nữa không để mà kiện với cáo hả chú? Liệu có ai dám đứng ra làm chứng để đòi lại công bằng cho anh Long không?
          Anh Vũ: Chị cứ yên tâm, cái tay vừa rồi em kể với chị đó, từ đầu thì anh ta nhất định không chịu ra làm chứng vì sợ bị trả thù, dù gì thì hắn cũng là tay chân cùng làm ăn với thằng Võ. Nhưng bây giờ em đã thuyết phục được anh ta ra làm chứng rồi. Nhất định chúng ta phải đòi lại công bằng cho anh Long chị ạ. Còn chuyện mà chị đang lo lắng đó, em cũng đã nghiên cứu kỹ rồi, chúng ta hoàn toàn vẫn còn thời gian để nhờ pháp luật can thiệp vào việc này.
          Chị Bình: Ý chú như thế là sao, có thể giải thích giúp tôi được không?
          Chú Vũ (ôn tồn giải thích): Là thế này chị ạ, em có cậu em họ đang hành nghề luật sư ở thành phố. Cậu đã tư vấn, giải thích cho em là pháp luật hình sự nhà nước ta có quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự[1]. Đó là một thời hạn do Bộ luật hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng và 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
          Chị Bình: Chú nói thì tôi mới biết. Nhưng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày nào hả chú?
          Chú Vũ: Cậu em luật sư của em cho biết, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Chính là từ cái ngày thằng Võ gây tai nạn cho anh Long đó chị, có phải là năm 2007 không chị nhỉ, Đến nay là được 10 năm rồi. Hành vi mà tay Võ thực hiện được khép vào tội giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự. Mà tội giết người là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nên thời hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này là 20 năm kể từ ngày tội phạm được thực hiện chị ạ.
          Chị Bình: Chú nói thế thì chị yên tâm rồi. Có gì chú giúp chị đòi lại công bằng cho anh Long nhé, giờ phải đi báo ngay cho công an, không thể để hắn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật bao năm nay như thế được.
          Hai chị tiếp tục trao đổi với mong muốn vạch trần sự thật, mang lại công lý và trừng phạt kẻ đã mang lại bao thiệt thòi và đau khổ cho anh Long lâu nay theo pháp luật./.
Văn bản sử dụng: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
 
[1] Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 2015
Các tin đã đưa ngày: