- Cảnh sát giao thôngCảnh 1: Tại công viên (gần ngã tư đường)
- Đội trưởng: Đây, mỗi đứa cầm một tập. Anh bảo nhé. Bây giờ hai đứa đi phát cho anh chỗ này. Phát được càng nhiều càng tốt. Phát hết, anh lại đưa thêm. Anh có cả ba lô đây này (Đội trưởng vừa nói vừa cầm 1 tập tờ rơi chia cho 2 bạn sinh viên)
- Sinh viên 1: Vâng ạ. Mà anh ơi, cái này phải phát cho ai hả anh?
- Đội trưởng: Phát cho ai cũng được. Nhưng phát tờ rơi phải nghiêm túc đấy nhé. Các anh chị mà láu cá vứt vào thùng rác là tôi không trả công đâu. Còn phạt đấy. Anh ra phố bên kia đây. Hai đứa em phát chỗ này nhé.
Một lúc lâu sau… (Sinh viên 1- ngồi tựa gốc cây, Sinh viên 2 - đứng bên cạnh – Tay mỗi người vẫn cầm 1 tập tờ rơi, dáng vẻ mệt mỏi)
- Sinh viên 1: Haiz. Mỏi chân quá!
- Sinh viên 2: Anh, đứng dậy nhanh. Không đội trưởng mắng cho bây giờ.
- Đội trưởng: Giời ơi! Cái gì? Cô, cậu muốn giết tôi à? Muốn tôi mất chức à? Làm ăn kiểu gì mà phát được có mấy tờ thế này? Đầu óc để làm gì? Phải sáng tạo, phải tư duy, phải năng động, phải phát triển lên chứ. Thế mới phát được nhiều chứ!
- Sinh viên 2: Đại ca ơi. Hay đại ca ra đằng kia, đại ca tư duy, năng động, phát triển hộ em cái. Em nói thật với anh. Em với anh Trung đứng đầu đường đưa cho người ta, người ta chẳng cầm gì cả. Anh ra anh phát đỡ hộ bọn em.
- Đội trưởng: Được rồi. Tôi ra làm mẫu cho một lần thôi nhé. Một lần mở to mắt mà nhìn nhé. Nhìn đây này. Một phát mấy nhìn tờ này hết luôn đây này. Phải học nhé… (cầm tập tờ rơi của cả 2 người, chạy ra ngã tư)
Cảnh 2: Ngã tư đèn giao thông, các phương tiện đang chờ đèn đỏ. Đội trưởng cầm tập tờ rơi, chặn đầu xe đưa cho từng người đang chờ đèn đỏ. Thậm chí, khi xe đã nổ máy chuẩn bị đi vẫn cố chặn lại đưa cho bằng được. Chẳng mấy chốc hết nửa tập tờ rơi. Sau đó chạy nhanh vào vỉa hè, nơi sinh viên 1 và sinh viên 2 đang đứng nhìn.
- Sinh viên 1: Ôi sếp ơi! Sếp đúng là chuyên gia! Trông rất chuyên nghiệp sếp ạ!
Bỗng có tiếng còi cảnh sát cảnh sát giao thông và một anh cảnh sát giao thông đi đến.
- Cảnh sát: Chào anh chị. Anh chị có phải là chủ nhân của những tờ rơi bừa bãi phát ra đường hay không?
- Đội trưởng: Không. Ai chứ có phải bọn em đâu.
- Cảnh sát: Anh đừng có chối. Tôi đứng bên này quan sát đã thấy hết hành động của anh chị rồi
- Sinh viên 2: Dạ. Anh thông cảm cho bọn em ạ. Chẳng qua là bọn em làm ở bên dịch vụ phát tờ rơi. Đây, anh ơi, anh xem có mặt hàng gì hợp với gia đình nhà mình thì….
- Cảnh sát: Tôi không đùa, tôi đề nghị chị nghiêm túc (đồng chí cảnh sát nghiêm sắc mặt).
- Đội trưởng: (Nạt sinh viên 1) Này! Không đùa nhé! Anh ấy đang làm việc đấy. (Quay sang cảnh sát) Báo cáo anh. Em nghĩ là những hành vi này có gì sai phạm đâu. Ngày xưa thời sinh viên, em đi phát suốt có bị bắt bao giờ đâu ạ?
- Cảnh sát: Anh chị không chỉ phát tờ rơi cho những người dừng lại mà anh chị còn chặn những người tham gia giao thông để phát tờ rơi. Anh chị có biết hành vi của anh chị có thể gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông không?
- Đội trưởng: Dạ bọn em biết ạ. Anh ơi. Anh tha cho bọn em lần này. Bọn em sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc lần sau ạ.
- Cảnh sát: Nói để anh chị biết, với hành vi phát tờ rơi bừa bãi, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị, anh chị có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.
- Đội trưởng: Thôi, hai đứa ở lại anh về cơ quan trước nhé, đang có chút việc gấp xếp đang gọi! (định bỏ đi)
- Sinh viên 1, Sinh viên 2 (mặt ngơ ngác, gọi với lại): Ơ… Ơ…Anh ơi…
- Cảnh sát: Tôi đề nghị anh ở lại hợp tác với chúng tôi để giải quyết vụ việc này.
- Sinh viên 1: Anh ơi, những 500.000 đồng à? Thế thì em sợ hơi nhiều quá bởi vì là bọn em cực chẳng đã mới phải ra đường, mài mặt đi phát tờ rơi kiếm được đồng tiền. Đây, anh này này, anh ấy là chủ cửa hàng mà anh ấy cũng phải ra phát tờ rơi cùng bọn em. Bây giờ làm ăn khó khăn lắm anh ạ! Anh thông cảm cho bọn em.
- Cảnh sát: Anh là chủ cửa hàng, tức là người có sản phẩm được quảng cáo trên những tờ rơi đó?
- Đội trưởng: Vâng. Báo cáo anh. Đấy, em vừa là chủ vừa là đội trưởng của đội phát tờ rơi này. Anh thấy đấy. Kiếm ăn bây giờ khó khăn lắm. Em phải nghĩ mọi cách miễn là đàng hoàng, không bị sai phạm phải không anh?
- Cảnh sát: Anh đừng nghĩ như vậy là không vi phạm, người có sản phẩm, dịch vụ, hành hóa quảng cáo trên tờ rơi còn có thể bị xử phạt nặng hơn, mức xử phạt là từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng
- Đội trưởng, sinh viên 1, sinh viên 2 (mặt lo lắng, đồng thanh): Ôi! Những 10 triệu đồng cơ ạ?
- Cảnh sát: Ngoài ra anh chị còn phải thu dọn toàn bộ những tờ rơi anh chị đã rải bừa bãi ra đường như thế kia trả lại môi trường xanh, sạch, đẹp cho đô thị.
- Đội trưởng: Vâng. Em xin hứa sẽ dọn dẹp sạch sẽ và xin hứa sẽ không tái phạm. Anh thông cảm cho bọn em lần đầu. Các em đâu? Đèn đỏ rồi. Mau dọn dẹp cho sạch sẽ.
Cả ba cùng chạy lại ngã tư, vội vàng nhặt sạch những tờ rơi mọi người bỏ lại ở đường.
Văn bản pháp luật sử dụng: Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017):
“Điều 61. Vi phạm quy định về quảng cáo làm ảnh hưởng mỹ quan, trật tự giao thông, xã hội và trên phương tiện giao thông
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của một phương tiện giao thông;
b) Quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông theo quy định.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.”