Đúng hẹn 8 giờ tối, Hưng và cái Lan, thằng Quân hàng xóm gần nhà đã đến nơi mà chưa thấy đứa bạn nào đâu cả. Nó làu bàu bảo với Lan, Quân: Mấy đứa kia đúng là chuyên gia trễ hẹn. Giờ còn chưa thấy mặt mũi đâu?
Lan trải giấy báo ra ngồi, vừa bày biện bánh kẹo, hoa quả, vừa an ủi Hưng: Cậu yên tâm, có mời, có ăn bọn nó sẽ đến.
Quân thì mải hý hoáy bật cái đài cát xét mang theo và nói: Để tao bật nhạc cho không khí sôi động đã. Mấy đứa kia mà cho chúng mình “leo cây” thì sẽ biết tay.
Quả đúng như Lan, Quân nói. Khoảng 30 phút sau, đám bạn của Hưng cũng rồng rắn kéo nhau đến. Cả lũ ngồi xuống ăn uống và trò chuyện ầm ĩ xen lẫn tiếng nhạc xập xình. Không biết câu chuyện, lời qua tiếng lại thế nào mà chính thằng Hưng và Quân lại xảy ra to tiếng, suýt nữa xông vào đánh nhau.
Hưng hùng hổ chỉ tay vào mặt Quan và nói: Từ nãy đến giờ, mày nói “đểu” mấy lần mà tao không thèm nói lại. Mày nói khích bác tao quá đấy. Tao vào được trường chuyên là do tao học giỏi và thi đỗ. Mày lại bảo do bác tao làm ở trường đó là thế nào?
Quân phản bác: Thế không đúng là bác mày làm việc ở trường đó à? Tao nói là mày học ở đó thuận lợi quá vì có người quen. Còn thằng nào có tật thì giật mình thôi. Mày cứ suy nghĩ xa xôi quá!
Hưng tức giận: Thằng này láo thế! Tao đã tử tế coi mày là bạn thân mà mày lại nói thế à, nói nhiều câu không ai nghe nổi.
Nó cầm cái vỏ chai nước Coca thật to, giơ giơ vào mặt Quân đe dọa.
Cả lũ bạn xôn xao, can ngăn: Thôi, hai ông tướng này, đang vui mà. Có chuyện gì bình tĩnh, nói chuyện với nhau.
Bỗng có tiếng nói ở đâu vọng lại: Thanh niên ở đâu đến mà ồn ào, náo nhiệt thế!
Thì ra là vợ chồng bác Trung – Công chức Tư pháp – Hộ tịch phường đi tập thể dục qua, thấy chúng nó to tiếng nên dừng lại nói chuyện: Thì ra toàn là thanh niên trong khu mình cả đây mà, thằng Hưng, cái Lan con nhà ông Mạnh, bà Giang. Các cháu làm gì mà ầm ĩ cả lên thế này?
Thấy hai bác, Hưng dịu giọng lại: Chúng cháu chỉ ngồi chơi thôi hai bác ạ. Rồi lại đang tranh luận tiếp.
Bác Trung nói: Từ này giờ bác ngồi ở ghế đằng kia, chờ bác gái đến, bác nghe thấy hết rồi. Các cháu vui chơi là quyền của các cháu. Nhưng phải chú ý đến xung quanh, không là vi phạm quy định chung, vi phạm pháp luật đấy.
Nghe thấy nói đến vi phạm, thằng Quân giật mình hỏi lại: Đến mức vi phạm pháp luật hả bác?
Bác Trung nói: Đúng đấy, bác nói vi phạm ở đây là vi phạm hành chính. Nếu các cháu trêu ghẹo nhau, rồi có cử chỉ, lời nói thô bạo, thậm chí xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, dẫn đến xảy xô xát, đánh nhau là vi phạm Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Chưa kể đến, các cháu t
ụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng, đánh nhau thì sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo Điều 6 Nghị định này.
Cái Lan nghe bác Trung nói như vậy thì thắc mắc: Vi phạm hành chính và phạt tiền, hả bác? Cháu tưởng cùng lắm là bị nhắc nhở thôi chứ bác?
Bác Trung ôn tồn giải thích: Đấy là các cháu chưa biết rõ các quy định của pháp luật. Nhà nước ta có hẳn Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và rất nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, ngay từ Điều 2 của luật này quy định rõ vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Thằng Quân nhanh nhảu hỏi: Thế nếu tất cả chúng cháu cùng nhau thực hiện hành vi vi phạm như bác nói thì xử lý như thế nào hả bác?
Bác Trung nói: Về vấn đề này, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã quy định cụ thể tại Điều 3 về nguyên tắc xử lý như sau "Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó”. Luật còn quy định: “Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm”.
Hưng chăm chú nghe rồi hỏi: Chúng cháu chưa đủ 18 tuổi thì có bị xử phạt không nếu vi phạm. Vì cháu nghĩ từ 18 tuổi trở lên mới được coi là người thành niên và bị xử lý theo pháp luật nếu có vi phạm xảy ra.
Bác Trung mỉm cười và nói: Cái này thì cháu hiểu chưa đầy đủ rồi. Đúng là 18 tuổi thì được coi là người thành niên. Tuy nhiên, pháp luật quy định tùy theo từng độ tuổi sẽ bị xử phạt theo các mức độ khác nhau. Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 , thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính. Như vậy, các cháu năm nay lên cấp 3, tức là đã đủ 16 tuổi sẽ chịu trách nhiệm hành chính về tất cả các vi phạm đấy nhé.
Thằng Hưng: May mà chúng cháu được nghe bác giải thích và cũng chưa làm gì sai.
Bác Trung nói tiếp: Luật xử lý vi phạm hành chính đã dành hẳn 01 chương riêng quy định xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên.
Quan trọng nhất là việc áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền. Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên; trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay. Trong quá trình xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, bí mật riêng tư của người chưa thành niên phải được tôn trọng và bảo vệ.
Cái Lan chăm chú lắng nghe, giờ mới lê tiếng: Bác nói thêm cho cháu biết các vi phạm hành chính sẽ bị xử phạt bằng hình thức như thế nào ạ?
Bác Trung: Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; trục xuất. Riêng đối với người chưa thành niên, các hình thức xử phạt được áp dụng bao gồm: cảnh cáo; phạt tiền; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Ngoài ra, còn nhiều quy định cụ thể khác nữa, nếu các cháu muốn biết sâu hơn thì hôm nào qua nhà bác. Do chức năng là tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân phường trong lĩnh vực tư pháp nên bác có một số cuốn sách và tờ gấp pháp luật liên quan đến lĩnh vực mà bác cháu ta vừa trao đổi để các cháu tham khảo. Rồi bác cháu mình cùng trò chuyện thêm nữa.
Từ này giờ lặng im nghe chồng nói xong, bà Minh vợ bác Trung mới nói: Bác Trung trước đây học Đại học luật, lại còn nghiên cứu sau đại học nữa các cháu ạ nên kiến thức pháp luật rất sâu.
Chờ vợ nói xong, bác Trung căn dặn thêm: Các cháu cũng nên giữ gìn sự yên tĩnh chung trong cộng đồng dân cư. Điều 6 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ bác vừa nói có quy định về vi phạm việc bảo đảm sự yên tĩnh chung, trong đó
những hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Nên giờ cũng đã muộn gần 10h đêm rồi, các cháu cũng nên về nhà đi. Đừng để tiếng ồn làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của dân phố ta và lại còn vi phạm pháp luật nữa chứ.
Nghe thấy thế, cả lũ bạn của Hưng không ai bảo ai đều đứng dậy, cảm ơn hai bác và dọn dẹp đồ ăn, thức uống.
Bà Minh cười nhìn bọn trẻ ôn tồn nói: Chúng ta phải biết bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật để góp phần xây dựng khu dân cư văn minh, sạch đẹp! Giờ mấy bác cháu ta cùng đi về nhé!
Một làn gió mát cuối thu hiu hiu thổi đến, không khí trong khu dân cư thật là trong lành, yên ả./.