A có biết về hành vi vi phạm của một công chức xã khi thực thi công vụ. Tuy nhiên A muốn được trực tiếp trình bày sự việc với Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã vì sợ đơn tố cáo sẽ không đến tay Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.
Cảnh 1: Tại Ủy ban nhân dân xã
Một ngày, ông lên Ủy ban nhân dân xã để yêu cầu được gặp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thì hôm đấy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã lại đi họp ở Ủy ban nhân dân huyện, được một người hướng dẫn ông có thể đến vào ngày tiếp dân hàng tuần để gặp Chủ tịch và trình bày sự việc.
Ông A hỏi: có thật không hay là các anh, chị không muốn cho tôi lên gặp Chủ tịch UBND xã?
Một công chức trả lời: Dạ, anh C nói đúng rồi bác ạ. Chúng cháu chỉ thực thi công vụ, làm theo pháp luật thôi ạ, chứ không dám ngăn cản bác gặp Chủ tịch ạ.
Ông A: Được rồi, tôi sẽ quay lại vào ngày đó.
Ông A ra về nhưng trong lòng vẫn chưa thực sự yên tâm. Chiều hôm đấy, ông A có sang nhà hàng xóm, gặp được cháu K – là một công chức xã khác. Nhân cơ hội, ông A hỏi K: Cháu ơi, pháp luật có quy định về việc tiếp công dân không hả cháu?
K: Dạ, có bác ạ.
Ông A: Cháu đọc cho bác nghe xem luật quy định như thế nào về việc tiếp công dân nào?
K: Dạ. bác đợi cháu tìm văn bản ạ.
Một vài phút sau, K đã tìm thấy liền đọc ngay cho ông A nghe.
K: Theo quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013 thì tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân quy định tại Điều 4 của Luật này đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.
Ông A: Cháu đọc bác nghe về tiếp công dân của Ủy ban nhân dân cấp xã đi.
K: Dạ vâng. Điều 15 Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định:
Việc tiếp công dân của cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn được thực hiện tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp phụ trách công tác tiếp công dân ở cấp xã và thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
- Ban hành nội quy tiếp công dân;
- Bố trí địa điểm thuận lợi và các điều kiện cần thiết khác cho việc tiếp công dân tại Trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã;
- Phân công người tiếp công dân;
- Trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã ít nhất 01 ngày trong 01 tuần và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất (Vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau; Vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội);
- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tiếp công dân và xử lý vụ việc nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung; bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động tiếp công dân;
- Tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, báo cáo định kỳ và đột xuất với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Ông A: Thì ra hôm trước mấy anh, chị trên Ủy ban nhân dân nói đúng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân có tiếp dân hàng tuần. Thế để hôm đó bác lên để trình bày một sự việc, bác đang rất bức xúc cháu ạ.
Mà còn có ban hành cả nội quy tiếp công dân à, thế mà hôm trước bác không biết để xin 1 bản về đọc, sau này cần còn dùng nữa.
K: Dạ vâng ạ.
Ông A: Mà cháu ơi, bác có phải viết sẵn đơn tố cáo không hay là lên đấy có người hướng dẫn hả cháu?
K: Bác ạ, Điều 25 Luật Tiếp công dân quy định:
- Khi công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân có trách nhiệm đón tiếp, yêu cầu họ nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có); tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc hướng dẫn người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày nội dung vụ việc.
- Nội dung trình bày phải được ghi vào sổ tiếp công dân gồm; số thứ tự, ngày tiếp, họ tên, địa chỉ, nội dung sự việc, quá trình xem xét, giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền (nếu có); yêu cầu, đề nghị của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tiếp nhận, xử lý vụ việc.
- Trường hợp người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chưa có đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân hướng dẫn viết đơn hoặc ghi lại đầy đủ, chính xác nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh bằng văn bản và yêu cầu họ ký xác nhận hoặc điểm chỉ; trường hợp nội dung trình bày chưa rõ ràng, đầy đủ thì người tiếp công dân đề nghị người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày bổ sung hoặc bổ sung tài liệu, chứng cứ.
- Trường hợp trong đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân hướng dẫn người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh viết thành đơn riêng để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị hoặc phản ánh với cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật.
Vì vậy, bác có thể viết đơn sẵn từ nhà hoặc đến nơi trình bày thì người tiếp công dân sẽ hướng dẫn bác viết đơn hoặc ghi lại đầy đủ, chính xác nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh bằng văn bản và yêu cầu họ ký xác nhận hoặc điểm chỉ bác ạ.
Ông A: Thế thì để đến hôm đấy bác trình bày luôn. Nếu vậy, trong bao lâu thì sẽ thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hả cháu?
K: Dạ, theo quy định tại Điều 28 Luật Tiếp công dân thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, người tiếp công dân có trách nhiệm trả lời trực tiếp hoặc thông báo bằng văn bản đến người đã đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một trong các nội dung sau đây:
- Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đã được thụ lý để giải quyết;
- Việc xem xét khiếu nại, tố cáo để thụ lý cần kéo dài thời gian do cần xác minh thêm theo quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo;
- Từ chối thụ lý đối với khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc không đủ điều kiện thụ lý;
- Nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đã được chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo cho người khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Ông A: Bác hiểu rồi. Cảm ơn cháu. Bác phải hỏi trước để đến hôm đó có gì còn xử lý cháu ạ.
K: Dạ vâng ạ. Bác có muốn biết gì nữa không ạ, để cháu tìm quy định giúp bác ạ.
Ông A: Tạm thời là thế cháu ạ. Sau này cần gì Bác sẽ nhờ cháu nữa nhé.
K: Dạ vâng ạ.
Hôm sau ông A lên Ủy ban nhân dân xã đã được gặp Chủ tịch ủy ban nhân dân xã. Ông đã trình bày sự việc và được ghi chép lại đầy đủ. Và khoảng 10 ngày sau đó thì có thông báo về việc giải quyết vụ việc. Ông A cảm thấy Ủy ban nhân dân nơi xã mình làm việc nghiêm túc và có thái độ tốt khi tiếp công dân, ông tỏ ra hài lòng.