Một bác cương quyết bảo vệ ý kiến của mình: “Dĩ nhiên là ở nơi thường trú rồi các ông ạ”.
Một bác khác khẳng định: “Theo tôi là nơi tạm trú”.
Bác X lấy điện thoại ra, gõ gõ một lúc, trượt lên trượt xuống, rồi bỗng dưng nói: các ông từ từ để tôi đọc xem pháp luật quy định như thế nào nhé. Bác là một hưu trí, đã nhiều năm công tác liên quan đến pháp luật nên bác khá hiểu biết về pháp luật.
Một vài phút sau, bác nói to: đây rồi các ông ơi.
Điều 27 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.
Theo quy định tại khoản 2, 3, Điều 29 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13 ngày 25/6/2015:
“2. Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú.
3. Cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng, cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ở nơi tạm trú hoặc đóng quân.”
Ngoài ra, tại Điều 34 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 có quy định từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nào vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình, đã có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu. Khi cấp giấy chứng nhận, Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu thuộc địa phương mình bên cạnh tên cử tri cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi khác”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, cử tri có thể thực hiện quyền bỏ phiếu tại nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú. Trường hợp cử tri nào vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu.
Pháp luật quy định như vậy để tạo điều kiện cho cử tri có thể tham gia bỏ phiếu ở nơi thuận tiện cho cử tri thực hiện quyền bầu cử của mình.
Một bác khác hỏi tiếp: Vậy, ông cho tôi hỏi thêm, người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có được tham gia bỏ phiếu hay không? Nếu tham gia thì người đó bỏ phiếu ở đâu?
Bác X: Theo quy định tại khoản 5 Điều 29 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Đại biểu hội đồng nhân dân thì cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Và Khoản 4 Điều 30 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Đại biểu hội đồng nhân dân quy định cử tri được quy định tại khoản 5 Điều 29 của Luật này, nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà được trả tự do hoặc đã hết thời gian giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi có trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký thường trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hoặc được bổ sung vào danh sách, cử tri tại nơi đăng ký tạm trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Các bác gật gù: thì ra thế, chúng tôi hiểu rồi.
Bác X: Pháp luật quy định đầy đủ về bầu cử đại biểu Quốc hội và Đại biểu hội đồng nhân dân rồi, các bác cứ vào đọc luật là sẽ hiểu hết thôi.
Nói thế rồi các bác tập trung đánh cờ tiếp, thỉnh thoảng có người cười vang lên vì chiến thắng.