- Mai: A lô! Chị Mai à, chị về nhà nhanh lên, bé Nam nhà chị đang kêu đau bụng dữ lắm mà em không có chìa khóa vào nhà để xem bé thế nào. Bây giờ phải làm sao đây chị?
Đó là giọng của cô em hàng xóm nơi Mai ở, thường ngày xóm nhỏ này vẫn tắt lửa tối đèn có nhau, sống chan hòa vui vẻ và sẵn sàng giúp đỡ nhau khi cần thiết. Sáng nay, Mai đi làm, để đứa con trai 7 tuổi ở nhà một mình, cô khóa cửa và dặn con:
Con ở nhà chơi ngoan, có gì thì gọi cô Yến giúp đỡ nhé, đến trưa mẹ về với con.
Cu cậu ngoan ngoãn dạ vâng mẹ, rồi... Mai đi.Vậy mà, bây giờ còn hơn một tiếng nữa mới tan ca, cô đã nhận được cú điện quan trọng ấy.Mai rối rít cảm ơn cô hàng xóm, tắt máy vội vàng xin sếp về ngay. Cô lên xe và lao nhanh như bay trên đường, vượt qua tất cả các phương tiện khác, nhưng khốn khổ cho cái đường Thủ đô-dường như lúc nào cũng là giờ cao điểm, khi chạy xe tới ngã tư đèn xanh, đèn đỏ, các phương tiện giao thông chen chúc, sân lấn nhau không thể hở lấy vài xen ti mét, xe tràn cả sang đường rẽ, lên vỉa hè..., một khung cảnh hỗn độn làm cho đầu cô muốn nổ tung, tức thì cô leo lên vỉa hè, mới đi chừng vài thước thì có tiếng còi ra hiệu dừng xe của anh cảnh sát giao thông, cô nhăn mặt lắc đầu thể hiện sự bất lực với tình thế hiện tại.
- CS: Chào chị, chị vừa vi phạm lỗi khi điều khiển phương tiện đi trên vỉa hè, chị vui lòng cho em xem giấy tờ và vào chốt đọc quy định giúp em ạ.
Lúc này trong lòng Mai đang cồn cào như lửa đốt vì nghĩ tới đứa con trai bé bỏng đang ở nhà. Tình mẫu tử dâng cao mạnh mẽ và mọi thứ xung quanh cô lúc này chỉ là thứ yếu. Cô trả lời anh cảnh sát rất nhanh và rành giọt:
- Mai: ừ, chị chào chú, chị biết lỗi của chị rồi, bây giờ chị đang có việc rất quan trọng cần đi ngay, chú xem phạt chị lỗi ấy như thế nào, lập biên bản ra sao làm luôn cho chị với.
- Cs: chị cho em xem giấy tờ ạ?
- Mai: Đây chú
- Cs: Bây giờ mời chị vào đọc qui định đã, rồi từ từ em sẽ giải quyết cho chị đi
Mai biết cái thủ tục hành chính bắt đầu “đúng qui trình” khiến cô nóng mặt, cô lặp lại yêu cầu của mình một lần nữa:
Chị biết lỗi của chị rồi, bây giờ chị đang có việc rất quan trọng cần đi ngay, chú xem phạt chị lỗi ấy như thế nào, lập biên bản ra sao làm luôn cho chị.
Chú cảnh sát cũng lặp lại:
Bây giờ mời chị vào đọc qui định đã, rồi từ từ em sẽ giải quyết cho chi đi.
Biết không thể “cải tạo” nổi cái quy trình thực hiện thủ tục hành chính này nên cô khá bực bội nói:
Chị đã nói là chị biết lỗi của chị rồi, chị chỉ yêu cầu các chú làm thủ tục nhanh để chị đi, chứ chị không có thời gian đứng lại đọc qui định, chị tin tưởng ở các chú là được rồi, các chú không chịu giải quyết ngay cho chị thì đấy, giấy tờ đấy, bằng lái đấy, đăng ký xe đấy, các chú giữ thì giữ, chị đi đây.
Nói xong cô lên xe phóng thẳng đi bỏ lại một số giấy tờ, vẫn còn kịp nghe tiếng ú ớ của chú cảnh sát trẻ tuổi như không hiểu đang có chuyện gì xảy ra với mình.
Về tới nhà Mai lật đật vừa mở khóa cửa, vừa gọi, vừa vồn vã hỏi con làm cu cậu cũng cuống quýt tít mù với mẹ, cậu nói:
Con bị đau bụng nhưng cô Yến đưa qua khe cửa lọ thuốc, cô bảo bôi vào bụng, con đã bôi và khỏi rồi, mẹ xem này..., cu cậu vừa líu lo kể vừa nhảy nhót cho mẹ xem. Mai thở phào nhẹ nhõm ôm con vào lòng vuốt vuốt mấy sợi tóc mỏng con trai mình. Bây giờ cô mới có thời gian và bình tâm trở lại suy nghĩ về những gì vừa xảy ra, cô nhớ lại cảnh cô hoảng hốt khi nghe con đau, cảnh cô phi xe như bay trên đường, cảnh cô lạng lách đi giữa chốn đông người khiến cô rùng mình, và đặc biệt cảnh cô bị công an tuýt còi dừng xe, và còn nữa, giấy tờ tùy thân của cô... cô đã bỏ lại... không biết giờ đi xin lại có khó khăn gì không?
Mọi chuyện về cậu con đã ổn yên trở lại, đầu giờ chiều cô quyết tới chốt Cảnh sát giao thông ban sáng để xin lại giấy tờ, mặc dù trong lòng cô có đôi chút ái ngại với cách hành xử của mình trước đó. Cô đi chậm rãi, đầu óc nghĩ ngợi mông lung có chút xấu hổ. Tới nơi, thật may mấy chú cảnh sát ban sáng vẫn chưa đổi ca, một chú nhìn thấy chị nói:
A, chị ban sáng đây rồi!
- Mai: chị chào chú, ban sáng chị có để lại giấy tờ xe ở đây, do bận việc khẩn cấp nên chị chưa thể làm thủ tục được, bây giờ chị quay lại để làm và cho chị nhận lại giấy tờ.
- CS: vâng, chị vào đây. Lúc ấy chị bận gì mà vội thế?em chưa kịp nói với chị câu nào.
- Mai: con chị đau bụng, cháu nó ở nhà một mình, chị đi làm thấy hàng xóm điện thông báo vậy nên chị quá lo lắng.
- CS: Vậy ạ, thế bây giờ cháu thế nào rồi ạ?
- Mai: Cảm ơn chú, cháu nó đỡ rồi
- CS: Thế thì may rồi, bây giờ chị vào đây em làm thủ tục cho, theo quy định “Khoản 1 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.
Điểm g khoản 4 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định, phạt tiền từ 300.000 đến 400.000 đồng với mỗi hành vi điều khiển xe máy không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên hè phố (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà).
Theo điểm c khoản 12 Điều 6 Nghị định này, nếu thực hiện hành vi vi phạm nêu trên mà gây tai nạn giao thông, ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng” chị nhé.
Em mong chị lần sau không vi phạm nữa và có việc gì thì bình tĩnh khi giải quyết. Chị ký vào biên bản và nhận lại giấy tờ xe ạ.
Lần này Mai đủ bình tĩnh để đứng lại đọc kỹ nội dung qui định về lỗi của mình gây ra, cô ngộ ra nhiều điều. Xét về mặt pháp luật, cô nhận thấy hành vi của cô là không đúng, nó góp phần vào việc ách tắc giao thông, nguy hiểm hơn là có thể gây ra tai nạn, khi nóng nảy cô vô tình thể hiện thái độ không tôn trọng người thi hành công vụ, cô cần phải điều chỉnh lại hành vi của mình.
Xét về mặt tình cảm, cô ngộ ra các chiến sỹ cảnh sát giao thông không khô khan, máy móc như mọi người thường nghĩ, trong hoàn cảnh đặc biệt họ vẫn làm tròn trách nhiệm và linh động khi giải quyết vấn đề, kèm theo sự quan tâm, hỏi han người vi phạm thể hiện sự gần gũi, xóa tan khoảng cách giữa người vi phạm với người thi hành công vụ.
Cô nhận lại giấy tờ và ra về với tinh thần thoải mái, trong cô mùa đông bỗng trở nên dễ chịu, ấm áp, đáng yêu đến lạ thường.