Liên kết website

CÔNG KHAI

29/12/2017

Trong năm vừa qua, nghe mọi người trong xã nói rằng, tại Ủy ban nhân dân xã nơi tôi sinh sống có cán bộ cấp xã bị thanh tra, kiểm tra do có đơn tố cáo đồng chí này có hành vi tham nhũng khi thực hiện công vụ. Dân tình trong xã xôn xao bàn tán một thời gian dài, nghe đâu đã có kết luận của thanh tra về vụ việc.

Trong đợt đấy, có một lần tôi lên Ủy ban nhân dân xã để chứng thực, gặp công chức tư pháp - hộ tịch xã tên là B. Tôi có hỏi thăm về tình hình giải quyết đơn tố cáo ra sao và đã có kết luận của thanh tra hay chưa. Tuy nhiên, đồng chí công chức B đã trả lời rằng vụ việc không liên quan đến tôi nên tôi không cần phải biết và khuyên tôi không nên hỏi nữa.
Đúng lúc đó có một người A cũng lên Ủy ban nhân dân xã để xin xác nhận. Được biết, A là một công chức cấp huyện, cũng hiểu biết về pháp luật. Nghe anh B nói như vậy với tôi, anh A liền quay sang nói với B rằng:
- Anh B ơi, theo tôi được biết thì Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành ngày 20/4/2007 quy định những nội dung phải công khai để nhân dân biết; những nội dung nhân dân bàn và quyết định; những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; những nội dung nhân dân giám sát; trách nhiệm của chính quyền, cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, của cán bộ thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và của nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cấp xã. Trong đó, nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cấp xã bao gồm: Bảo đảm trật tự, kỷ cương, trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; Bảo đảm quyền của nhân dân được biết, tham gia ý kiến, quyết định, thực hiện và giám sát việc thực hiện dân chủ ở cấp xã; Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện dân chủ ở cấp xã; Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Như vậy, theo quy định trên thì phải bảo đảm quyền của nhân dân được biết và giám sát việc thực hiện dân chủ ở cấp xã.
Cụ thể đối với vụ việc này, Điều 5 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn quy định về nội dung công khai có quy định: “Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức cấp xã, của cán bộ thôn, tổ dân phố”. Vì vậy, kết quả thanh tra, kiểm tra về các vụ việc tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức cấp xã phải được công khai, không phải người dân không được biết như anh B đã nói đâu nhé.
Nghe anh A nói vậy, B tỏ ra bối rối, mặt đỏ bừng bừng vì bị nói trúng chỗ sai mà còn có cơ sở pháp lý rõ ràng. Sau một hồi bình tĩnh hơn thì B trả lời rằng đến nay vẫn chưa có kết luận thanh tra, do đó, anh B không có thông tin để chia sẻ cho mọi người. Nếu sau này có thì Ủy ban nhân dân xã sẽ công khai theo quy định của pháp luật để người dân được biết.
Tôi và mọi người xung quanh gật đầu, quay sang nói với nhau rằng phải trả lời như thế này mới đúng chứ, chưa gì đã gạt đi câu hỏi của người khác.
B chỉ biết im lặng lắng nghe, rồi nhỏ nhẹ trả lời “vâng”.
B nhận được một bài học về việc chưa tìm hiểu kỹ về quy định của pháp luật mà đã phát biểu. Qua chuyện lần này, tôi cũng biết được kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết vụ việc tiêu cực của cán bộ, công chức xã, cán bộ thôn, tổ dân phố phải được công khai. Pháp luật quy định như vậy là rất hợp lý, để nhân dân biết được kết quả vụ việc, cũng là cơ hội để người dân tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật của cán bộ, công chức và cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Các tin đã đưa ngày: