Thật may vì bác hàng xóm có nhà. Ông A đang vui mừng, hỏi ngay: Bác đã đi chứng thực chữ ký bao giờ chưa bác?
Bác hàng xóm nhiệt tình trả lời: tôi chưa thực hiện thủ tục này bao giờ, ông đợi tôi chút, tôi thử tìm xem có tài liệu nào hướng dẫn không nhé. Rồi bác hàng xóm quay ra đi tìm các tờ rơi hôm trước được phát. Bác lôi bao nhiêu giấy tờ ra để tìm nhưng vẫn chưa thấy. Bác hàng xóm vừa tìm vừa nói chuyện với ông A:
- Ông nên chuẩn bị đầy đủ giấy tờ không lên Ủy ban nhân dân họ bận không ai hướng dẫn cho đâu, mất công đi lại vất vả lắm. Mỗi lần đi là một lần khó khăn, chi bằng cứ thực hiện đầy đủ theo quy định ông ạ.
Ông A đáp lại: Ông nói phải lắm. Vì thế nên tôi mới chạy ngay sang nhà bác để hỏi đây. Ông cố tìm giúp tôi nhé. Thấy bác hàng xóm một mình tìm hết chỗ này, chỗ kia, ông A cũng xắn tay áo đến tìm cùng bác hàng xóm. Hai ông loay hoay lục tìm các sách, tài liệu về pháp luật được phát nhưng mãi vẫn tìm không ra nội dung đang cần.
Đúng lúc có cháu X sang chơi (X là một cán bộ cấp huyện, có hiểu biết pháp luật). Hai ông như gặp được đúng người, vội vội vàng vàng kể sự việc nhờ X hướng dẫn. Nghe câu chuyện của hai bác xong, X liền nói ngay với hai bác rằng:
- Bác ơi, theo cháu được biết thì Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã quy định rõ về những việc phải công khai. Bác đợi cháu một lát, cháu tìm đọc cho các Bác cùng nghe về các quy định này ạ.
Rồi X lấy điện thoại ra tìm, đọc lên cho hai bác nghe:
- Đây rồi các bác ạ. Khoản 9, 10 Điều 5 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn quy định về những nội dung công khai bao gồm:
“9. Đối tượng, mức thu các loại phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác do chính quyền cấp xã trực tiếp thu.
10. Các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính, giải quyết các công việc liên quan đến nhân dân do chính quyền cấp xã trực tiếp thực hiện”.
Hai bác hỏi tiếp thế công khai ở đâu mà các bác có thấy đâu cháu nhỉ.
X lại đọc tiếp, Điều 6 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn quy định:
“Những nội dung quy định tại Điều 5 của Pháp lệnh này được công khai bằng các hình thức sau đây:
a) Niêm yết công khai tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp xã;
b) Công khai trên hệ thống truyền thanh của cấp xã;
c) Công khai thông qua Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến nhân dân.
2. Chính quyền cấp xã có thể áp dụng đồng thời nhiều hình thức công khai quy định tại khoản 1 Điều này; thực hiện việc cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 32 của Luật phòng, chống tham nhũng.”
X quay sang nhìn hai bác rồi nói tiếp:
- Lần trước lên Ủy ban nhân dân xã, cháu có thấy niêm yết các thủ tục hành chính ở sảnh ngoài đấy các bác ạ. Ngoài ra, vào các buổi chiều, trên loa phát thanh của xã vẫn phát hàng ngày có các thông tin liên quan đến các thủ tục hành chính do chính quyền cấp xã trực tiếp thực hiện đấy các bác ạ.
Bên cạnh đó, trên website (là Cổng thông tin điện tử) của một số tỉnh cũng công khai trình tự, thủ tục, hồ sơ đối với các thủ tục hành chính của các cấp nữa các bác ạ. Sau đó, X tìm trên mạng rồi đọc cho ông A về trình tự, thủ tục mà ông A đang cần.
Hai bác gật gù:
- Thời đại này, lên mạng cái gì cũng có bác nhỉ. Ngồi ở nhà gõ máy tính, điện thoại cũng có thể tìm hiểu được quy định của pháp luật.Thế tiện thể, cháu tìm giúp Bác xem thủ tục chứng thực được quy định như thế nào để bác còn biết đường chuẩn bị giấy tờ cần thiết, kẻo lại mất công đi lại cháu à.
X lại tìm đọc quy định của pháp luật và hướng dẫn Bác A chuẩn bị hồ sơ.
Thế rồi ông A chạy đi chuẩn bị các giấy tờ để kịp giờ chiều đi xác nhận và không quên cảm ơn X đã giúp đỡ.