Cảnh phòng khách, bày trí ước lệ, bộ bàn ghế uống nước. Cô con gái đang chơi đồ chơi thì Nga xách túi đi ra
Bống: Mẹ! Mẹ đi đâu đấy ạ?
Nga: Mẹ!...(ngập ngừng ) mẹ …về bà ngoại.
Bống: Về bà ngoại sao mẹ không cho con với em Tôm đi cùng…(vẻ nghĩ ra ) mẹ vẫn giận bố con đúng không, mẹ không cần con với em Tôm nữa đúng không…(òa khóc, quỳ xuống ôm chân mẹ ) mẹ không được đi, đừng bỏ chúng con…
Nga: (xoa đầu con gái ) Mẹ không bỏ các con đâu …(khóc)…nhưng mẹ không thể ở lại ngôi nhà này được nữa.(âm nhạc lắng đọng)
Bống: (vùng đứng dậy ) Không! Con không cho mẹ đi đâu cả. Bố ơi! bố!bố!
Sướng: (đi từ trong ra) Thế mẹ mày định đi đâu?
Nga im lặng, quay đi lau nước mắt.
Bống: Tại bố cả đấy, ai bảo bố mắng mẹ cơ, con bắt đền bố, bố phải giữ mẹ lại cho con. (khóc thút thít)
Sướng: Con nín đi. Mẹ con sẽ không đi đâu cả, con đi học đi không muộn… (quay sang vợ) vợ chồng to tiếng cãi nhau xong là xong. Sao mẹ mày…?
Nga: Anh nghĩ đơn giản vậy sao? Đây không phải lần đầu, vì gia đình, vì các con tôi đã bỏ qua nhiều lần, nhưng anh vẫn không thay đổi, rượu vào là anh trì triết, nhục mạ tôi không tiếc lời.
Sướng: (Cười…) Thì…lúc có tí “xăng” nóng máy, em chấp làm gì.
Nga: Nếu thật sự đã không còn tôn trọng nhau, thì nên đường ai nấy đi… trước mắt tạm thời tôi về nhà ngoại, cần thời gian suy nghĩ.
Bống: (khóc to ) mẹ….
Sướng: Bây giờ con chạy sang nhà bác Hòa, nhà cô Hạnh bảo sang nhà cháu ngay bố mẹ cháu có việc nhờ….sau con đi học luôn nhé.
Bống: Nhưng bố phải giữ mẹ ở lại với chúng con… (khóc..). Bố hứa đi…
Sướng: Ừ…bố hứa.
Bống: (Chạy tới mẹ)… Mẹ… Mẹ hứa đi.
Nga: Ừ. Con đi học đi.
Sướng: (tiến lại phía vợ) Mẹ Bống này… hì hì (vẻ làm lành )… nói thật, nhìn mẹ mày hơ hớ thế này, bố thằng nào chịu được… tớ nghĩ cậu có “đối tác” khác…
Nga: Anh nghĩ tôi tầm thường vậy sao, có với nhau hai mặt con anh phải là người hiểu tôi thế nào chứ.
Sướng: Đã đành là thế…cơ mà, nói thật nhá, biết “ma ăn cỗ” ở đâu (cười kháy..)
Nga: Anh ghen tuông vô cớ, trì triết xúc phạm tôi hết lời.
Sướng: Cũng chả ai người ta như cô cả, đi sớm về muộn, ngày nghỉ ngày lễ cũng đi… không biết đi làm hay đi “đánh đu”. Hễ chồng có động vào người thì lại kêu mệt. Chả hiểu bận bịu kiểu gì mà quên cả chồng, cả con như vậy.
Nga: Tôi đã nói với anh bao nhiêu lần rồi, đặc thù công việc của tôi là vậy.
Sướng: Gớm, cái chân Hội phó phụ nữ mà bận hơn cả Chủ tịch… lương thì ba cọc ba đồng… tốt nhất nghỉ cho khỏe… Chốt lại: 1 là nghỉ việc tìm việc khác, 2 là…
Nga: Là gì… Tôi nhắc lại để anh rõ, tôi sẽ không từ bỏ công việc mà tôi tâm huyết. Anh rõ chưa…
Hòa: Chào vợ chồng chú Sướng… Thế … tình hình… Biển lại dậy sóng đấy à?
Sướng: (Vồn vã) Vâng… em chào bác Tổ trưởng tổ hòa giải thôn, chào Cô Hạnh. Mời bác với cô vào xơi nước ạ…
Hòa: Cảm ơn chú.
Sướng: Vâng… chả giấu gì bác với cô…con vợ em đây này, em nói mãi mà cô ấy có thèm nghe đâu…rất chi là cố chấp, giờ lại đòi ly dị, đùng đùng xách valy về ngoại… cứ cứng đầu cứng cổ là em trả về nơi sản xuất.
Hạnh: (tiến lại phía Nga) Việc căng thẳng đến mức này cơ hả chị?
Nga: (Thở dài) Thì như hôm trước chị đã tâm sự với em rồi đấy, càng ngày lão ấy càng quá quắt, cứ rượu vào là trì triết, xúc xiểm chị, con giun xéo mãi cũng oằn…có lẽ anh chị khó ở được với nhau em ạ.
Hạnh: Vậy các cháu anh chị tính sao?
2 vợ chồng Im lặng
Hòa: Cô chú này. Vợ chồng chung sống không hòa hợp thì có thể ly hôn… nhưng còn các con, cô chú cũng phải cân nhắc kỹ, ở với bố thì thiếu tình thương của mẹ, mà ở với mẹ thì không có sự dạy bảo của bố…tội cho các cháu.
Nga: Việc này…em…
Sướng: Em cũng đã nghĩ đến việc đó…chả ai muốn vợ chồng con cái ly tán đâu bác ạ…dưng mà vợ em thật sự khó bảo…ham mê công việc còn hơn cả gia đình, chồng con.
Nga: Thì công việc của em …
Hòa: (ngắt lời) Thôi được rồi, tôi có ý kiến thế này…Cô Nga à…Chú Sướng chú ấy giận cũng có cái lý của chú ấy. Cô cũng nên sắp xếp hợp lý công việc ở cơ quan để giành nhiều thời gian hơn lo cho gia đình, chồng con. Mà cái tính của chú ấy, cô còn lạ gì nữa…
Sướng: Đấy!
Hòa: Chú Sướng này, cùng cánh đàn ông với nhau tôi cũng tham gia thật. Chú cứ rượu vào là lại lăng mạ, xúc phạm danh dự của cô ấy. Đấy là hành vi bạo lực gia đình đấy. Mà chú có biết hành vi bạo lực gia đình có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật và là căn cứ để xem xét khi một bên có yêu cầu ly hôn không hả chú?
Sướng: Thế hả Bác? Em…em…em
Hạnh: Anh, chị ạ! “Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.” Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định rất rõ việc này mà anh.
Sướng: Thế hả? Để tôi sẽ tìm đọc.
Hòa: Cô chú cũng luôn nhớ là các cụ ta vẫn dạy “Chồng giận thì vợ bớt lời. Cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê”.
Nga: Vâng!…em …em…
Sướng: Đấy! Vợ nhé!
Sướng: (Hai người cầm tay nhau đến trước mặt hòa giải viên) Cảm ơn bác, cảm ơn cô Hạnh rất nhiều, cũng may có bác với cô đã “khai thông” tư tưởng cho vợ chồng chúng tôi. Tôi đã hiểu ra rồi. (quay sang đùa vợ) Đấy nhé! Mẹ mày nhớ là mỗi khi tớ nóng lên thì mẹ mày phải thật mềm vào “chồng giận thì vợ phải lui. chồng giận vợ giận là dùi vào nhau” đấy, hiểu chưa? (động tác huých khỷu tay vào sườn vợ)
Nga: Anh này! Các bác cười cho bây giờ (nũng nịu khoác vào tay chồng).
Hòa: Gia đình là tổ ấm, là tế bào của xã hội, mỗi thành viên hãy tốt vai trò và trách nhiệm của mình để cùng chung tay xây dựng gia đình Ấm no- bình đẳng- tiến bộ - hạnh phúc./.