VĨNH PHÚC: Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện “ngày pháp luật”
Với mục đích: Phổ biến, giới thiệu, quán triệt, nghiên cứu các nội dung pháp luật mới liên quan thiết thực đến lĩnh vực công tác chuyên môn của cán bộ, công chức hoặc đời sống nhân dân thông qua các hình thức cụ thể, phù hợp với điều kiện hoạt động của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của mọi công dân trước hết là đội ngũ cán bộ, công chức.
Đối tượng tổ chức thực hiện “Ngày pháp luật” là các Sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp, UBND huyện, thành, thị; UBND xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, các đơn vị kinh tế.
Nội dung triển khai: Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, địa phương mà từng ngành, địa phương xác định quy mô tổ chức “Ngày pháp luật” phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí. Trong điều kiện hiện tại, bước đầu nên tổ chức theo quy mô nhỏ, có tính khả thi, dễ thực hiện.
Các Sở, ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh; UBND cấp huyện, cấp xã chủ động lựa chọn nội dung, hình thức sinh hoạt cũng như phân công cán bộ, Báo cáo viên pháp luật, cán bộ Tư pháp, cán bộ có trình độ chuyên môn về pháp luật giới thiệu các nội dung trong buổi sinh hoạt “Ngày pháp luật”.
“Ngày pháp luật” được tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người sử dụng lao động, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang nhân dân, đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể và tất cả các tầng lớp nhân dân, trong đó ưu tiên tập trung cho đội ngũ cán bộ, công chức.
Hình thức triển khai: Căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế mà từng ngành, đoàn thể và địa phương chủ động lựa chọn hình thức triển khai “Ngày pháp luật” cho phù hợp. Có thể lựa chọn một trong số các hình thức:
Lồng ghép việc phổ biến văn bản pháp luật với việc tổ chức nội dung sinh hoạt của cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị- xã hội địa phương mình với thời lượng, thời gian thích hợp; Tổ chức học tập, quán triệt văn bản pháp luật tập trung có báo cáo viên pháp luật tham gia giới thiệu về các nội dung pháp luật; Sưu tầm tài liệu pháp luật để tự nghiên cứu (Đề cương giới thiệu Luật, văn bản pháp luật, sách, báo, tờ gấp pháp luật, trên các trang Web…); Tổ chức tọa đàm, giao lưu, trao đổi thảo luận về các nội dung pháp luật; Tổ chức ngày trang bị sách pháp luật bổ sung cho các Tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị.
Thời gian tổ chức:
“Ngày pháp luật” được tổ chức định kỳ mỗi tháng một lần, bắt đầu từ tháng 12/2010.
Các Sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành, thị; xã, phường, thị trấn khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện “Ngày pháp luật” đồng thời huy động cán bộ, công chức, viên chức tham gia đầy đủ nghiêm túc “Ngày pháp luật”. Củng cố, kiện toàn đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ pháp chế của cơ quan, đơn vị mình; thường xuyên, chủ động cập nhật các văn bản mới liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ của ngành, địa phương thông qua các kênh thông tin chính thống để phổ biến trong buổi sinh hoạt “Ngày pháp luật”./.
(Kim Yến, Sở Tư pháp Vĩnh Phúc)