Đổi mới hình thức tuyên truyền
Việc tổ chức diễn đàn đối thoại, tuyên truyền chính sách pháp luật về giải phóng mặt bằng cho cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân tại xã Liêm Tuyền (thành phố Phủ Lý đã thực sự tạo được ấn tượng với người dân và thu hút được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia. Tại đây, nhiều tâm tư, khúc mắc như: Việc giải quyết chính sách cấp đất dịch vụ, nâng giá đất đền bù, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho con em các hộ bị thu hồi đất, việc cấp quyền sử dụng đất sau khi có sự thay đổi về chính sách quản lý đất đai, chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh... đã được nhân dân đưa ra trước diễn đàn. Các ý kiến đều được ngành chức năng giải đáp, trả lời thỏa đáng, đúng quy định, được nhân dân đánh giá cao. Thay đổi hình thức tuyên truyền giúp người dân tiếp cận pháp luật được hiệu quả, thiết thực.
Để đưa công tác PBGDPL lên một tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh, trong năm qua Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã có nhiều đổi mới trong chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai công tác tuyên truyền trên địa bàn tỉnh; kịp thời nắm bắt những vấn đề được nhân dân quan tâm để tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội. Điều đó được thể hiện qua các đợt cao điểm tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Việt Nam, Hiến pháp 2013, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương...
Một điểm mới nữa là tỉnh đã tổ chức tốt việc tuyên truyền, phổ biến thông qua hình thức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đặc biệt đối với các đạo luật, chính sách quan trọng liên quan đến đời sống của người dân, hoạt động của tổ chức và doanh nghiệp như: Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi), Bộ Luật Lao động, Luật Dân sự sửa đổi, Bộ Luật Hình sự sửa đổi, Luật Trưng cầu ý dân ... đã tạo cơ hội cho các tầng lớp nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng khi văn bản được ban hành và triển khai vào thực tiễn. Cùng với đó, để đáp ứng yêu cầu nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân ở các xã khó khăn, trọng điểm, nhiều cấp, ngành đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý, miễn phí, sao cho “đến được từng ngõ, gõ được từng nhà”; đồng thời, tranh thủ tiếng nói, uy tín của các vị cao niên, trưởng lão, người đứng đầu khu dân cư để phối hợp PBGDPL. Với nhiều đổi mới, sáng tạo, việc tuyên truyền pháp luật trở nên thiết thực hơn, từng bước đi vào đời sống một cách dễ hiểu, hữu ích, đáp ứng tối đa nhu cầu, lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Chỉ tính riêng năm 2015, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được 2325 đợt tuyên truyền PBGDPL cho trên 165.652 nghìn lượt người, cấp phát hàng triệu tài liệu tuyên truyền pháp luật.
Tránh bệnh hình thức
Với sự nỗ lực trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng PBGDPL, công tác tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ở một số địa phương, việc tuyên truyền PBGDPL vẫn còn nặng tính hình thức, phong trào, chưa tạo được sự chuyển biến trong việc chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân. Hạn chế này là do nhận thức của lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, nhất là cấp ủy, chính quyền cơ sở còn xem nhẹ công tác PBGDPL, coi đây là nhiệm vụ của ngành tư pháp. Dẫn đến tình trạng, nhiều văn bản pháp mới ban hành nhưng chưa được tuyên truyền, phổ biến kịp thời đến cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân hoặc có tuyên truyền nhưng hình thức còn sơ sài, chạy theo phong trào, khiến nội dung pháp luật chưa kịp đi vào thực tiễn cuộc sống đã bị lãng quên.
Nói những điều dân cần nhất
Từ thực tế tại địa phương, có thể khẳng định, người dân chỉ quan tâm tới pháp luật khi lợi ích bị xâm hại hoặc “dính líu” tới pháp luật (kiện cáo, tranh chấp, bị phạt, bị cưỡng chế, vi phạm pháp luật…). Bởi vậy, để người dân thấy được sự cần thiết của pháp luật đối với đời sống, khi tuyên truyền PBGDPL, các cấp ngành, nhất là người trực tiếp làm công tác tuyên truyền cần giải thích, phân tích cho người dân hiểu, pháp luật không chỉ bao gồm các quy định cưỡng chế, thực thi pháp luật, biện pháp giải quyết tranh chấp mà hơn hết là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính họ. Đồng thời, tiến tới đổi mới mạnh mẽ cách làm vì mỗi luật là một đối tượng thụ hưởng khác nhau thì cần có tiếp cận khác nhau. Điều này đòi hỏi, người làm công tác tuyên truyền phải lựa chọn đối tượng, thời điểm để tuyên truyền sao cho thiết thực nhất. Nên có sự ưu tiên cho từng nhóm đối tượng cụ thể. Ví dụ, tại địa bàn dân cư có chủ yếu lao động là công nhân sinh sống thì tập trung phổ biến những quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động. Còn tại những địa bàn xảy ra nhiều tranh chấp đất đai thì chú trọng phổ biến các quy định pháp luật về đất đai hoặc nơi xảy ra nhiều vi phạm an toàn giao thông tập trung phổ biến các quy định về an toàn giao thông... Ngoài ra, việc lồng ghép PBGDPL với việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, lễ hội truyền thống, các phong trào ở từng địa bàn cụ thể như: "5 không, 3 sạch"; thôn, xóm không có người vi phạm pháp luật; không có khiếu kiện trái pháp luật, đông người, kéo dài… “Mùa nào thức ấy”, chắc chắn sẽ làm thay đổi cách nghĩ, cách tiếp cận của nhân dân đối với pháp luật./.