Tính đến nay, toàn tỉnh Hà Nam có 1.299 tổ hòa giải tại các thôn, xóm, tổ dân phố. Tổng số vụ việc hòa giải là 3.295 vụ, trong đó, hòa giải thành 3.081 vụ, đạt 96%. Các huyện có tỷ lệ hòa giải thành cao như: huyện Kim Bảng, Lý Nhân, Bình Lục. Cùng với đó, công tác phổ biến, tập huấn Luật Hòa giải ở cơ sở và hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải tại 6/6 huyện, thành phố được triển khai sâu rộng với các chuyên đề bám sát vào nhu cầu thực tiễn hoạt động hòa giải ở địa phương như: Các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở; Kỹ năng công tác hòa giải; Một số quy định của Bộ Luật dân sự về giao dịch dân sự, thừa kế, di chúc và quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình; hòa giải trong lĩnh vực đất đai… theo đó, công tác hòa giải ở cơ sở trong năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giảm thiểu tình trạng khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh.
Để đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận, công tác hòa giải ở cơ sở đã trải qua không ít khó khăn, thách thức, từ đó đúc rút ra nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc và trên thực tế hoạt động, cho thấy đội ngũ Cán bộ làm công tác hòa giải bắt buộc phải có kiến thức chuyên sâu về pháp luật và những văn bản pháp luật có liên quan để tuyên truyền, vận động công dân hiểu và tự nguyện thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Cán bộ hòa giải phải luôn chú trọng phân tích, thuyết phục các bên thỏa thuận theo pháp luật, đạo đức xã hội, phong tục tập quán địa phương, giữ gìn tình làng nghĩa xóm. Bản thân thành viên tổ hòa giải phải chủ động, làm tốt công tác xác minh, thu thập thông tin các bên có liên quan để thiết lập chứng cứ pháp lý. Đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các bên, tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp. Từ đó, định hướng, phân tích cho các bên hiểu những điểm mạnh, yếu của mình trên cơ sở pháp luật hiện hành để các bên tự lựa chọn phương án tối ưu khi giải quyết vụ việc.
Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động và hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, các cấp, ngành và các đơn vị có liên quan cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. Giúp nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là người dân ở cơ sở, từ đó sử dụng ngày càng nhiều hơn biện pháp hòa giải để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng. Trong đó, đặc biệt chú trọng phổ biến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các chương trình phát thanh – truyền hình, truyền thanh cơ sở. Bên cạnh đó cũng cần tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý công tác hòa giải ở cơ sở và hoà giải viên. Bảo đảm duy trì 100% thôn, xóm, tổ dân phố và các cụm dân cư có ít nhất một tổ hòa giải; phát triển tổ hòa giải và các mô hình hòa giải thích hợp khác tại địa phương theo nhu cầu của người dân ở cơ sở và phù hợp với tình hình thực tế, đúng quy định của pháp luật. Thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở, biên soạn, hỗ trợ các tài liệu cho hòa giải viên. MTTQ và các tổ chức thành viên cần tích cực chủ động phối hợp với cơ quan tư pháp nhằm phổ biến sâu rộng kiến thức pháp luật cho các thành viên, góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, góp phần ổn định tình hình chính trị, an ninh trật tự, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương ngày càng phát triển./.
Cẩm Tú