Liên kết website

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Kon Tum

04/07/2016

Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, công tác hòa giải ở cơ sở tại tỉnh Kon Tum có nhiều chuyển biến tích cực; việc hình thành, củng cố các tổ hòa giải ở các thôn, tổ dân phố đã đi vào nề nếp và hoạt động có hiệu quả. Sau khi Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp và chỉ đạo của UBND tỉnh, hàng năm, Sở Tư pháp đều tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch để triển khai công tác phổ biến, pháp luật, trong đó có công tác hòa giải giải ở cơ sở để tổ chức thực hiện một cách hiêu quả.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 860 Tổ hòa giải/858 thôn, tổ dân phố, với tổng số hòa giải viên trên 5.539 thành viên. Bình quân mỗi Tổ hòa giải có từ 5 đến 7 hòa giải viên. Thành phần chủ yếu Tổ hòa giải là bao gồm những người có uy tín, trách nhiệm ở khu dân cư như: Già làng, thôn trưởng, Bí thư Chi bộ thôn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên...Tùy từng địa phương có sự bầu chọn và được UBND cấp xã ra quyết định công nhận thành viên của Tổ hòa giải.
Nhìn chung các Tổ hòa giải ở cở sở trên địa bàn tỉnh cơ bản hoạt động có hiệu quả, số lượng vụ việc hòa giải thành tăng cao, năm sau cao hơn năm trước. Hàng năm, số vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ ở khu dân cư xảy ra trên địa bàn tỉnh khoảng 1000 vụ việc, số vụ việc hòa giải thành chiếm tỷ cao (trên 70%), từ kết quả đó đã góp phần tích cực trong việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương, hạn chế xảy ra những vụ việc mâu thuẫn, xích mích kéo dài dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra. Trong thực tế có những việc tranh chấp, mẫu thuẫn ngay từ đầu tưởng chừng đơn giản nhưng do không được hòa giải, giải quyết kịp thời dẫn đến ngày càng phức tạp, nhiều vụ trọng án xảy ra xuất phát từ những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ như: tranh chấp lối đi, xích mích trong gia đình, chuyện đánh nhau trẻ con...Do đó, cần đánh giá đúng vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở và không ngừng củng cố, nâng cao công tác này trong thời gian đến góp phần quan trọng vào việc bảo đảm ổn định an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, xây dựng dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ngày càng đi vào hiệu quả thiết thực.
Để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân ở cơ sở về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác này, từ đó sử dụng ngày càng nhiều hơn biện pháp hòa giải để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng; giữ gìn sự đoàn kết nội bộ trong nhân dân, góp phần giảm thiểu các vụ, việc tranh chấp, khiếu nại; đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, tạo sự đồng thuận, ổn định, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trong đó, đặc biệt chú trọng phổ biến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là thông qua các chương trình phát thanh - truyền hình, truyền thanh cơ sở.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, Tổ hòa giải và hòa giải viên; tổ chức thực hiện và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành. Phân công công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở tại Phòng Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp xã. Hướng dẫn việc củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm 100% thôn, xóm, làng, tổ dân phố, cụm dân cư... có ít nhất một Tổ hòa giải; phát triển Tổ hòa giải và các mô hình hòa giải thích hợp khác tại địa phương theo nhu cầu của người dân ở cơ sở và phù hợp với tình hình thực tế, đúng quy định của pháp luật.
Thứ ba, triển khai và thực hiện tốt Kế hoạch số 520/KH-UBND, ngày 17/3/2016 của UBND tỉnh về tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Kon Tum - lần thứ 4 năm 2016 nhằm mục đích tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản liên quan; tăng cường nhận thức, phối hợp thực hiện giữa các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân về công tác hòa giải ở cơ sở; từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện để những người làm công tác hoà giải gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm; biểu dương những điển hình xuất sắc về hoạt động hòa giải trong phạm vi toàn tỉnh, đồng thời góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở....
Thứ tư, hướng dẫn Tổ hòa giải phối hợp với Ban công tác Mặt trận, Chi hội phụ nữ, Chi đoàn thanh niên, Chi hội cựu chiến binh, Chi hội nông dân, Chi hội người cao tuổi trong hoạt động hòa giải, mời hội viên Hội Luật gia tham gia hòa giải ở cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Thứ năm, bố trí kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là bố trí kinh phí để chi trả thù lao cho Hòa giải viên ở cơ sở nhằm động viên, khuyến khích để thực hiện công việc có ý nghĩa này, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Có như vậy, công tác hòa giải ở cơ mới ngày càng phát triển nhằm xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn tình làng nghĩa xóm ở khu dân cư, phát huy dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Các tin đã đưa ngày: