Tham gia hội thi, các đội tranh tài các nội dung: Thi chào hỏi, kiến thức pháp luật và tiểu phẩm. Với sự chuẩn bị chu đáo, các đội đã tự tin thể hiện các phần thi. Qua đó cho thấy các đội đã nắm bắt và nhận thức về nội dung của nhiều quy định pháp luật liên quan đến các lĩnh vực đất đai, nông nghiệp, nông thôn mới, giao thông đường bộ, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình; các đội đã thể hiện việc giải quyết, ứng xử việc vận dụng pháp luật trong công việc ở cơ sở, trong những mâu thuẫn đời thường ở thôn, bản; ứng xử của các thành viên trong gia đình thông qua việc lồng ghép giới thiệu và tìm hiểu pháp luật. Thông qua màn chào hỏi đã thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc, sự phát triển kinh tế và các sản vật tiêu biểu của địa phương.
Đánh giá tổng kết tại Hội thi của Ban Tổ chức cho thấy đây là hội thi chất lượng, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống; là dịp để các đội thi thể hiện sự hiểu biết, kỹ năng tuyên truyền, được học tập, trao đổi kinh nghiệm về kiến thức pháp luật. Thông qua hội thi, tạo sự lan tỏa và đưa việc học tập, làm theo pháp luật thành việc thường xuyên, tự giác của mỗi người dân. Đồng thời, đây cũng là dịp để nâng cao công tác tuyên truyền trong thực hiện Đề án của Chính phủ về “Tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số” và triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày pháp luật Việt Nam 09/11/2016.
Kết thúc hội thi, Ban Tổ chức đã trao 11 giải gồm: giải Nhất cho đội Bảo Thắng; giải Nhì được trao cho đội thành phố Lào Cai và Mường Khương; Các đội Văn Bàn, Bảo Yên, Si Ma Cai đoạt giải Ba và 3 giải khuyến khích thuộc về các đội Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao 3 giải chuyên đề cho các đội có màn chào hỏi tốt nhất; đội trình diễn tiểu phẩm thời sự, mộc mạc và hay nhất; đội có trang phục đẹp.
Nguyễn Lê Hằng