Liên kết website

Định hướng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2016-2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh

21/11/2016

Ngày 11 tháng 10 năm 2016, đồng chí Huỳnh Cách Mạng, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã chủ trì Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và tổng kết thực hiện Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016 ban hành kèm theo Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Qua các ý kiến đánh giá, trao đổi, tham luận, thảo luận trước và trong Hội nghị, sau Hội nghị, đồng chí Huỳnh Cách Mạng – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đã kết luận chỉ đạo (Thông báo số 705/TB-VP ngày 26/10/2016). Nội dung kết luận là định hướng để Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện chủ động, phối hợp xây dựng, triển khai Chương trình, Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới.

Nội dung cụ thể của Kết luận như sau:
1. Các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW; xem phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật, góp phần xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của Nhân dân.
2. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Đổi mới nội dung và phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật, thực hiện hiệu quả “Đề án tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trên báo chí và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2018”, trong đó, chú trọng nâng cấp trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, thường xuyên cập nhật văn bản pháp luật thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý.
- Chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp củng cố, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và người tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ quan, đơn vị, địa phương đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước và Thành phố. Triển khai thực hiện chính xác, đầy đủ Thông tư số 10/2016/TT-BTP ngày 22/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
- Chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở cơ sở, đối tượng đặc thù, đối tượng yếu thế trong xã hội; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật, địa bàn đô thị hóa, ngoại thành, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu nhà trọ, địa bàn có tỷ lệ vi phạm pháp luật, nguy cơ vi phạm pháp luật cao.
- Xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ công chức không thực thi đúng chức trách nhiệm vụ, buông lỏng quản lý, không xử lý vi phạm pháp luật,… làm giảm hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời, có biện pháp xử lý hành chính đối với các cá nhân, tổ chức không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, gây ảnh hưởng đến việc thực thi, chấp hành pháp luật.
- Kịp thời tôn vinh, khen thưởng, động viên, khuyến khích cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần xây dựng cơ chế xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Qua sơ kết thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện khẩn trương báo cáo các vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật gửi về Sở Tư pháp để tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Báo cáo sơ kết, trình Ủy ban nhân dân Thành phố gửi Bộ Tư pháp.
3. Giao Sở Nội vụ nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, của cán bộ, công chức, viên chức hàng năm và là tiêu chí xét thi đua, khen thưởng để nâng cao nhận thức, ý thức của các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
4. Giao Thanh tra thành phố khi tiến hành thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn cần gắn với việc thanh tra trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan, tổ chức được thanh tra.
5. Các cơ quan thông tin đại chúng của Thành phố (nòng cốt là Đài Truyền hình thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, Báo Sài Gòn Giải Phóng, Báo Người Lao Động, Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Tuổi Trẻ, Báo Phụ Nữ, Báo Khăn Quàng Đỏ,...) tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở cơ sở, phản ánh thực tiễn thi hành pháp luật, hướng dẫn dư luận xã hội ủng hộ, biểu dương người tốt, việc tốt trong chấp hành pháp luật, lên án, phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội, tạo niềm tin vào pháp luật và định hướng hành vi, cách thức ứng xử đúng quy định pháp luật của người dân.
6. Các thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố và các cơ quan sử dụng kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật: Hàng năm, lập kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật và dự trù kinh phí gửi về Sở Tư pháp, Sở Tài chính. Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố xem xét nội dung kế hoạch và Sở Tài chính xem xét dự toán kinh phí để bảo đảm kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật đầy đủ, hợp lý và điều phối nhiệm vụ của từng thành viên Hội đồng, tránh trùng lắp.
7. Sở Tư pháp tiếp thu chỉ đạo, góp ý tại Hội nghị, tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo sơ kết, tổng kết; trong đó, đề xuất các kiến nghị, giải pháp hữu ích để triển khai Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản có liên quan trong thời gian tới./.
Tố Chinh
Các tin đã đưa ngày: