Lễ hội đẹp hơn nhờ hương ước
HĐND,UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai việc thực hiện quy ước, hương ước trên toàn tỉnh và tính đến nay đã xây dựng được 1311 hương ước, quy ước/1384 thôn, làng, tổ dân phố; 1270 hương ước, quy ước đã được phê duyệt; 41 hương ước, quy ước chưa được phê duyệt; 340 hương ước, quy ước được sửa đổi, bổ sung. Các hương ước, quy ước được xây dựng đều đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, được bàn bạc dân chủ, công khai, thống nhất với các thành viên trong cộng đồng dân cư. Nội dung chủ yếu của các bản hương ước, quy ước của các thôn, làng sát thực tế địa phương, bố cục rõ ràng, mạch lạc. Hầu hết các thôn, tổ dân phố còn chủ động lồng ghép quy chế dân chủ vào xây dựng quy ước, hương ước về nếp sống văn hóa, quy định việc sống đoàn kết, hòa thuận, tương thân, tương ái giữa các dòng họ. Để xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, các nghi lễ tốn kém....
Một trong những điểm sáng của phong trào xây dựng hương ước, quy ước của Vĩnh Phúc là việc định hướng trong tổ chức lễ hội truyền thống. Bên cạnh những nét văn hoá mà hương ước lưu giữ lại trong tổ chức các lễ hội truyền thống, hương ước còn quy định rõ phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm, giữ đúng những nét đẹp phong tục truyền thống và những đặc trưng riêng của từ lễ hội để cầu cho một năm vạn sự như ý. Phần hội được tổ chức với các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc, đúng quy định của pháp luật, không còn những trò chơi trá hình. Hương ước còn quy định rõ những việc được làm và những việc không được làm trong tổ chức lễ hội... Từ đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa nói chung, xây dựng nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội nói riêng; đồng thời góp phần gìn giữ và phát huy tốt những phong tục tập quán tiến bộ, lành mạnh, có tác động mãnh mẽ đến giáo dục truyền thống, tình cảm, đạo đức lối sống của nhân dân.
Cụ Nguyễn Văn Linh-người cao tuổi huyện Sông Lô chia sẻ: “Chúng tôi già rồi chỉ mong giữ lại được cho con cháu những truyền thống tốt đẹp của cha ông. Các lễ hội cũng là một phần trong đó, nét đẹp văn hóa của dân tộc, bây giờ được quy định trong hương ước rõ ràng, bàn bản thế này, tôi rất mừng, không lo bị mai một truyền thống nữa.”
Em Lê Mai Hương ở Vĩnh Tường cho biết: “Mỗi năm tết đến là chúng em rất háo hức mong chờ đến lễ hội của làng, tại đây chúng em được chơi lại các trò chơi ngày xưa rất vui và thú vị. Qua lễ hội làng còn giúp em hiểu thêm về lịch sử của làng của huyện nữa”.
Nỗi lo “hành chính hóa”…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thẳng thắn đánh giá thì quá trình xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: tên gọi và đối tượng điều chỉnh còn lẫn lộn, chủ thể ban hành hương ước, quy ước chưa đúng quy định, phần nhiều lẫn lộn với quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở….
Những tồn tại này xuất phát từ một số nguyên nhân, theo quy định việc xây dựng hương ước phải qua rất nhiều bước và công đoạn cuối cùng là phê duyệt. Quy trình này tốn rất nhiều thời gian, nên đôi khi hương ước được phê duyệt thì nội dung đã không còn phù hợp, cần phải sửa đổi. Hoặc trong quy định về kết cấu của hương ước, nội dung hương ước được chia thành các chương, mục, điều, khoản, điểm. Điều này vô hình chung đã biến các hương ước trở thành một văn bản luật, dài dòng, nhiều điều khoản, không đáp ứng được tiêu chí ngắn gọn, cụ thể, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện….
Thế nên, trong thời gian tới, để hương ước thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân và có chỗ đứng vững chắc, thì các quy định của Chính phủ, các bộ có liên quan về vấn đề này cần cụ thể hoá hơn nữa để khắc phục những chỗ còn chưa rõ ràng, chưa cụ thể dẫn đến gây hiểu nhầm và vận dụng sai.
Lê Huyền