Để nâng cao chất lượng xét xử và hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, tăng tính răn đe, phòng ngừa tội phạm từ những phiên tòa lưu động, trước khi tiến hành, TAND TP.Tam Kỳ xem xét kỹ hồ sơ; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an, kiểm sát đưa ra xét xử những vụ án có tính chất nổi cộm. Bên cạnh đó, TAND thành phố phối hợp với chính quyền địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết như hội trường xét xử, hệ thống truyền thanh các thôn, xóm, khu phố để truyền thanh trực tiếp quá trình xét xử.
Tuy nhiên, thực tế mỗi khi có phiên tòa xét xử lưu động thì người dân địa phương đến xem rất đông và phải chờ đợi rất lâu Hội đồng xét xử mới tiến hành phiên tòa. Nhận thấy người dân tham gia đông mà khoảng thời gian chờ đợi trước khi xét xử và trong nghị án khá dài nên từ năm 2013, Phòng Tư pháp thành phố Tam Kỳ phối hợp với Tòa án nhân dân thành phố để tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật có liên quan đến nội dung vụ án trong thời gian chờ khai mạc phiên tòa và thời gian Hội đồng xét xử nghị án để người dân tham dự phiên tòa được biết.
Để thực hiện hình thức tuyên truyền này, Phòng Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Tòa án để biết thông tin về các phiên tòa lưu động, nghiên cứu trước các bản cáo trạng của viện kiểm sát và chuẩn bị tốt đề cương tuyên truyền. Nội dung, dung lượng tuyên truyền phải chuẩn bị và trình bày phù hợp với thời lượng cho phép của phiên tòa lưu động.
Tại các buổi diễn ra phiên tòa lưu động, báo cáo viên phòng Tư pháp thành phố thông tin tình hình tội phạm trên địa bàn thành phố qua các năm (có so sánh, đối chiếu), các quy định của pháp luật có liên quan đến vụ án đưa ra xét xử, trong đó nhấn mạnh khung hình phạt, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà bị cáo được hưởng và so sánh với các quy định của pháp luật hình sự sắp có hiệu lực thi hành.
Tính từ năm 2013, phòng Tư pháp thành phố và Tòa án nhân dân thành phố đã phối hợp tuyên truyền tại các phiên tòa xét xử lưu động hơn 82 vụ, trong đó chủ yếu là các tội: mua bán trái phép chất ma túy; tàng trữ trái phép chất ma túy; đánh bạc; tổ chức đánh bạc; trộm tài sản; cướp tài sản; Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; gây rối trật tự công cộng,... Tháng 11/2016, tòa án nhân dân thành phố đã đưa ra xét xử ở xã Tam Thanh 04 vụ ( lái xe gây tai nạn giao thông đường bộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, tổ chức đánh bạc). Trong đó, vụ án xét xử bị cáo Phan Văn Hoàng (sinh năm 1995, quê xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ) lãnh án 18 tháng tù giam về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” gồm các lỗi không giấy phép lái xe, chạy quá tốc độ, chở 4, gây ra hậu quả nghiêm trọng làm 1 người chết, 1 người bị thương tật 25%. Đồng thời có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân tổng cộng gần 80 triệu đồng. Hay vụ xét xử bị cáo Nguyễn Văn Chín sinh năm 1972 trú tại thôn Lạc Thành Tây, xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn lãnh án 12 tháng tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cụ thể, Chín đã dùng vé số giả, đã được tẩy xóa kết quả, lừa những người bán vé số để đổi thưởng tổng cộng 13,3 triệu đồng. Vì người dân đã được tuyên truyền, giải thích trước những quy định có liên quan nên bản án được đông đảo quần chúng đồng tình, qua đó đã góp phần tuyên truyền phổ biến pháp luật cho những người tham dự, răn đe các đối tượng có ý định phạm tội.
Hình thức tuyên truyền trên đây được đánh giá từ phía nhiều người dân là rất hiệu quả, bởi vì nó được coi như là một phần giải thích, bổ sung đúng theo yêu cầu của nhiều người quan tâm đến những khía cạnh pháp luật có liên quan trong vụ án đang được xét xử.
Ông Đặng Quốc Lộc - Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Tam Kỳ cho biết "Việc phối hợp với phòng Tư pháp phổ biến các quy định có liên quan tại các phiên tòa xét xử lưu động là một cách làm hiệu quả. Trong thời gian đến, chúng tôi tiếp tục phối hợp tổ chức mô hình này, dự kiến sẽ đưa ra xét xử lưu động hơn 20 vụ/năm".
Thúy Sương