Dự Hội nghị có 180 đại biểu, đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành và công chức phụ trách pháp chế tại các Sở, ban ngành; Hội Luật gia thành phố; Đoàn Luật sư thành phố; Chấp hành viên Thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố; Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước; đại diện lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường thành phố và Đội trưởng các Đội quản lý trực thuộc; thường trực Ủy ban nhân dân và Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận, huyện và các phòng ban có liên quan trên địa bàn thành phố.
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Chính - Giám đốc Sở Tư pháp Cần Thơ - cho biết, Hội nghị tập huấn chuyên sâu lần này với mong muốn nâng cao nhận thức và giúp đội ngũ pháp chế của Sở, ban, ngành, đội ngũ làm công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có liên quan am hiểu và thực thi đúng trình tự, thủ tục tố tụng hành chính trong tham gia phiên tòa.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo viên trình bày các chuyên đề liên quan đến “những điểm mới cơ bản của Luật Tố tụng hành chính”; “những điểm mới cơ bản của Luật Tố tụng hành chính liên quan đến phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Thực trạng và những kinh nghiệm rút ra từ việc giải quyết án”; và chuyên đề về Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Trước đó, Quốc hội khóa XIII - kỳ họp thứ 10 đã thông qua 18 văn bản luật, trong đó có 7 văn bản luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp, gồm: Bộ luật Dân sự; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng Dân sự; Bộ luật Tố tụng Hình sự; Luật Tố tụng hành chính; Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và Luật Tổ chức các cơ quan Điều tra hình sự. Các văn bản luật này đã được Sở Tư pháp tổ chức triển khai, phổ biến đến các Sở, ban, ngành thành phố và đến tận cơ sở. Riêng Bộ luật Tố tụng Dân sự và Luật Tố tụng hành chính (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016), UBND thành phố Cần Thơ cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành.
Luật Tố tụng hành chính năm 2015 gồm 23 chương, 372 điều. So với Luật Tố tụng hành chính 2010, Luật Tố tụng hành chính 2015 tăng thêm 107 điều, bổ sung 5 chương mới. Luật Tố tụng hành chính đã sửa đổi, tách, nhập đối với 238 điều của Luật Tố tụng hành chính 2010 (thành 247 điều), bổ sung mới 100 điều, bãi bỏ 2 điều, giữ nguyên 25 điều. Những nội dung sửa đổi, bổ sung cơ bản của Luật Tố tụng hành chính 20115 bao gồm về kết cấu, bố cục; những quy định chung; về thẩm quyền của Tòa án; về người tham gia tố tụng, quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng; về các biện pháp khẩn cấp tạm thời; về chứng cứ, chứng minh; về phương thức cấp, tống đạt văn bản tố tụng, gửi đơn kiện, công bố văn bản thông báo thụ lý vụ án và bản án của Tòa án; phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật; về khởi kiện, thụ lý vụ án; về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công chứng cứ và đối thoại; về chuẩn bị xét xử và xét xử sơ thẩm; về thủ tục phúc thẩm; về giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn; về thủ tục giám đốc thẩm; về thủ tục giải quyết vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài; về thi hành án hành chính; về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính; về án phí, lệ phí và các chi phí tố tụng khác.
Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 so với hiện hành giữ nguyên 63 điều, sửa đổi, bổ sung 350 điều; bổ sung mới 104 điều; bãi bỏ 7 điều. Trong đó bỏ chương về tương trợ tư pháp trong tố tụng dân sự; bổ sung các chương về thủ tục rút gọn; yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu; yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu; yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công; yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án; yêu cầu Tòa án bắt giữ tàu bay, tàu biển.
Văn Dũng