Liên kết website

Giáo dục pháp luật gắn với việc nâng cao chất lượng tuyên truyền pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên

16/01/2017

Công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật có vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam Xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đặc biệt, công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Mỗi người dân có nắm vững kiến thức pháp luật thì mới thực hiện đúng pháp luật, góp phần để Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. PBGDPL là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng đó, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác này. Trong rất nhiều văn kiện của Đảng và hệ thống pháp luật của Nhà nước đã đề cập đến công tác PBGDPL. Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định: ''Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật; huy động lực lượng của các đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia các đợt vận động thiết lập trật tự, kỷ cương và các hoạt động thường xuyên xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong cơ quan nhà nước và trong xã hội''. Nghị quyết số 08 - NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới chỉ rõ: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức phong phú, sinh động, đặc biệt là thông qua các phiên toà xét xử lưu động và bằng những phán quyết công minh để tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân”.
Đồng bào dân tộc thiểu số cả nước nói chung và ở Tây Nguyên nói riêng là một bộ phận cấu thành hữu cơ của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, Tây Nguyên có vị trí đặc biệt quan trọng về mặt chính trị và an ninh quốc phòng của đất nước. Với diện tích tự nhiên 54.474 km2, chiếm 16,8% diện tích cả nước, gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, dân số đến cuối năm 2011 là 5.282.000 người (Theo số liệu “Diện tích, dân số và mật độ dân số 2011 phân theo địa phương” của Tổng cục Thống kê). Đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm tỷ lệ cao, thuộc hai nhóm ngôn ngữ chính là Nam Đảo (Malayô-Pôlinêdiêng) và Nam Á (Môn-Khơ me). Trong đó, đông nhất là dân tộc Gia-rai (379.589 người), tiếp theo là Ê-đê (305.045 người), Ba-na (185.657 người), Cơ-ho (129.759 người), Xơ-đăng (103.251 người), Mnông (89.980 người), Giẻ-Triêng (32.024 người), Mạ (36.119 người), Chu-ru (16.863 người), Ra-glai (1.210 người)… Một số dân tộc thiểu số phía Bắc (Tày, Nùng, Thái, Dao, Mông...) chiếm 17%, còn lại là các dân tộc khác. Là vùng đất đa dân tộc, đa văn hóa với rất nhiều đặc trưng, sắc thái của nhiều tộc người, nhiều địa phương trong cả nước hội tụ; đồng thời cũng là nơi có tốc độ tăng dân số và biến động về cơ cấu dân cư nhanh nhất cả nước, do tình trạng di cư tự do kéo dài nhiều năm, đến nay vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần cũng như ý thức pháp luật của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trên cả nước nói chung và ở Tây Nguyên nói riêng được nâng lên rõ rệt. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có truyền thống đoàn kết, yêu nước và tính cộng đồng cao. Mỗi dân tộc đều có đời sống văn hóa tín ngưỡng riêng, rất đa dạng và độc đáo. Đến nay, sự tồn tại của luật tục trong mỗi tộc người vẫn thể hiện sức mạnh tiềm tàng trong tổ chức và điều hành sinh hoạt cộng đồng, nhất là những quy định phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật, có lợi cho hoạt động quản lý nhà nước ở địa phương.
Tuy nhiên, là dân tộc thiểu số với đặc điểm khá đặc biệt xét trên phương diện lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội và tín ngưỡng tôn giáo, dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên (chủ yếu sống ở vùng sâu vùng xa) còn nghèo, họ quan tâm đến nhu cầu tìm kiếm cơm ăn, áo mặc hơn nhu cầu tiếp xúc các tri thức văn hóa, chuẩn mực xã hội trong đó có pháp luật. Mặt khác, phong tục, tập quán nói chung và luật tục nói riêng trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên rất đa dạng, sinh hoạt của các buôn, làng tương đối khép kín, phân bố rải rác khắp nơi với quy mô lớn nhỏ khác nhau; nhiều nơi, kết cấu hạ tầng thấp kém, đi lại rất khó khăn, đời sống kinh tế - xã hội lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Ở một số nơi, bà con vẫn còn duy trì hoạt động tế lễ, thờ cúng mang tính chất mê tín phức tạp, lạc hậu và tốn kém so với khả năng kinh tế của người dân. Có không ít những quy định của luật tục không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật (tình trạng tảo hôn, sinh nhiều con, bạo lực gia đình…), bất lợi cho hoạt động quản lý nhà nước vẫn đang tồn tại. Hiện tượng di cư tự do đến Tây Nguyên ngày càng tăng, nhất là người dân tộc thiểu số ở phía Bắc như: Mông, Tày, Dao... đã và đang ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Trình độ dân trí thấp, ý thức pháp luật chưa cao, vì thế, Tây Nguyên là một địa bàn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn về chính trị, xã hội mà điển hình là sự xâm nhập và phát triển của những tôn giáo, tài liệu, kinh thánh nhập từ bên ngoài vào trong đồng bào dân tộc thiểu số rất phức tạp; tồn tại các hành vi lợi dụng những lĩnh vực nhạy cảm như tranh chấp đất đai, di cư tự do, dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo…để kích động mâu thuẫn, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc…một số đồng bào có những hành động trái pháp luật (Bạo động xảy ra tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên năm 2014), vì thế, quan tâm đến PBGDPL, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới các tầng lớp nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói riêng là vấn đề vô cùng quan trọng.
 
Các tỉnh Tây Nguyên, là địa bàn sinh sống của 47 dân tộc anh em, với nhiều thôn, buôn đặc biệt khó khăn và các xã vùng sâu, vùng xa, xã biên giới; nhiều nơi đường sá đi lại khó khăn… nên công tác PBGDPL càng cần thiết hơn. Trong những năm qua, công tác PBGDPL đã được triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng và địa bàn, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân; hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từng bước được nâng lên, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Với sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ về tăng cường công tác giáo dục pháp luật trong tình hình mới, các hoạt động truyền thống nhằm trực tiếp phục vụ cho công tác giáo dục pháp luật vẫn tiếp tục được duy trì, đó là: Biên soạn và phát hành tài liệu phục vụ cuộc thi “tìm hiểu Pháp luật, tìm hiểu Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn”; phát thanh: bản tin tư pháp hàng tháng, bản tin chuyên đề về phòng chống tội phạm; đĩa CD, băng cassette tuyên truyền pháp luật; phát hành sổ tay hoà giải viên cơ sở, tờ gấp tuyên truyền để cấp phát cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật và hoà giải viên cơ sở; tổ chức tặng sách pháp luật, biên soạn, dịch song ngữ Việt - Êđê… và cấp phát bằng tờ gấp tuyền truyền pháp luật; xây dựng cuốn tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ cấp xã…; xây dựng câu lạc bộ pháp luật ở các xã, thị trấn thuộc các huyện; điểm trợ giúp pháp lý miễn phí; tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động đến các xã vùng sâu……
 Mặt khác, các hoạt động nhằm củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã, phường, thị trấn cũng được quan tâm và đầu tư nhiều hơn. Để hỗ trợ cho việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, các cơ quan chuyên môn ở các tỉnh Tây Nguyên cũng quan tâm hướng dẫn, trợ giúp xây dựng hương ước, quy ước thôn, buôn, làng. 
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực, cố gắng đó thì nhìn chung, công tác PBGDPL trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập so với yêu cầu. Trước hết, hoạt động này chưa có được sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng của các địa phương không chỉ về kinh phí mà còn cả trong tổ chức thực thi. Thực tế cho thấy, nhiều chính quyền địa phương vẫn dành sự quan tâm nhiều hơn cho việc phát triển kinh tế - xã hội mà ít chú trọng, quan tâm đến hoạt động giáo dục pháp luật. Vì thế, chưa có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan có thẩm quyền, còn “khoán trắng” cho ngành Tư pháp. Tình trạng “dễ làm, khó bỏ”, nặng tính “thời vụ” trong hoạt động giáo dục pháp luật vẫn còn khá phổ biến. Đội ngũ cán bộ tư pháp xã còn thiếu và yếu về kỹ năng, nghiệp vụ cho dù họ là cán bộ chuyên trách ở cơ sở. Bên cạnh đó, nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục pháp luật chậm được đổi mới cho phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh đang có nhiều biến động, ảnh hưởng của luật tục, tập quán sinh hoạt của các tộc người trên một địa bàn là vấn đề ít được tính đến trong hoạt động giáo dục pháp luật nên đã gây ra những phản ứng bất lợi. Đội ngũ giảng viên, báo cáo viên pháp luật nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Rất nhiều báo cáo viên người Kinh không biết tiếng dân tộc thiểu số, thiếu hiểu biết về phong tục, tập quán, luật tục ở địa phương. Số báo cáo viên là người dân tộc thiểu số thì hạn chế về năng lực, chủ yếu là “cơ cấu” cho đủ thành phần. Kinh phí đầu tư cho công tác giáo dục pháp luật còn quá ít, nhất là so sánh với chi phí của những hoạt động khác. Thậm chí, có địa phương không có ngân sách để chi cho công tác này, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân di cư tự do…Vì thế, nhiều nơi gặp khó khăn trong mua sắm phương tiện phát thanh, truyền hình, phương tiện đi lại, sách báo, tài liệu, bồi dưỡng cho báo cáo viên… Điều đáng nói hơn là hoạt động giáo dục pháp luật cho đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn chưa thật gắn liền với những nhu cầu thiết thực của họ như: giải quyết công ăn việc làm, cải thiện cuộc sống cả về vật chất và tinh thần, giải quyết khiếu kiện, nâng cao trình độ dân trí và đảm bảo những quyền, lợi ích chính đáng của người dân. Vai trò của Già làng, Trưởng bản chưa thật sự được quan tâm và phát huy tối đa như một trợ thủ đắc lực cho hoạt động giáo dục pháp luật ở các thôn, buôn, làng...
Trong bối cảnh đó, để hoạt động giáo dục pháp luật cho đồng bào các dân tộc thiểu số đi vào nề nếp và hiệu quả, cần tập trung nâng cao và thống nhất nhận thức của các cơ quan, tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị ở địa phương, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý về tầm quan trọng của hoạt động giáo dục pháp luật cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong tình hình mới, phải gắn công tác giáo dục pháp luật với yêu cầu ổn định chính trị - xã hội, nâng cao dân trí, cải thiện điều kiện sinh hoạt và đảm bảo sự công bằng xã hội trong việc thụ hưởng các giá trị cho người dân. Bằng những hình thức thích hợp, phải biến yêu cầu đó thành những tiêu chí, chương trình hành động cụ thể của các cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Nếu không bắt đầu từ việc làm này, sẽ không thể có các tiền đề tiếp theo nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả của hoạt động giáo dục pháp luật.
Tiếp tục thực hiện các chương trình về phát triển kinh tế - xã hội thôn, buôn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số như là tiền đề cơ bản, thiết thực nhất của giáo dục pháp luật. Trước mắt, cần đẩy mạnh thực hiện chủ trương và các giải pháp sau: giao đất, giao rừng cho đồng bào theo quy định của Nhà nước và điều kiện của địa phương; nâng cấp cơ sở hạ tầng; phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ thích hợp với cơ cấu kinh tế địa phương; tăng cường dịch song ngữ giữ tiếng Kinh và tiếng đồng bào dân tộc thiểu số với các văn bản pháp luật thông dụng, sát thực với cuộc sống thôn, buôn; tăng cường tuyên truyền bằng pano, hình ảnh, tờ rơi, thư ngỏ với những hình ảnh, câu chuyện thực tế đời thường…; tổ chức tập huấn cho đội ngũ già làng, trưởng bản về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và có chính sách đãi ngộ đối với họ; tăng cường công tác kết nghĩa giữa các đơn vị hành chính nhà nước với các thôn, buôn làng, bản, sóc…để nắm bắt tình hình tư tưởng trong nhân dân; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của từng tộc người, cần khuyến khích việc xây dựng hương ước, quy ước thôn, bản, làng theo hướng phê phán, loại trừ dần những yếu tố không tích cực, chẳng hạn như thực hiện quy ước “Bảy không, bảy bỏ” (bảy không là: không đốt rừng làm rẫy; không làm ô nhiễm nguồn nước; không uống nước lã; không nuôi gia súc dưới sàn nhà; không cúng Yang (Trời) khi đau ốm; không biểu tình, bạo loạn; không vượt biên. Bảy bỏ là: bỏ tục nối dây; bỏ nghi ma lai; bỏ tục đốt nhà khi có người chết rủi; bỏ tảo hôn - thách cưới; bỏ tục để người chết trong nhà lâu; bỏ tục ăn uống tốn kém trong đám tang; bỏ mê tín dị đoan).
Bên cạnh đó, cần củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật theo hướng đảm bảo số lượng, cơ cấu và nâng cao chất lượng hoạt động. Trước hết, phải đảm bảo đủ số lượng công chức Tư pháp - hộ tịch ở các xã có đồng bào dân tộc thiểu số và họ nhất thiết phải được trình độ trung cấp chuyên ngành pháp luật trở lên, được thường xuyên tập huấn nghiệp vụ PBGDPL. Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, trợ giúp của Phòng Tư pháp cấp huyện cho công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã về chuyên môn, nghiệp vụ và điều kiện làm việc. Mặt khác, để hoạt động giáo dục pháp luật cho đồng bào các dân tộc thiểu số có hiệu quả thiết thực, cần có chính sách, chế độ phù hợp nhằm tập hợp thêm các già làng, trưởng bản, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương tham gia vào đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Song ngoài lòng nhiệt tình, kinh nghiệm, đội ngũ này cũng cần được tập huấn thêm về kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết cho công việc tuyên truyền viên pháp luật của mình. Để hoạt động PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên đạt được hiệu quả cao đòi hỏi cán bộ thực hiện công tác PBGDPL cần có kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội và kỹ năng phù hợp với đối tượng được giáo dục, tuyên truyền.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Ban chấp hành Trung ương Đảng xác định một trong các đặc trưng cơ bản của xã hội XHCN hiện nay là:" Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam". Nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện tốt chủ trương trên, ngày 24/5/2005 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến 2010, định hướng đến 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến 2020, mục tiêu chung là nhằm hướng đến việc củng cố và hoàn thiện hệ thống pháp luật tiến tới việc xây dựng thành công mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Cách đây 7 năm, ngày 23/7/2009 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký ban hành Quyết định số 1808/QĐ-BTP thành lập Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột, trường trung cấp luật đầu tiên trong hệ thống 5 trường trung cấp luật thuộc Bộ Tư pháp trên phạm vi cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm cụ thể hóa và thực hiện 2 nghị quyết nêu trên, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác Tư pháp, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực pháp luật cả nước nói chung, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Theo đó, Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột là cơ sở đào tạo công lập chuyên ngành pháp luật trực thuộc Bộ Tư pháp đóng tại địa bàn Tây Nguyên. Ngay từ khi thành lập Trường, Bộ Tư pháp đã xác định Nhà trường sẽ là địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực pháp luật tại chỗ cho các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ, đặc biệt đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số. Với mục tiêu đào tạo lý thuyết kết hợp với thực hành, đào tạo gắn liền với thực tế, Nhà trường đã xây dựng và triển khai Kế hoạch đào tạo theo đúng tiến độ, tổ chức cho học sinh đi thực tập nghề nghiệp và thực tập tốt nghiệp tại cơ sở để các em có điều kiện áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, đồng thời củng cố thêm kinh nghiệm thực tế để khi ra Trường có thể bắt tay ngay vào công việc được giao.
Trên thực tế, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp, hộ tịch địa phương và pháp chế của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn còn hạn chế, một số cán bộ chưa được đào tạo chuyên ngành về pháp luật. Qua 7 năm xây dựng và phát triển, Trường đã tuyển sinh và đào tạo 09 khoá Trung cấp Luật với hàng ngàn học sinh, sinh viên. Trong đó, học sinh là người dân tộc thiểu số (chiếm 35,4%), gồm các dân tộc: Giarai, Êđê, M’nông, Bana, Cơho, Mạ, Xơ Đăng, Chăm, Thái, Mường, Tầy, Nùng….06 khóa đã tốt nghiệp ra trường, phần lớn các học sinh, học viên đã có việc làm, góp phần bổ sung kịp thời nguồn nhân lực pháp luật tại chỗ cho các địa phương. Ngoài ra còn liên kết với Học viện Tư pháp mở 01 lớp nghiệp vụ luật sư với 80 học viên, liên kết với Đại học Luật Hà Nội mở 03 lớp Đại học Luật văn bằng 2 với gần 300 học viên. Nhà trường đặc biệt quan tâm công tác giảng dạy, rèn luyện nhằm đào tạo học sinh một cách toàn diện về kiến thức, kỹ năng và phẩm chất đạo đức, thái độ nghề nghiệp. Các học phần được thiết kế với mục đích vừa cung cấp các kiến thức Luật căn bản, vừa cung cấp kinh nghiệm trong thực tế tác nghiệp, trang bị cho người học rèn luyện kỹ năng giải quyết công việc, phù hợp với công tác thực tiễn của học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang hoàn thiện Đề án thành lập Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại Tây Nguyên đặt tại Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột nhằm triển khai đào tạo cử nhân luật hệ chính quy và cao học luật cho khu vực Tây Nguyên và các tỉnh lân cận, dự kiến bắt đầu tuyển sinh và đào tạo từ năm học 2017 - 2018.
Để công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật cho người đồng bào dân tộc thiểu số và nhân dân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đạt kết quả cao trong thời gian tới, tôi xin đưa ra một số kiến nghị như sau:
Trước hết, cần hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Pháp luật phải bao quát được mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, các quy định phải thực tế, rõ ràng, có tính khả thi và thống nhất cao. Bộ máy thực thi pháp luật phải hoàn thiện về mọi mặt, đảm bảo pháp luật là công bằng cho các chủ thể khác nhau.
Thứ hai, cần tăng cường tuyên truyền cho người dân biết, hiểu và tuân thủ được pháp luật, ý nghĩa của pháp luật trong đời sống xã hội. Có sự so sánh để đồng bào dân tộc thiểu số hiểu được sự giống và khác nhau giữa pháp luật của Nhà nước với những luật tục của riêng mỗi dân tộc. Để các dân tộc có thể nhận thức được pháp luật là tối thượng và mỗi quy định của pháp luật thì đều có chế tài kèm theo và là bắt buộc đối với mỗi cá nhân, không có sự phân biệt.
Thứ ba, cần đổi mới, đa dạng hóa các hình thức giáo dục, tuyên truyền pháp luật phù hợp với từng đối tượng cụ thể; bảo đảm kết hợp giữa giáo dục pháp luật gắn liền với tuyên truyền pháp luật. Áp dụng một cách sáng tạo, linh hoạt các biện pháp giáo dục, tuyên truyền pháp luật, gắn với việc hướng dẫn chấp hành pháp luật. Cần thực hiện thường xuyên, không nên chỉ hô hào, hưởng ứng kiểu phong trào. Có thể tuyên truyền bằng các tình huống diễn án, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật tại các nhà cộng đồng, khi thực tế đời sống của đồng bào có xảy ra tranh chấp thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể lấy đó làm tình huống thực tiễn để giáo dục, tuyên truyền ý thức pháp luật cho đồng bào. Không chỉ tuyên truyền các quy định bằng cách đọc trên phương tiện truyền thanh, truyền hình. Tài liệu tuyên truyền cần trọng tâm, ngắn gọn, thực tế, dễ hiểu.
Thứ tư, tăng cường lồng ghép việc giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý trong quá trình thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa đối với người có công, các phong trào vận động quần chúng ở cơ sở, như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phong trào “Toàn dân thực hiện tốt pháp luật”; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”...
Thứ năm, kết hợp chặt chẽ giữa phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý với việc tổ chức thi hành pháp luật, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tư pháp và các cơ quan có chức năng tổ chức thi hành pháp luật trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. Hình thành xây dựng ý thức pháp luật trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Có thể bắt đầu bằng những quy định liên quan trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm của người dân trong các lĩnh vực như: tham gia giao thông, y tế - sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ môi trường…
 Thứ sáu, đẩy mạnh xã hội hóa công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012; Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và một số văn bản pháp luật có liên quan bằng cách vận động sự tham gia rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân vào các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý; huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý; khuyến khích các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về pháp luật, trung tâm tư vấn pháp luật, tổ chức hành nghề luật sư, công chứng tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí cho nhân dân.
 Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đối với các hoạt động tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý, đảm bảo đúng định hướng chính trị, nâng cao hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng, đề cao trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức và cá nhân; đồng thời thông qua công tác kiểm tra mà phát hiện, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay trong tổ chức thực hiện, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích; phê bình, kiểm điểm, có hình thức xử lý phù hợp đối với những tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý.
 Thứ tám, để công tác giáo dục và đặc biệt là tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý đạt kết quả cao hơn thì giảng viên, báo cáo viên pháp luật, Trợ giúp viên pháp lý ngoài am hiểu kiến thức chuyên môn về pháp luật cần phải nắm chắc các kỹ năng tuyên truyền, kỹ năng trợ giúp pháp lý, phải tìm hiểu về phong tục tập quán, đời sống văn hóa của từng vùng dân cư, từng dân tộc và phải biết lựa chọn thời gian thích hợp để có thể tập trung đông đảo đồng bào nhất. Đặc biệt, có thể sử dụng ngôn ngữ riêng của từng dân tộc để đồng bào dân tộc thiểu số hiểu đúng nhất bản chất các quy định của pháp luật, truyền tải nội dung một cách chính xác nhất. Nâng cao vai trò của người đứng đầu buôn, làng, đào tạo họ trở thành những cán bộ tuyên truyền pháp luật./.
Các tin đã đưa ngày: