Liên kết website

Sóc Trăng: Những điểm nổi bật sau 03 năm thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở

14/02/2017

Công tác hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng trong việc xây dựng tình làng, nghĩa xóm, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân. Sau 3 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã và đang từng bước được nâng cao về chất lượng, tổ chức và hoạt động ngày càng đi vào nền nếp, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Toàn tỉnh hiện có 791 Tổ hòa giải/775 ấp, khóm với 4.265 hòa giải viên.

Để triển khai Luật có hiệu quả, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 80/KH-UBND, ngày 03/12/2013 về triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Trong đó, quy định cụ thể trách nhiệm của các đơn vị trong việc phối hợp tổ chức triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, tham mưu Tỉnh ủy ban hành Công văn số 708-CV/TU, ngày 18/6/2014 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác hòa giải ở cơ sở và tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 29/2014/NQ-HĐND, ngày 10/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức chi bảo đảm cho công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; đặc biệt, trong năm 2016, Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND, ngày 03/02/2016 của UBND tỉnh Sóc Trăng về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước năm 2016 trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định phấn đấu đạt tỷ lệ hòa giải thành từ 80% trở lên.
Công tác tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lực lượng hòa giải viên ở cơ sở luôn được chú trọng, thực hiện thường xuyên.Tổ chức các hoạt động thiết thực để phổ biến, quán triệt Luật Hòa giải ở cơ sở như: Hội nghị giới thiệu chuyên sâu về Luật hòa giải, hướng dẫn kiện toàn lực lượng hòa giải ở cơ sở cho lãnh đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật, Báo cáo viên pháp luật, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố và Trưởng phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố, với trên 300 đại biểu tham dự hội nghị; ngoài ra, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng thực hiện các chuyên mục, chương trình, tin, bài…, đã phổ biến, quán triệt có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở đến các tầng lớp nhân dân.
Mặt khác, Sở Tư pháp hỗ trợ Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho lực lượng làm công tác hòa giải cơ sở tại 11 huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng với trên 6.500 đại biểu tham dự. Đặc biệt trong năm 2016, việc thực hiện chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở được tổ chức bằng hình thức tọa đàm trực tiếp như: Đoàn tư vấn đặt vấn đề về những nội dung pháp luật mới ban hành để các hòa giải viên có thể trao đổi, thông tin, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, giúp nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác hòa giải tại địa phương.
Công tác biên soạn, phát hành tài liệu phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở được tỉnh chú trọng, trong 03 năm đã biên soạn và cấp phát 9.000 Sổ tay pháp luật dành cho hòa giải viên, 7.500 Sổ tay pháp luật dành cho tuyên truyền viên; 2.000 Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở. Ngoài ra, trong năm 2016, tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và đạt giải Ba toàn đoàn tại Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III - Khu vực phía Nam.
Hoạt động hoà giải cơ sở đã và đang từng bước được nâng cao về chất lượng, tổ chức và hoạt động ngày càng đi vào nền nếp, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Ba năm qua, các Tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 10.108 vụ việc; trong đó, hòa giải thành: 8.575 vụ việc, đạt tỷ lệ 84.8%.
Có thể nói, qua 03 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất, hiệu quả; hầu hết các tổ hòa giải đã được kiện toàn bảo đảm đúng quy định, chất lượng hòa giải được nâng lên, thể hiện qua tỷ lệ các vụ hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước. Qua đó, đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân./.
Thúy Vi
Các tin đã đưa ngày: