Thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2017 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố và Kế hoạch tổ chức ngày Người khuyết tật Việt Nam năm 2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố, sáng ngày 18/4/2017, Sở Tư pháp – Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố đã tổ chức Lễ ra mắt Chương trình “Sách nói pháp luật”. Tham dự buổi lễ ra mắt có ông Nguyễn Thanh Bình – Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp; Ông Vũ Văn Bình – Đại diện Quỹ Từ thiện sách nói cho người mù; Ông Nguyễn Văn Ca - Ủy viên thường vụ Hội Người mù Thành phố cùng các ông, bà là thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố, quận, huyện, Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, Hiệp Hội Doanh nghiệp Thành phố, Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện, các Báo, Đài Thành phố.
Tại buổi Lễ ra mắt, Bà Lê Thị Bình Minh – Phó Giám đốc Sở Tư pháp đã trình bày Thông cáo báo chí về Chương trình Sách nói pháp luật và trao tặng đĩa CD số 1 Bộ Sách nói pháp luật đến Hội Người mù Thành phố.
Cũng tại buổi Lễ, Ông Vũ Văn Bình – Đại diện Quỹ Từ thiện sách nói cho người mù cho biết các sách chữ nổi Braille còn rất hạn chế, giá thành lại cao, không đủ đáp ứng nhu cầu của người mù, vì thế, những cuốn “sách nói” là một phương tiện hữu hiệu giúp cho người mù tiếp nhận thông tin, kiến thức nói chung, trong đó có kiến thức pháp luật.
Là đối tượng trực tiếp thụ hưởng Chương trình Sách nói pháp luật, đại diện Hội Người mù Thành phố trân trọng và đánh giá cao về mục đích, ý nghĩa của Chương trình, đồng thời, đề xuất Sở Tư pháp quan tâm thêm về việc thành lập đường dây nóng tư vấn pháp luật cho người mù để được giải đáp thắc mắc, nghiên cứu chuyên sâu về pháp luật.
Các đại biểu tham dự cũng đánh giá cao nỗ lực chuẩn bị và thực hiện Chương trình của Sở Tư pháp và Thư viện sách nói dành cho người mù. Chương trình Sách nói pháp luật không chỉ dành cho người mù theo nghĩa đen mà còn theo nghĩa bóng - những người thiếu kiến thức pháp luật, chưa được tiếp cận nhiều với pháp luật. Ngoài ra, Ông Nguyễn Văn Thành – Chuyên viên Phòng Tư pháp Quận 10 cũng đề xuất thực hiện thêm các tiểu phẩm pháp luật, bài giảng, chuyên đề pháp luật mới... để thêm phong phú, sinh động.
Để thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp Thành phố đối với Chương trình, Ông Nguyễn Tri Thắng – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị hỗ trợ 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng và sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chương trình trong thời gian tới theo Kế hoạch đã ký với Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố.
Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố (thông qua Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật) sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý và nghiên cứu hoàn thiện Chương trình trong thời gian tới.
Chương trình sách nói pháp luật nhằm mục đích đổi mới, đa dạng hóa hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo điều kiện tiếp cận pháp luật cho đối tượng đặc thù theo quy định tại Mục 2 Chương II Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn Thành phố.
Đối tượng thụ hưởng của Chương trình chủ yếu là người khuyết tật, đặc biệt là người mù; bên cạnh đó, còn góp phần phổ biến pháp luật cho người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người nội trợ, người bệnh, ngư dân, người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc và các đối tượng có nhu cầu khác trong và ngoài nước không giới hạn phạm vi không gian.
Chương trình Sách nói pháp luật thí điểm thực hiện năm 2017 nhằm giới thiệu các quy định pháp luật cơ bản như: Hiến pháp, các quy định pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của công dân và các văn bản pháp luật liên quan đến người khuyết tật. Dự kiến năm 2018 và các năm tiếp theo, Sở Tư pháp và Thư viện sách nói dành cho người mù sẽ lần lượt giới thiệu đầy đủ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam nói chung cũng như các văn bản quy phạm pháp luật, các chủ trương, chính sách pháp luật của Trung ương và Thành phố dành cho người khuyết tật, người mù nói riêng.
Chương trình được phát hành dưới 2 hình thức: trên website www.sachnoionline.com của Thư viện sách nói dành cho người mù và in thành đĩa CD với tên gọi “Bộ sách nói pháp luật” cung cấp cho các Hội người mù, các Trường mù trên địa bàn Thành phố và các đối tượng đặc thù khác tùy theo nhiệm vụ và điều kiện thực tế hàng năm.
Dự kiến năm 2017 phát hành 4 quyển sách nói pháp luật (cũng đồng thời là 4 đĩa CD Bộ sách nói pháp luật – bìa chữ thường và chữ nổi) với các nội dung như sau:
+ Đĩa 1: Hiến pháp, Luật Hộ tịch, Luật Hôn nhân và gia đình và Luật Người khuyết tật.
+ Đĩa 2: Bộ luật Dân sự.
+ Đĩa 3: Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động.
+ Đĩa 4: Các luật về quốc phòng - an ninh, biển đảo (gồm: Luật Biển Việt Nam, Luật Quốc phòng, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Luật Dân quân tự vệ, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật An ninh quốc gia, Luật Biên giới quốc gia, Pháp lệnh Lực lượng dự bị động viên).
* Trường hợp Quý cơ quan, tổ chức, cá nhân cần thêm thông tin chi tiết về Chương trình Sách nói pháp luật hoặc có mong muốn, nguyện vọng đóng góp ý kiến xây dựng hoặc ủng hộ cho Chương trình Sách nói pháp luật xin liên hệ:
1. Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh (Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật)
Địa chỉ: 141-143 Pasteur Phường 6, Quận 3
Điện thoại: 08.38242893
Email: pbgdpl.stp@tphcm.gov.vn
2. Quỹ từ thiện Sách nói dành cho người mù (Thư viện sách nói dành cho người mù)
Địa chỉ: Số 18B Đinh Tiên Hoàng, Phường Đa Kao, Quận 1
Điện thoại: 08.39115253
Email:
thuviensachnoihcm@gmail.com.