Liên kết website

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

12/03/2019

Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 đã xác định 6 nhóm đối tượng đặc thù đó là: người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân; người lao động trong các doanh nghiệp; nạn nhân bạo lực gia đình; người khuyết tật; người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo. Đồng thời, Luật quy định những nội dung pháp luật liên quan trực tiếp đến đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật; các hình hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù.

Thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, trong những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng địa bàn và từng nhóm đối tượng. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả bước đầu, với nhiều mô hình, hình thức phong phú như: Tư vấn, phổ biến pháp luật trực tiếp; tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật; thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động; cung cấp tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; tư vấn pháp luật tại các khu nhà trọ công nhân; lồng ghép phổ biến pháp luật trong các hoạt động giáo dục, qua các phương tiện thông tin đại chúng, sinh hoạt câu lạc bộ...  
Qua đó, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật ở từng đối tượng góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong đó nổi bật là một số kết quả sau:
 Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho người nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số đã được chú trọng. Thông qua các hình thức như trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, hòa giải ở cơ sở, cung cấp tài liệu pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật lồng ghép với các hình thức sinh hoạt văn hóa, hoạt động thanh niên tình nguyện để đưa thông tin, kiến thức pháp luật đến với người dân ở cơ sở. Hàng năm Sở Tư pháp phối hợp với UBND cấp huyện mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ và  nhân dân ở sơ sở tại 137/137 xã, phường, thị trấn; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban dân tộc tỉnh chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trong toàn ngành tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật người nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các lớp bồi dưỡng kiến thức cho nông dân. Trong đó, huyện Lập Thạch- một huyện miền núi rất chú trọng đến công tác này.
Bên cạnh đó, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp được các cơ quan chủ trì  Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Sở Lao động Thương binh & Xã hội, Liên đoàn lao động tỉnh đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp. Hàng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh và hệ thống tổ chức công đoàn các cấp đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền cho cán bộ, đoàn viên, người lao động về pháp luật lao động; trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền về pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội cho các đối tượng đoàn viên là công nhân, lao động trẻ đang làm việc tại các khu ccong nghiệp. Biên soạn, in ấn, cấp phát hàng vạn tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Luật An toàn vệ sinh lao động... cho công nhân, viên chức, người lao động trong toàn tỉnh. Đối với đối tượng là nạn nhân bạo lực gia đình được các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực tuyên truyền về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản hướng dẫn thi hành; hướng dẫn việc tiếp nhận, chăm sóc y tế đối với người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở khám, chữa bệnh; tuyên truyền các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Riêng Sở Tư pháp hàng năm in hàng nghìn cuốn tài liệu chuyên đề về phòng chống bạo lực gia đình phát cho các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở cơ sở. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức hàng trăm cuộc tuyên truyền kiến thức pháp luật cho hội viên, phụ nữ, trong đó, có đối tượng là nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình; duy trì hoạt động của các câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật. Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật cho nạn nhân bạo lực gia đình, người có hành vi bạo lực gia đình.
Đối với nhóm đối tượng người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc tiếp tục được quan tâm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Công an tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến nội quy, quy chế giam, giữ; chính sách, pháp luật về giáo dục, cải tạo phạm nhân cho các đối tượng bị tạm giữ, tạm giam. Bên cạnh đó, các ngành chức năng tổ chức các buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người thuộc nhóm người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo.
Có thể nói, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù  trên địa bàn tỉnh được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo triển khai, đạt được những kết quả quan trọng, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
 
Lê Huyền
Các tin đã đưa ngày: