Xuất phát từ nhận thức vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, các cấp uỷ đảng, chính quyền, lãnh đạo ngành, đoàn thể đã phối hợp chặt chẽ nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật đến mọi đối tượng. Điển hình như sự phối hợp giữa Sở Khoa học và Công nghệ với Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng (DRT), Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng đã xây dựng và phát sóng các phóng sự pháp luật về tiêu chuẩn đo lường và chất lượng hàng hoá; Hội Luật gia phối hợp với Sở Công thương tổ chức mạn đàm về Luật bảo vệ người tiêu dùng; Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC14 xây dựng các phóng sự, chương trình phòng, chống ma tuý; Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Viễn thông Đà Nẵng tổ chức hội nghị phổ biến các văn bản pháp luật trên mạng internet; Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố thiết lập đường dây nóng trả lời tự động các thắc mắc của doanh nghiệp; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Luật gia thành phố tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về biển, đảo, biên giới và chủ quyền quốc gia; Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên ký cam kết thực hiện không tham gia buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma tuý, không vi phạm pháp luật.
Đồng thời, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp đã ban hành Chương trình hoạt động của Hội đồng ngay từ đầu năm, theo đó phân công cụ thể trách nhiệm của cơ quan tư pháp và các ban, ngành, đoàn thể của địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức và nhân dân trong các lĩnh vực đất đai, hôn nhân gia đình…
Công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được quan tâm. Ngày 20/5/2011, Uỷ ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 4262/QĐ-UBND công nhận 50 báo cáo viên pháp luật thành phố. Đến nay, toàn thành phố có 112 báo cáo viên cấp huyện, 1.255 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Hầu hết, những người làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đều có trình độ chuyên ngành luật, có kinh nghiệm và được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ.
Ngoài ra, nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được áp dụng:
- Tổ chức hội nghị tập huấn: Trong năm 2011, báo cáo viên pháp luật thành phố đã tổ chức được 3.105 buổi tuyên truyền cho 387.500 lượt người tham dự;
- Năm 2011, Sở Tư pháp đã tiếp nhận và trợ giúp pháp lý cho 2.133 trường hợp, tiến hành 26 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã phường;
- Công tác hoà giải ở cơ sở tiếp tục được quan tâm triển khai, góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự, tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Toàn thành phố có 1.986 tổ hoà giải với 7.132 hoà giải viên. Phần lớn hoà giải viên được bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hoà giải và kiến thức pháp luật. Năm 2011 các tổ hoà giải đã hoà giải thành 1.114 vụ/1.438 vụ việc.
- Mô hình “Ngày pháp luật” được triển khai và thực hiện lồng ghép một cách có hiệu quả ở hầu hết các cấp ngành trên địa bàn thành phố. Hình thức thực hiện “Ngày pháp luật” được các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động lựa chọn tuỳ theo tình hình, điều kiện cụ thể của từng sở, ngành, đoàn thể, địa phương., có thể theo định kỳ một tháng một lần hoặc lồng ghép vào cuộc họp, sinh hoạt của cơ quan, đơn vị…
- Biên soạn tài liệu phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó sách hỏi - đáp pháp luật là 10.460 cuốn; Tờ gấp pháp luật 400.380 tờ; bản tin pháp luật 2.500 bản…
Nguyễn Thị Quế