Liên kết website

Hiệu quả từ Đề án tăng cường, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

19/06/2020

Thanh thiếu niên (TTN) là lực lượng xã hội to lớn, có mặt trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, là nguồn nhân lực quan trọng, dồi dào cho sự phát triển của đất nước. Do đặc tính tâm lý, lứa tuổi TTN ham hiểu biết, nhạy cảm, năng động, thường nhanh chóng tiếp thu, thích nghi với cái mới, luôn có nhu cầu được thể hiện, khẳng định bản thân…Tuy nhiên còn một bộ phận TTN thiếu bản lĩnh sống, thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, thiếu kiến thức về pháp luật dẫn đến dễ bị kích động, dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Xác định rõ điều đó, thời gian qua, các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhằm hướng đến mục tiêu giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật trong bộ phận thanh, thiếu niên.

    Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của Đề án “Tăng cường công tác PBGDPL nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2010 - 2015 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 38/KH-UBND, ngày 5/4/2018 tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2010 – 2015” đến năm 2020.

    Thực hiện nhiệm vụ được giao, hàng năm, Sở Tư pháp đã ban hành nhiều kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố, xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tại đơn vị, địa phương.

     Theo đó, Sở Tư pháp tổ chức 55 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp, tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến: “Pháp luật học đường”, “Tìm hiểu kiến thức pháp luật dành cho học sinh trung học phổ thông” cho thanh, thiếu niên. Sở cũng đã tiến hành biên soạn và cấp phát miễn phí  trên 55.000 tài liệu pháp luật dành cho thanh, thiếu niên về tìm hiểu một số quy định pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình, một số quy định pháp luật đối với người chưa thành niên theo Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật An ninh mạng… tổ chức khảo sát, điều tra đánh giá thực trạng thi hành và chấp hành pháp luật trong thanh, thiếu niên. Bên cạnh đó, Ngày pháp luật Việt Nam 9/11 hàng năm được chú trọng tổ chức, triển khai việc tuyên truyền, phổ biến các luật mới ban hành, nhất là các dự án luật có liên quan đến thanh, thiếu niên…

    Công tác phối hợp trong việc thực hiện Đề án giữa các sở, ban, ngành và các địa phương ngày càng chặt chẽ. Hàng năm, Sở Tư pháp, Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và đào tạo, Đoàn luật sư đều ký kết kế hoạch liên tịch để phối hợp phổ biến pháp luật cho các đối tượng thanh, thiếu niên như: học sinh, đoàn viên thanh niên….Ngoài ra, còn phối hợp chỉ đạo thành lập các Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm”, “Tuổi trẻ với pháp luật” hoặc “Thanh niên với pháp luật”; tổ chức 75 đợt tư vấn và tuyên truyền pháp luật cho học sinh tại các điểm trường cấp 2, 3 trên địa bàn tỉnh về các nội dung có liên quan như: Luật Thanh niên, pháp luật về giao thông, ma túy, mại dâm, hình sự, hôn nhân gia đình...; tổ chức các chiến dịch, đợt cao điểm nhằm hướng thanh niên tham gia vào các hoạt động giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội (mại dâm, ma túy, cờ bạc, đua xe trái phép...). Qua đó, đã góp phần nâng cao kiến thức về pháp luật, hình thành lối sống, hành vi pháp luật tích cực trong TTN.

    Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế mặc dù các cơ quan, tổ chức, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã có nhiều nỗ lực để phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên, nhưng hiệu quả của công tác này còn chưa cao, hơn nữa kết quả khó có thể định lượng bởi có nhiều trường hợp hiểu luật, biết luật mà vẫn cố tình vi phạm. Tình trạng thanh niên vi phạm pháp luật vẫn tiếp tục xảy ra, tập trung vào một số lĩnh vực về an toàn giao thông, trộm cắp, ma túy, hôn nhân - gia đình, xâm phạm sở hữu, sức khỏe, tính mạng… Đặc biệt, một bộ phận thanh niên đã tham gia vào các băng nhóm tội phạm có tổ chức, phạm tội có sử dụng vũ khí với tính chất côn đồ, phạm các tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng (ví dụ như: giết người, cướp tài sản, chống người thi hành công vụ, trộm cắp tài sản có giá trị lớn…).

    Thực trạng nêu trên do nhiều nguyên nhân, như vốn sống và và hiểu biết xã hội của thanh niên còn hạn chế; khả năng tiếp nhận thông tin nhanh nhưng ít chọn lọc và dễ bị kích động, lôi kéo, lợi dụng; đồng thời tình trạng thanh niên khó khăn trong cuộc sống, thất nghiệp, chưa có việc làm, lao động nông nhàn ra thành phố kiếm sống, quá trình đô thị hóa phát triển nhanh…

    Do đó, để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên, giảm tình trạng thanh niên vi phạm pháp luật như mục tiêu Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên”. Trong thời gian tới, Sở Tư pháp đề ra các giải pháp sau:

    Thứ nhất, nâng cao nhận thức của một số cấp ủy, lãnh đạo địa phương về vị trí, vai trò của TTN và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên đối với yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chú trọng xây dựng đội ngũ làm công tác giáo dục pháp luật - vai trò quyết định chất lượng giáo dục pháp luật. Do vậy, cần tuyển chọn những người có phẩm chất, năng lực, trình độ, có khả năng tuyên truyền, giáo dục hoặc hòa giải tốt, có lòng nhiệt tình, say mê với công việc phổ biến, giáo dục pháp luật.

    Thứ hai, các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho TTN cần được triển khai thường xuyên, thực chất, có kế hoạch, có mục đích, phải xác định kết quả đầu ra rõ ràng.

    Thứ ba, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho TTN cần tập trung vào đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật cao. Đối tượng TTN có nguy cơ vi phạm pháp luật cao thường là TTN sống trong gia đình, khu vực đặc biệt như: TTN không có trình độ văn hóa (do bỏ học sớm); gia đình có bố mẹ ly hôn, bố mẹ phạm tội, hoặc bố mẹ thường xuyên vi phạm pháp luật; TTN không có việc làm... Đây là những đối tượng rất dễ vi phạm pháp luật do bị tác động bởi hoàn cảnh.

     Thứ tư, tạo điều kiện cho TTN có việc làm ổn định và sân chơi giải trí lành mạnh để thu hút thanh niên.

    Thứ năm, nâng cao chất lượng dạy học pháp luật trong trường học, cần đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và hình thức ngoại khóa pháp luật.
Phòng PBGDPL – Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng
Các tin đã đưa ngày: