Liên kết website

Điểm cầu Gia Lai: Hội nghị trực tuyến toàn quốc Công tác Dân vận trong hoạt động hòa giải

16/07/2020

Sáng ngày 13/7/2020, Ban Dân vận Trung ương; Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp; Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Ban Cán sự Đảng Tòa án Nhân dân tối cao đã phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến “Công tác dân vận trong công tác hòa giải”. Các đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; Lê Thành Long - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị tại điểm cầu trung ương. Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Huỳnh Nữ Thu Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Thanh Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh có liên quan, đại diện Lãnh đạo thường trực các Huyện ủy, Thị ủy Thành ủy, Ban Dân vận, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo Bộ Tư pháp, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao báo cáo về kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; vai trò nòng cốt của MTTQ trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; công tác dân vận trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa cùng nhiều tham luận của các địa phương.
Theo báo cáo về thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở được đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp nêu rõ: Qua 6 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng. Đến ngày 31/12/2019, cả nước có trên 96.000 tổ hòa giải được thành lập tại thôn, tổ dân phố với gần 601.000 hòa giải viên. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải ở cơ sở trên phạm vi cả nước đã tiến hành hòa giải trên 140.000 vụ việc. Số lượng các vụ việc không phải đưa ra giải quyết tại các cơ quan Nhà nước đã tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền của cho nhân dân, giảm tải công việc cho các cơ quan tư pháp và giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho ngân sách Nhà nước. Tại Gia Lai, công tác hòa giải cơ sở cũng được quan tâm, chú trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương. Đến nay toàn tỉnh đã có 1.627 tổ hòa giải với 9.735 hòa giải viên. Các địa phương, đơn vị đã tổ chức được 144 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho 12.006 hòa giải viên ở cơ sở tham gia. Các sở, ngành của tỉnh đã phát hành gần 90.000 tài liệu pháp luật cho hòa giải viên ở cơ sở, 1.432 cuốn sổ theo dõi hoạt động hòa giải theo quy định của Bộ Tư pháp, cấp phát 222 cuốn sổ tay pháp luật. Từ tháng 01/2014 đến nay, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 13.666 vụ việc, trong đó hòa giải thành 11.784 vụ việc (đạt 86,22%).

Đánh giá cao kết quả hoạt động hòa giải ở cơ sở, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục làm tốt công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, nhất là có những cải biến mang tính đột phá để đáp ứng tốt nhiệm vụ hòa giải trong thời kỳ mới. Các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên.

Kết luận hội nghị, hay mặt Ban tổ chức, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, Ban tổ chức sẽ tổng hợp, tham mưu với các cấp chính quyền trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật, các quy định, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới.
Ngân Vũ
Các tin đã đưa ngày: