Để phát huy những mặt tích cực, đẩy mạnh hơn nữa công tác hoà giải ở cơ sở, góp phần đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới” đi vào chiều sâu, khắc phục những hạn chế, tồn tại của công tác hoà giải ở cơ sở trong thời gian tới, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10/2012/CT-UBND ngày 25 tháng 4 năm 2012 về việc tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở, Theo đó Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
- Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác hoà giải ở cơ sở, nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác hoà giải ở cơ sở. Xác định công tác hòa giải là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần tích cực vào việc đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng, khu dân cư.
- Củng cố, kiện toàn tổ chức hoà giải ở cơ sở: Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn rà soát, thống kê tình hình tổ chức, số lượng thành viên tổ hoà giải, làm cơ sở đánh giá và nhân rộng mô hình hoà giải ở cơ sở đang hoạt động có hiệu quả trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ hoà giải, bảo đảm mỗi thôn, bản, tổ dân phố và các khu dân cư có ít nhất một tổ hoà giải.
- Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Luật gia, Hội Nông dân, Hội người cao tuổi của tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn phối hợp với các cơ quan Tư pháp cùng cấp trong việc củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động hoà giải ở cơ sở; động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho thành viên, hội viên cùng toàn thể nhân dân tham gia tích cực vào hoạt động hoà giải.
- Sở Tư pháp có trách nhiệm: Tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, củng cố về tổ chức và hoạt động cho mạng lưới tổ hoà giải. Đề xuất việc đầu tư trang bị sách, tài liệu pháp luật cho Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn; nghiên cứu áp dụng rộng rãi việc xây dựng mô hình Tủ sách pháp luật tại điểm Bưu điện văn hoá xã, Nhà văn hoá khu dân cư và tại dòng họ, gia đình, tạo điều kiện để các hoà giải viên có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu nhằm nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở. Định kỳ 5 năm một lần, tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội thi “Hoà giải viên giỏi”; Bố trí công chức phụ trách, theo dõi về công tác hoà giải một cách hợp lý. Tăng cường hướng dẫn và tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các Tổ hoà giải ở cơ sở; Chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tích cực tham gia hoạt động hoà giải ở cơ sở thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý tại địa bàn; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và Tổ hoà giải ở cơ sở.
- Sở Nội vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tiến hành rà soát đội ngũ công chức làm công tác Tư pháp ở các cấp; tham mưu đề xuất bổ sung biên chế, đảm bảo đủ cán bộ để thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động hoà giải ở cơ sở theo quy định.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hoà giải ở cơ sở: Tăng cường sự phối hợp giữa tổ hoà giải với Ban công tác Mặt trận, Chi hội phụ nữ, Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Nông dân trong hoạt động hoà giải ở cơ sở; Khuyến khích đội ngũ Luật sư, Luật gia và những người am hiểu pháp luật tham gia vào các hoạt động hoà giải ở cơ sở; Phấn đấu hàng năm có trên 90% tổ hoà giải hoạt động có hiệu quả, vụ việc hoà giải thành đạt trên 88%.
- Tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác hoà giải ở cơ sở: Uỷ ban nhân dân các cấp tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, huy động nguồn kinh phí của các tổ chức, cá nhân cho hoạt động hoà giải ở cơ sở.
- Sở Tư pháp phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn xây dựng, kiểm tra việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho hoạt động hoà giải ở cơ sở theo quy định tại Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTP-BTC ngày 14/5/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Thực hiện công tác kiểm tra và chế độ thông tin, báo cáo, sơ kết, tổng kết, khen thưởng đối với công tác hoà giải ở cơ sở./.
Tô Thị Thanh Mai – Sở Tư pháp Yên Bái