Liên kết website

Quảng Trị: Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật

05/08/2022

Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có bước chuyển biến căn bản và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Với tinh thần chủ động và trách nhiệm, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị trên toàn tỉnh đã bám sát nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành, huy động tối đa nguồn lực, nhân lực, các mô hình, cách làm sáng tạo, linh hoạt, từ đó, đã triển khai thực hiện, hoàn thành tốt, hiệu quả, chất lượng các nhiệm vụ được giao trong công tác giáo dục pháp luật theo chỉ đạo của Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, mục tiêu chính trị - xã hội của địa phương. Đặc biệt, sau 10 năm thực hiện Luật PBGDPL, công tác này đã thu hút được sự tham gia vào cuộc của các cấp, các ngành trên địa bàn toàn tỉnh, phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong việc phối hợp triển khai công tác PBGDPL một cách thống nhất, toàn diện với nhiều kết quả nổi bật, điển hình.

1. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã đi vào nề nếp, có trọng tâm, trọng điểm: Hàng năm, Ủy ban nhân tỉnh tỉnh đều ban hành Kế hoạch, công văn hướng dẫn triển khai thực hiện công tác PBGDPL nói chung và Luật PBGDPL, cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành nói riêng. Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã căn cứ vào văn bản chỉ đạo của tỉnh để ban hành các văn bản triển khai nhiệm vụ PBGDPL phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương. Sự kịp thời, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành công tác PBGDPL tại tỉnh giúp đưa công tác này thực hiện bài bản, có định hướng rõ ràng.
2. Đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng hiện đại hóa, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL: Việc phổ biến, tuyên truyền Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng như: Hội nghị, thảo luận tại các cuộc họp, lồng ghép vào sinh hoạt của các cơ quan, đơn vị, địa phương; tuyên truyền pháp luật thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở; các chuyên trang, chuyên mục Pháp luật và Đời sống, các tin bài, cấp phát tờ gấp pháp luật; xây dựng tiểu phẩm tình huống pháp luật và phát trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội zalo, facebook; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật: Tỉnh Quảng Trị đã tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức sân khấu (Tìm hiểu chương trình cải cách hành chính), thi viết (Tìm hiểu Hiến pháp 2013, Tìm hiểu pháp luật phòng chống tham nhũng), thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, thông qua hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.....
Tỉnh đã chú trọng việc cung cấp thông tin về pháp luật cho công dân: Tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về pháp luật; thường xuyên cập nhật, đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật mới trên Cổng thông tin của tỉnh, sở, ngành; bảo đảm tính công khai, minh bạch, đầy đủ để mọi người dễ dàng tiếp cận, khai thác, sử dụng miễn phí. Hầu hết các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện đã có Trang thông tin điện tử và đã thực hiện đăng tải văn bản pháp luật, thông tin pháp luật trên trang, điển hình như: Sở Giáo dục và Đào tạo đã mở chuyên mục phổ biến pháp luật trên trang website của Sở; Sở Ngoại vụ khai thác miễn phí thông tin qua Trang thông tin điện tử, đã đăng tải các tin, bài liên quan đến hoạt động của ngành, các văn bản chỉ đạo điều hành; Sở Tài chính, Thanh tra tỉnh đã ký hợp đồng với thư viện pháp luật để cung cấp dịch vụ tiếp cận pháp luật cho cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan; Thanh tra tỉnh thường xuyên theo dõi và giải đáp thắc mắc các quy định pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo cho tổ chức, cá nhân qua Cổng Thông tin điện tử Thanh tra tỉnh; cập nhật và phổ biến kịp thời các văn bản pháp luật ban hành mới thuộc các lĩnh vực chuyên môn của Thanh tra tỉnh lên trang thông tin điện tử của cơ quan để cung cấp thông tin kịp thời cho tổ chức, cá nhân khi đến liên hệ công tác; Sở Xây dựng đã nâng cấp website, đảm bảo khả năng truy cập nhanh, thuận tiện tra cứu thông tin.
Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, là một công cụ hữu hiệu để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền, PBGDPL trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình... là một hình thức phù hợp với thực tiễn và xu hướng tiếp cận thông tin trong điều kiện hiện nay.
3. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật đã tập trung vào các vấn đề mới, nóng, dư luận xã hội quan tâm: Những vấn đề mới, nóng, dư luận xã hội quan tâm qua các năm được chỉ đạo phổ biến pháp luật liên quan kịp thời, đó là pháp luật về đất đai; chính sách bồi thường khi giải phóng mặt bằng; trật tự xây dựng; lao động; chủ quyền biển đảo; hôn nhân và gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống ma túy; phòng, chống tín dụng đen; sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; sử dụng pháo trái phép; sử dụng mạng xã hội; phòng, chống dịch bệnh Covid-19; bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản; gây tiếng ồn trong khu dân cư...
Cùng với việc phổ biến, giáo dục pháp luật, các sở, ban, ngành và địa phương đã tập trung giáo dục về lợi ích của việc chấp hành pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân. Từ đó hình thành niềm tin vào công lý, nâng cao ý thức bảo vệ pháp luật; đồng thời, thực hiện việc nêu gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng để lan tỏa nhận ý thức chấp hành pháp luật.
4. Kết quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL và thành viên Hội đồng: Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện được kiện toàn thường xuyên, giúp công tác này được triển khai thông suốt, không bị gián đoạn khi có sự thay đổi thành viên.
Hội đồng PBGDPL tỉnh, cấp huyện đã tham gia tích cực vào việc tư vấn cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp về xây dựng Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm và các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương, huy động nguồn lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật…Hoạt động của Hội đồng được thực hiện đảm bảo theo quy định; các cơ quan, đơn vị đã chủ động phối hợp chặt chẽ trong công tác PBGDPL và xem đây là một nhiệm vụ chung trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.       
5. Kết quả triển khai hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Bên cạnh việc ban hành các Kế hoạch, hướng dẫn hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh khuyến khích các sở, ban, ngành, Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện, thị xã, thành phố tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam theo hướng đổi mới, sáng tạo các hình thức PBGDPL. Nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp đã gắn với việc quán triệt triển khai thi hành Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội tỉnh đảng bộ lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội đảng các cấp, phổ biến các văn bản Luật có liên quan trực tiếp đến đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương. Các sở, ban, ngành, đoàn thể; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động lựa chọn các hình thức phù hợp để triển khai, phổ biến các Luật mới ban hành, văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý, lĩnh vực hoạt động của đơn vị mình; việc tuyên truyền, phổ biến được thực hiện dưới nhiều hình thức như hội nghị, tuyên truyền bằng trực quan (khẩu hiệu, băng rôn, biểu ngữ); qua các trang thông tin điện tử; sử dụng mạng lưới loa truyền thanh cơ sở; ngày hội pháp luật; thiết lập chuyên trang, chuyên mục phát thanh, truyền hình để tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tổ chức các tọa đàm, hội thảo về thực thi pháp luật; áp phích, pa-nô, băng rôn, cờ, phướn trên đường phố chính, khu trung tâm, cơ quan, đơn vị, trường học, địa điểm công cộng; ra quân tình nguyện, hoạt động giáo dục ngoại khóa ngoài giờ lên lớp; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý.
6. Sự vào cuộc của các sở, ban, ngành trong toàn tỉnh để triển khai Luật PBGDPL: Sở Tư pháp phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Trị thực hiện chuyên mục “Pháp luật và đời sống”, trong đó có sự tham gia phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực phổ biến, các địa phương. Báo Quảng Trị mở các chuyên trang tuyên truyền về Luật Đất đai, Luật Bầu cử... và thực hiện  tuyên truyền pháp luật thông qua các bài viết, phóng sự..
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý cảng cá tuyên truyền qua loa phóng thanh về Luật Thủy sản, các văn bản liên quan khai thác thủy sản của tàu cá, hoạt động IUU. Các bảng pano, áp phích tuyên truyền pháp luật là trực quan sinh động tác động đến các giác quan, giúp cho người dân ghi nhớ một cách tự nhiên, thấm dần các kiến thức pháp luật.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh Niên, Hội Cựu chiến, binh, Hội Nông dân thực hiện PBGDPL lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở.
Tỉnh Đoàn tổ chức học tập pháp luật thông qua hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ, sân chơi tuyên truyền pháp luật, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trong nhà trường và trên địa bàn dân cư. Chỉ đạo 100% tổ chức cơ sở đoàn đưa hoạt động truyền thông phòng, chống  ma tuý, tội phạm, tệ nạn xã hội lồng ghép vào chương trình công tác đoàn. Chỉ đạo Đoàn thanh niên cấp huyện phối hợp với Công an cùng cấp triển khai mô hình  “ Khu dân cư không có thanh niên nghiện ma tuý, mắc tệ nạn xã hội”. Thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của CLB “Thắp sáng niềm tin”, “Tuổi trẻ với pháp luật”. Chỉ đạo Đoàn trường học xây dựng Câu lạc bộ phòng, chống ma tuý trong trường học và ký cam kết “3 không” (không sử dụng ma tuý; không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma tuý; không dung túng, bao che cho tội phạm, tệ nạn ma tuý).
Thông qua chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân: Sở Giáo dục và Đào tạo đã chú trọng công tác giảng dạy chính khóa các nội dung pháp luật trong bộ môn giáo dục công dân và giảng dạy lồng ghép trong các môn học khác. Hình thức này có hiệu quả rất cao, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật cho công dân tương lai từ rất sớm, hình thành thói quen sống và làm việc theo pháp luật.
Công an tỉnh: Tổ chức họp dân tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh cho 1.084 cuộc tại các khu dân cư, doanh nghiệp, trường học với 11.292 lượt người tham gia. Kết hợp giáo dục, răn đe 402 đối tượng hình sự, ma tuý, thanh niên vi phạm pháp luật, đăng tải 1.658 bài viết, 370 tin có liên quan đến văn bản pháp luật. In ấn và phát hành 17.280 tài liệu đến tận cơ sở. Tổ chức ký cam kết bảo đảm an ninh trật tự, không buôn bán hàng cấm, tàng trữ, sử dụng, vận chuyển, buôn bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đồ chơi nguy hiểm. Các trang mạng xã hội như: “Trị an viên”, “Tre xanh”, “Góc cảnh giác”, “Loa làng”, “Phòng chống tội phạm công nghệ cao”... đã đăng tải và chia sẻ hàng trăm tin, bài, hình ảnh liên quan đến công tác PBBGDPL với phạm vi ngày càng rộng, số lượng và chất lượng ngày càng tăng.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực biên giới tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngăn chặn các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép từ nước bạn qua nước ta với sự tham gia của 45.359 người tham gia; in ấn và phát hành 25.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của 206 tổ tự quản an ninh trật tự.
7. Các mô hình mới, cách làm hiệu quả, sáng tạo được áp dụng trong thời gian qua: Mô hình “Câu lạc bộ ông bà mẫu mực con cháu thảo hiền” (Huyện Vĩnh Linh);  mô hình “Ông bà mẫu mực trong việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và con cháu nêu gương ông, bà, cha, mẹ” (thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang). Sự ra đời của Câu lạc bộ đã phần nào hạn chế được xích mích, mâu thuẫn trong các gia đình, gia đình sống hòa thuận, con cháu hiếu thảo với ông, bà, cha mẹ. Tình làng, nghĩa xóm được gắn kết, đùm bọc yêu thương nhau trong hoạn nạn, tình trạng khiếu kiện vượt cấp, mất an ninh trật tự thôn xóm đã được đẩy lùi.
Thành phố Đông Hà có mô hình PBGDPL thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, các câu lạc bộ như “Tuổi trẻ và pháp luật” ở các phường 2, phường 4, phường Đông Lương; mô hình PBGDPL thông qua tư vấn pháp luật (Phòng Tư pháp đã phối hợp Văn phòng HĐND&UBND thành phố xây dựng chuyên mục trên trang thông tin điện tử thành phố để thực hiện công tác tuyên truyền PBGDPL, giải đáp thắc mắc về thủ tục hành chính cho nhân dân trên địa bàn).
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn các mô hình tuyên truyền pháp luật có hiệu quả như: “Khu phố không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, “ Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội ”; mô hình “Giảm tình trạng tảo hôn ở huyện miền núi Đakrông”; mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”.
Hội Liên hiệp phụ nữ có các mô hình “Không có con em và người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” tại Chi hội An Trú, xã Triệu Tài, (huyện Triệu Phong); “Gia đình hội viên phụ nữ không vi phạm pháp luật” tại xã Hải Quế, Hải Sơn, Hải Thành huyện Hải lăng; thôn không có tội phạm tại xã Mò Ó, huyện Đakrông; “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, “Gia đình hội viên phụ nữ không vi phạm pháp luật” thuộc huyện Hải Lăng; mô hình “Giáo dục con em trong gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hôi - An toàn giao thông” tại thôn Trúc Lâm, xã Gio Quang, huyện Gio Linh”...Các cấp Hội duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động 250 Câu lạc bộ phòng chống tội phạm, mô hình “Chi hội, tổ phụ nữ không có con em vi phạm pháp luật và ttẹ nạn xã hội” với 13.848 thành viên. Tại các câu lạc bộ, Hội phối hợp với Công an tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, tín dụng đen, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Các mô hình này hoạt động có hiệu quả, dần đi vào chiều sâu, góp phần hạn chế tệ nạn xã hội. Thông qua hoạt động của các mô hình các hội viên được tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thông qua cách tiếp cận này các hội viên sẽ truyền đạt các kiến thức được tiếp nhận đến người dân trên địa bàn.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: Chưa thu hút được nguồn xã hội hóa công tác PBGDPL, công tác PBGDPL một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên, hình thức chưa phong phú, cán bộ làm công tác pháp chế của các ngành chủ yếu là kiêm nhiệm nên không có nhiều thời gian, điều kiện để thực hiện công việc tuyên truyền PBGDPL, đội ngũ báo cáo viên pháp luật cho người khuyết tật và người dân tộc thiểu số còn hạn chế, kinh phí dành cho công tác PBGDPL chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Để công tác này đi vào thực chất, phù hợp hơn với điều kiện, tình hình kinh tế hiện nay, tỉnh Quảng Trị đề xuất Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung các quy định về phụ cấp định kỳ cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; chính sách ưu tiên sử dụng người biết tiếng dân tộc thiểu số, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số tham gia công tác PBGDPL, quy định riêng đối với báo cáo viên pháp luật cho người khuyết tật và cho người dân tộc thiểu số mà không biết hoặc khó khăn trong việc sử dụng tiếng phổ thông để động viên, khuyến khích đội ngũ này phát huy vai trò trong công tác PBGDPL; sửa đổi bổ sung Thông tư liên tịch số: 14/2014/TTLT-BTC-BTP và 100/ 2014/TTLT-BTC-BTP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật, hòa giải ở cơ sở./.
Đinh Quỳnh Mây
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: