Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật (PBGDPL) đến đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới ở Nghệ An còn gặp rất nhiều khó khăn bởi đời sống kinh tế - xã hội của bà con còn nghèo nàn, lạc hậu, trình độ dân trí chưa cao. Do nhận thức pháp luật hạn chế nên bà con dễ bị đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép ma túy, mua bán người…
Bên cạnh đó, điều kiện, nguồn lực để triển khai thực hiện công tác PBGDPL cho người dân vùng biên còn thiếu, nhất là về kinh phí nên các hoạt động tuyên truyền PBGDPL tại thôn, bản, vùng sâu, vùng xa chưa nhiều, chưa thường xuyên hoặc chưa đạt chất lượng như mong muốn. Đội ngũ làm công tác tuyên truyền PBGDPL ở cơ sở còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng…
Nhận thức rõ thực trạng, UBND tỉnh Nghệ An đã tập trung chỉ đạo các huyện miền núi, biên giới tăng cường công tác PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp để người dân dễ tiếp thu và tuân thủ.
Từ thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ đã xuất hiện nhiều mô hình tuyên truyền sáng tạo, có hiệu quả, từ đó góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, phòng ngừa các hành vi vi pháp luật trong bà con dân bản. Đơn cử như “Bản tin vùng biên” phát bằng tiếng đồng bào và tiếng phổ thông trên hệ thống truyền thanh của các bản làng; mô hình “Tiết học vùng biên”; “Lá chắn phòng chống mua bán người”... Cùng với đó, hình thức tuyên truyền trực quan thông qua các phiên tòa giả định, vụ án xét xử lưu động hay hoạt động trợ giúp pháp lý đến tận xã cũng đã được tổ chức.
Xã biên giới Mường Típ, huyện Kỳ Sơn có địa hình phức tạp, hiểm trở, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Khơ Mú và Thái sinh sống. Chính quyền địa phương đã phối hợp với lượng chức năng tăng cường bám địa bàn, bám dân, đến từng nhà, rà từng chòi rẫy, thông qua các cuộc họp bản, người có uy tín... tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh vận động các hộ dân ký cam kết thực hiện quy chế biên giới, không phát nương, làm rẫy, xâm canh trái phép, xã Mường Típ cũng duy trì hoạt động có hiệu quả 9 tổ tự quản đường biên, cột mốc và 9 tổ tự quản về an ninh, trật tự thôn, bản.
Còn tại xã biên giới Thanh Thủy (Thanh Chương, Nghệ An) vốn là địa bàn có diễn biến phức tạp về an ninh trật tự, từng xuất hiện nhiều loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm về ma túy, trộm cắp… Trước thực tế đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp với đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân. Xã thành lập 2 tổ tuyên truyền phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật cho người dân, kết hợp với sử dụng các kênh tuyên truyền qua mạng xã hội…
Từ thực tiễn công tác tuyên truyền PBGDPL cho thấy với những cách làm mới mẻ, sáng tạo, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã đến gần với đồng bào các dân tộc thiểu số; các quy định của pháp luật đã “thấm” đến được với bà con. Từ chỗ được đả thông tư tưởng, tăng cường sự hiểu biết cần thiết, người dân từng bước nâng cao ý thức chấp hành và nhắc nhở nhau không vi phạm pháp luật, không để bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ thực hiện các hành vi trái pháp luật.
Để công tác tuyên truyền, PBGDPL sâu, rộng, hiệu quả tới từng người dân, từng bản làng, bà Nguyễn Thùy Dương - Phó phòng Tuyên truyền PBGDPL, Sở Tư pháp Nghệ An cho rằng, cần tiếp tục củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền; phát huy tốt vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần nghiên cứu để có chế độ chính sách hợp lý đối với đội ngũ cán bộ thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL tới người dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam