Về công tác chỉ đạo, điều hành: Ngay sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở được ban hành, Uỷ ban nhân dân tỉnh (UBND tỉnh) đã ban hành Quyết định số 362/QĐ-UBND ngày 20/11/2013 về triển khai thực hiện Luật; Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 166/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 quy định mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh ban hành Chỉ thị số 02/CT-TU ngày 04/12/2020 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, trong đó đề nghị các cấp ủy, chính quyền chú trọng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Tham mưu UBND tỉnh thực hiện công tác này, Sở Tư pháp đã thường xuyên hướng dẫn các địa phương trong thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở. Hàng năm 100% đơn vị cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn dưới các hình thức như: Chương trình, Kế hoạch, Công văn…
UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận với cơ quan Tư pháp trong công tác hòa giải ở cơ sở để nâng cao chất lượng công tác này. Ủy ban MTTQ và UBND cấp huyện đã phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn cấp xã đưa nội dung thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở vào xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. UBMTTQ các cấp cũng đã quan tâm, lồng ghép hoạt động hòa giải ở cơ sở trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động do UBMTTQ phát động nhằm gắn công tác hòa giải ở cơ sở với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Về công tác tuyên truyền, phổ biến Luật: Trong 10 năm, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 300 hội nghị có nội dung tuyên truyền các quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng “Chương trình Pháp luật và Đời sống” với chuyên đề về công tác hòa giải ở cơ sở. Chương trình đã tập trung tuyên truyền pháp luật về hòa giải ở cơ sở, phản ánh tình hình thực hiện công tác này trên địa bàn tỉnh và đã nhận được sự quan tâm theo dõi của Nhân dân.
Đặc biệt, gắn với công tác tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở, UBND tỉnh đã đã 2 lần tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi dưới hình thức sân khấu hóa (năm 2018 và năm 2023). Để lựa chọn đội thi xuất sắc tham gia Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc do Trung ương tổ chức. Ngày 18/8/2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi của tỉnh. Đã có 13 đội thi và 39 Hòa giải viên tiêu biểu đại diện cho gần 2.000 hòa giải viên trên địa bàn toàn tỉnh tham gia Hội thi. Các đội thi đã mang đến những phần thi ấn tượng, có ý nghĩa lồng ghép nhiều hình thức khác nhau về đặc trưng của địa phương và công tác hòa giải cơ sở. Với hình thức sân khấu hóa khéo léo tuyên truyền một cách sinh động, hội thi mang lại ấn tượng tốt đẹp trong việc hòa giải các mâu thuẫn phát sinh từ thực tế hằng ngày. Hội thi là cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cho hòa giải viên nâng cao chất lượng công tác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở: Đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh có 1.964 tổ hòa giải với 13.031 hòa giải viên. Trong 10 năm, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 14.944 vụ, việc, trong đó đã hòa giải thành 12.333 vụ việc, đạt tỷ lệ 82,5%. Thông qua hoạt động hòa giải đã góp phần duy trì, củng cố sự đoàn kết trong nội bộ Nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong cộng đồng dân cư.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho hòa giải viên: Trong 10 năm qua, Sở Tư pháp đã tổ chức khoảng 60 Hội nghị, UBND cấp huyện tổ chức gần 350 hội nghị, trong đó đã tập trung trang bị kiến thức pháp luật về quy trình hòa giải, pháp luật trên các lĩnh vực thường gặp trong công tác hòa giải ở cơ sở như dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình…
Sở Tư pháp đã xây dựng, cấp phát 4.000 cuốn tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ dành cho hòa giải viên ở cơ sở, 4.000 cuốn Sổ tay dành cho hòa giải viên ở cơ sở, trong các tài liệu vừa giới thiệu các quy định của pháp luật về hòa giải và giới thiệu các kỹ năng cần thiết trong quá trình hòa giải các vụ việc. Sở Tư pháp còn xây dựng và cấp phát đĩa tuyên truyền các tiểu phẩm hòa giải để các xã, phường, thị trấn sao lưu, phát cho các tổ hòa giải làm tài liệu phổ biến, tuyên truyền. Hàng năm, phòng Tư pháp cấp huyện cũng tổ chức biên soạn đề cương các văn bản mới và các chính sách quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân cấp phát cho hòa giải viên cơ sở.Từ năm 2014 đến nay, UBND cấp huyện, cấp xã cấp phát gần 40 ngàn tài liệu pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.
Nhận thức được vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của cán bộ, Nhân dân công tác hòa giải ở cơ sở được nâng lên rõ rệt. Công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở ngày càng được chú trọng và nâng cao về chất lượng, đảm bảo hướng dẫn kịp thời, theo dõi, kiểm tra thường xuyên, khen thưởng khách quan theo đúng quy định. Hà Tĩnh đã chú trọng huy động sự tham gia của những người có uy tín, kinh nghiệm, kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải tham gia vào công tác hòa giải ở cơ sở. Thông qua hoạt động hòa giải đã góp phần duy trì, củng cố sự đoàn kết trong nội bộ Nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong cộng đồng dân cư. Việc hòa giải thành còn góp phần hạn chế đơn thư, khiếu kiện lên cơ quan cấp trên và Toà án, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân./.
Vi Sa
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật