Liên kết website

Những cố gắng đáng ghi nhận về công tác Hòa giải ở cơ sở tại một tỉnh nghèo miền núi – Lai Châu

04/01/2024

Trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã tiến hành hòa giải 10.146 vụ, việc và hòa giải thành 8.949. Có được kết quả trên là do công tác hòa giải ở cơ sở đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, sự nhiệt tình, trách nhiệm của 957 tổ hòa giải ở cơ sở với 5.215 hòa giải viên trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Công tác chỉ đạo, điều hành: Thực hiện Thông tư liên tịch số 100/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu đã bàn hành Nghị quyết số 118/2014/NQ-HĐND ngày 10/12/2014, quy định cụ thể một số mức chi có tính chất đặc thù thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở trên địa bàn.
Hằng năm, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong đó chỉ đạo UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở và trực tiếp ban hành văn bản hướng dẫn việc triển khai thực hiện. Trên cơ sở Kế hoạch của UBND tỉnh, 08/08 huyện, thành phố đều xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật hòa giải ở cơ sở, đồng thời chỉ đạo UBND cấp xã đưa vào tổ chức thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở.
Về công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành: Trên địa bàn tỉnh được thực hiện thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Hội nghị triển khai luật; các hội nghị, các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp tài liệu, các tin bàn qua hệ thống phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thành ở cơ sở… Toàn tỉnh đã tổ tuyên truyền pháp luật về hòa giải được 6.102 cuộc cho 275.400 lượt người.
Sở Tư pháp đã phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng như Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Lai Châu thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở với trên 40 tin, bài. Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể, UBND các huyện, thành phố đã đăng tải các tin, bài, tài liệu nghiệp vụ, Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ và nhân dân và hòa giải viên trên địa bàn nghiên cứu.
Năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi trên địa bàn tỉnh để tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở, đồng thời biểu dương và tôn vinh những điển hình xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở; góp phần thực hiện có hiệu quả Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Sở Tư pháp đã biên soạn và phát hành 30 số Bản tin tư pháp, mỗi số 300 cuốn cho Tủ sách pháp luật cấp xã trong đó có tin, bài, văn bản pháp luật về hòa giải; biên soạn, phát hành và đăng tải 948 sách Tìm hiểu pháp luật trên Trang thông tin điện tử tổng hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh để thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân tra cứu …
Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở: Toàn tỉnh hiện có 957 tổ hòa giải ở cơ sở với 5.215 hòa giải viên, tại các huyện và thành phố. Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2014 đến tháng 6/2023, trung bình mỗi năm các hòa giải viên hòa giải trên 10.000 vụ, việc mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư. Lĩnh vực hòa giải chủ yếu về dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình, mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở luôn được quan tâm. Trong 10 năm toàn tỉnh đã tổ chức 93 hội nghị, lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hòa giải cho 3.420 lượt hòa giải viên. Sở Tư pháp đã biên soạn, cung cấp tài liệu phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn luôn được chú trọng. Sở Tư pháp đã biên soạn và phát hành trên 2.700 cuốn Sổ tay hòa giải ở cơ sở, cung cấp trên 270.000 tờ gấp pháp luật cấp phát cho các Tổ hòa giải ở cơ sở và người dân trên địa bàn tỉnh.
Về phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận với cơ quan Tư pháp trong công tác hòa giải ở cơ sở
Thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTWMTTQVN ngày 08/11/2014, trong 10 năm qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội đã phối hợp với cơ quan Tư pháp trong thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, phối hợp quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác hòa giải ở cơ sở trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên về vai trò, vị trí, ý nghĩa quan trọng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở; khuyến khích, động viên các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư tham gia vào công tác hòa giải ở cơ sở.
Việc thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đánh dấu một bước phát triển mới quan trọng trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi mà các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong đời sống của cộng đồng dân cư ngày càng phức tạp; hàng ngàn mâu thuẫn, tranh chấp, xích mích trong nhân dân trên địa bàn tỉnh được các hòa giải viên kịp thời phát hiện và tiến hành hòa giải, góp phần giải quyết tận gốc các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ; giữ gìn, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân; góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn bình yên thôn xóm, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật./.
Vi Sa
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: