Đánh giá trong hơn 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ: các tổ hòa giải thường xuyên được củng cố kiện toàn, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 2.214 tổ hòa giải với tổng số 12.977 hòa giải viên, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã giúp chính quyền địa phương giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Tuy nhiên, công tác này tại Đắk Lắk vẫn còn những tồn tại như: tỷ lệ hòa giải của tỉnh Đắk Lắk còn thấp so với cả nước (năm 2022, đạt 71%; năm 2023, đạt 76,4% so với tỷ lệ hoà giải thành trung bình của cả nước là 82 %); chưa có vụ việc được gửi đến Tòa án để công nhận hoà giải thành; nhiều hòa giải viên còn hạn chế về kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải, vẫn còn hòa giải viên có tâm lý ngại va chạm, chưa mạnh dạn trong việc phân tích, thuyết phục các bên; việc thu hút người có kiến thức pháp luật, có uy tín tham gia vào công tác hòa giải ở cơ sở chưa được chú trọng triển khai; kinh phí bảo đảm cho công tác hòa giải ở cơ sở còn khó khăn…
Để khắc phục thực trạng trên, nhằm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Hoà giải ở cơ sở và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, nâng cao tỷ lệ hoà giải thành và năng lực hòa giải của đội ngũ hòa giải viên của tỉnh, góp phần quan trọng trong giữ gìn an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan ở tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai các nội dung công việc cụ thể như sau:
Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, địa phương về thực hiện công tác hòa giải nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là người dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác này; từ đó sử dụng ngày càng nhiều hơn biện pháp hòa giải trong giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư.
Giao Sở Tư pháp rà soát quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản khác có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về cơ chế, chính sách phù hợp đối với hòa giải viên ở cơ sở; chỉ đạo, tổ chức rà soát, đánh giá, kiện toàn tổ hòa giải; triển khai có hiệu quả Đề án
“Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030”; Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở, lồng ghép kỹ năng dân vận khéo trong hòa giải ở cơ sở để nâng cao trình độ, năng lực của hòa giải viên; phát huy vai trò của đội ngũ tập huấn viên hòa giải ở cơ sở tại địa phương trong việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên; hướng dẫn tổ chức phát động phong trào thi đua thường xuyên trong công tác hòa giải; tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết hoạt động hòa giải trên địa bàn tỉnh; đề xuất cấp có thẩm quyền tôn vinh, khen thưởng kịp thời hòa giải viên và các tổ chức, cá nhân tích cực, có nhiều đóng góp, thành tích xuất sắc trong hoạt động hòa giải.
Giao Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp hướng dẫn, tổ chức thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành trong phạm vi quản lý. Xác định công tác hòa giải ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nông thôn mới; phổ biến, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả; rà soát, kiện toàn đội ngũ tập huấn viên cấp huyện; đa dạng hóa các hình thức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên; thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác hòa giải ở cơ sở; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, khen thưởng về công tác hòa giải; khuyến khích đội ngũ luật gia, người đang và đã từng là công chức trong cơ quan tiến hành tố tụng, tuyên truyền viên pháp luật đang thường trú ở cơ sở tham gia làm hòa giải viên hoặc hỗ trợ pháp lý cho tổ hòa giải ở cơ sở; bảo đảm kinh phí, hỗ trợ các nguồn lực cần thiết cho công tác hòa giải ở cơ sở đặc biệt quan tâm bố trí đủ nguồn kinh phí chi thù lao vụ, việc hòa giải cho hòa giải viên tại địa phương theo đúng quy định; huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở.
Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm định hướng các cơ quan báo chí, thông tin truyền thông triển khai tuyên truyền sâu, rộng về vai trò, ý nghĩa, kết quả công tác hòa giải ở cơ sở; các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác này và gương hòa giải viên giỏi.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp và ngành Tư pháp thực hiện hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động Nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; khuyến khích thành viên, hội viên và Nhân dân giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thông qua hòa giải ở cơ sở, xây dựng lối sống lành mạnh, góp phần giảm thiểu những tranh chấp trong Nhân dân; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là cấp ở cơ sở trong hướng dẫn, thực hiện giới thiệu, lựa chọn người có uy tín, năng lực tham gia làm hòa giải viên.
Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp cung cấp tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ tập huấn viên cấp huyện và hòa giải viên ở cơ sở; huy động Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, luật gia, luật sư hỗ trợ tổ hòa giải ở cơ sở./.