Liên kết website

Một số kết quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, triển khai Quyết định số 407/QĐ-TTg và Quyết định số 977/QĐ-TTg tại TP. Hồ Chí Minh

26/09/2024

Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng đổi mới về nội dung lẫn hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đảm bảo phù hợp đặc điểm của từng nhóm đối tượng và địa bàn. Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành các văn bản quan trọng, có tính định hướng triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật như: Chỉ thị số 13/2013/CT-UBND ngày 03/8/2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố về triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Kế hoạch số 2389/KH-UBND ngày 20/7/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố triển khai thực hiện Kết luận số 80-KL/TW và Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Công văn số 460/UBND-NCPC ngày 16/02/2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc định hướng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2022 - 2027 trên địa bàn Thành phố… Hàng năm, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành nhiều văn bản hướng dẫn trọng tâm phổ biến, giáo dục pháp luật, ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam; Kế hoạch triển khai các Đề án về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật v.v…

Các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố và Ủy ban nhân dân các cấp đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực và điều kiện đặc thù qua phát hành tài liệu trên Cổng thông tin điện tử Tuyên truyền, phổ biến pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh (tuyentruyenphapluat.tphcm.gov.vn); tổ chức hội nghị trực tuyến, thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; sử dụng facebook, youtube, zalo….để phổ biến, giáo dục pháp luật.
Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm, có hiệu quả về phổ biến, giáo dục pháp luật được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm nghiên cứu thực hiện, lựa chọn như: Mô hình “Sách nói pháp luật” dành cho người khiếm thị do Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Quỹ Từ thiện sách nói thực hiện đăng tải các chương trình trên website (sachnoionline.com); Chương trình MP3 của Quận Tân Phú dành cho người khuyết tật; ứng dụng tra cứu thủ tục hành chính thông qua mã QR Code trên điện thoại thông minh của Quận 11; xây dựng các video clip phổ biến, giáo dục pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Công an Thành phố; chương trình phát thanh hằng ngày về phổ biến, giáo dục pháp luật trên Kênh FM 95,6 MHz của Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố; chương trình ca kịch “Chuyện cần biết” tuyên truyền pháp luật của Thành Đoàn Thành phố, Ngày Hội pháp luật...
Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” (Đề án 407), Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án hàng năm, Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 15/04/2024 về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, biên soạn được 252 tờ gấp pháp luật, đề cương tuyên truyền liên quan đến dự thảo luật; các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã mở chuyên mục “Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật” trên các Cổng/Trang thông tin điện tử (Fanpage Facebook, Zalo Official) của quận, huyện, thành phố Thủ Đức; xây dựng đường link góp ý trực tuyến thông qua ứng dụng google form;... Ngoài ra, các cơ quan báo, đài Thành phố tham gia tích cực công tác truyền thông trong quá trình xây dựng dự thảo chính sách bằng nhiều hình thức như: tin, bài, phóng sự; tổ chức các diễn đàn lấy ý kiến người dân; xây dựng các chuyên mục riêng như: Báo Sài Gòn Giải Phóng (Chuyên mục “Pháp luật”, “Xã hội”); Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố (Chương trình Thành phố hôm nay, Hướng đến một nền hành chính hiệu quả, Vì Thành phố có chất lượng sống tốt, An ninh đời sống, Công dân và Pháp luật, Quốc phòng toàn dân); Đài Truyền hình Thành phố (Chương trình Chính sách và đời sống, Trên đường hội nhập, chương trình 60 giây, Thành phố của Tôi); Báo Pháp luật Thành phố (Chuyên mục “Pháp luật”, “Pháp luật và Cuộc sống”); Báo Tuổi trẻ (Chuyên mục “Pháp luật”)…
Triển khai Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường tiếp cận pháp luật của người dân” (Đề án 977) Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án, ban hành văn bản chỉ đạo thu hút người có uy tín, có kiến thức pháp luật tham gia hòa giải ở cơ sở, góp phần nhân rộng mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở. Từ năm 2023 đến nay, đội ngũ hòa giải viên đã hoạt động rất tích cực, chủ động, giải quyết được nhiều vụ việc hòa giải thành. Toàn Thành phố có 2.121 tổ hòa giải với 11.155 hòa giải viên; năm 2023, các tổ hòa giải tiếp nhận 1.261 vụ việc hòa giải, trong đó hòa giải thành 1.153 vụ việc đạt 91,43%; 06 tháng đầu năm 2024, các tổ hòa giải tiếp nhận 354 vụ việc hòa giải, trong đó hòa giải thành 336 vụ việc đạt 94,92%.
Bên cạnh những kết quả trên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, triển khai thực hiện Đề án 407, 977 tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa đảm bảo yêu cầu đề ra, thiếu sự thông tin, báo cáo về tình hình hoạt động của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật... Vì vậy, thời gian tới, để các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào thực chất, Sở Tư pháp cần phát huy vai trò cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố trong chỉ đạo, hướng dẫn cũng như nắm bắt thông tin, đôn đốc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt việc triển khai thực hiện Đề án 407 và 977 tại các sở, ban, ngành; tham mưu việc phân công xây dựng, ban hành Thông cáo báo chí về các văn bản quy phạm pháp của Thành phố; tích cực phối hợp với Sở Tài chính đẩy nhanh quá trình xây dựng, trình Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết quy định về mức chi trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật theo Thông tư số 56/2023/TT-BTC ngày 18/8/2023 của Bộ Tài chính... Đồng thời, các sở, ban, ngành, đoàn thể của Thành phố cần tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện Đề án 407, Đề án 977 ngay từ giai đoạn xây dựng kế hoạch thực hiện; củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các cơ quan, tổ chức trong bảo đảm, hỗ trợ việc tiếp cận pháp luật, đặc biệt trong hoạt động giải quyết các công việc liên quan trực tiếp đến người dân; chú trọng chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật; tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình, cách thức hiệu quả về tiếp cận pháp luật, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật của người dân trên địa bàn Thành phố./.
Nguyễn Kim Thoa
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: