Liên kết website

Bình Dương: Thực hiện hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở

01/10/2024

Bình Dương là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với diện tích tự nhiên khoảng 2.694,64 km2; 09 đơn vị hành chính cấp huyện và 91 đơn vị hành chính cấp xã . Sự phát triển của công nghiệp, dịch vụ đã thu hút một lượng lớn người lao động nhập cư đến làm việc; tính đến ngày 15/6/2024, toàn tỉnh có 776.339 hộ với 2.661.284 nhân khẩu, trong đó thường trú 315.956 hộ với 1.330.321 nhân khẩu, tạm trú 459.569 hộ với 1.325.644 nhân khẩu. Dân số cơ học tăng nhanh, cơ cấu dân cư đa thành phần với những phong tục, tập quán khác nhau nên dễ phát sinh phức tạp về an ninh, trật tự; hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động có chiều hướng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, đa dạng; các băng nhóm tội phạm hình sự, ma túy ở những nơi khác thường tập trung về địa bàn các khu, cụm công nghiệp để hoạt động gây phức tạp về an ninh, trật tự… đặt ra nhiều thách thức cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nói chung và công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù nói riêng.

Trong thời gian qua, thực hiện Quyết định số 1739/QĐ-TTg ngày 18/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng Công an nhân dân giai đoạn 2021 - 2027” (sau đây gọi là Đề án), UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời đối với công tác PBGDPL đến các đối tượng của Đề án bảo đảm kịp thời, đầy đủ và hiệu quả, góp phần từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng PBGDPL nói chung và các đối tượng của Đề án nói riêng, giữ vững ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.
Nhiều biện pháp tăng cường, khuyến khích sự tham gia, phối hợp của các cơ quan, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp... vào hoạt động PBGDPL được thực hiện
Trong 03 năm thực hiện Đề án, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn thể, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước tham gia vào các hoạt động PBGDPL cho các đối tượng nói chung và cho các đối tượng của Đề án nói riêng thông qua các chương trình phổ biến, đối thoại; tư vấn, trợ giúp pháp lý; tư vấn tâm lý; tư vấn, hỗ trợ việc làm; cung cấp tài liệu, trang thiết bị phục vụ công tác PBGDPL bảo đảm theo quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Công tác điều tra, khảo sát, đánh giá nhu cầu thông tin về pháp luật được tiến hành nghiêm túc
Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tiến hành khảo sát bằng phiếu đối với quần chúng nhân dân tại các ấp, khu phố, tổ dân phố; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đóng tại các xã, phường, thị trấn nhằm đánh giá một cách khách quan tình trạng hiểu biết pháp luật, nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Nội dung, hình thức PBGDPL đa dạng, phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng của Đề án, từng thời điểm, trên từng địa bàn cụ thể
Nội dung PBGDPL tập trung vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, như: Pháp luật về hình sự, về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; kiến thức pháp luật, kỹ năng sống sau khi chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; chính sách trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, không bị lôi kéo tham gia vào các hoạt động phạm tội và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; các phương thức thủ đoạn cũng như hướng dẫn về cách phòng tránh, phát hiện, phòng chống các loại tội phạm về mua bán người, đặc biệt là phòng, chống tội phạm mua bán người dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép, tổ chức xem mặt chọn vợ lừa ra nước ngoài bán; các phương thức, thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, công nghệ cao, tín dụng đen,... Đặc biệt, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật; những tấm gương vươn lên sau lầm lỗi, tái hòa nhập cộng đồng; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn, trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong giúp đỡ, hỗ trợ và tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Nhiều hình thức PBGDPL được thực hiện như PBGDPL trực tiếp[1]; tọa đàm với sinh viên các trường đại học, công nhân các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh; các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ, giáo dục, tư vấn pháp luật cá biệt (đối với những đối tượng có nhận thức lệch lạc, tự ti, mặc cảm hoặc có hoàn cảnh đặc biệt); tổ chức các cuộc thi, hội thi[2], tư vấn pháp luật trực tiếp[3], thông qua phương tiện thông tin đại chúng[4], hệ thống loa phát thanh địa phương, sân khấu hóa; ứng dụng công nghệ thông tin, cấp phát tài liệu thiết yếu với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu[5].
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác PBGDPL được quan tâm
Sử dụng Cổng/Trang thông tin điện tử và trang Facebook, trang Zalo Offcial Account và các nhóm Zalo để tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn phạm tội của các loại tội phạm (gửi tin nhắn điện thoại di động), tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các Fanpage, Zalopage của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Một số mô hình điểm, cách làm hay về PBGDPL đã được nghiên cứu, xây dựng
Các mô hình như: “Đội công nhân xung kích tự quản về an ninh, trật tự trong các doanh nghiệp thực hiện công tác PBGDPL”; “Đội công nhân xung kích kiểu mẫu tự quản về an ninh, trật tự trong doanh nghiệp FDI”; “Mô hình toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”; “Giáo dân gương mẫu”; “Kết nối Zalo an ninh”; “Xứ đạo an lành - văn minh”; “Tổ tự quản an toàn giao thông”; “Tổ tự quản bảo vệ môi trường”; “Lực lượng 113 bán chuyên trách trên địa bàn tỉnh”; “Đội xung kích về an ninh, trật tự trong đồng bào dân tộc Khmer”; “Mô hình xe ô tô, mô tô tuyên truyền” trên địa bàn các xã, phường, thị trấn... Trong đó, mô hình Đội Công nhân xung kích là mô hình chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” trong công tác công an gắn liền với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đội Công nhân xung kích đã thu hút hơn 19.390 thành viên tham gia với 1.021 Đội được thành lập và hoạt động. Các thành viên Đội Công nhân xung kích ngoài việc thực hiện công tác sản xuất, kinh doanh theo nhiệm vụ tại từng cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, còn luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mình trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự; phối hợp với lực lượng Công an các Đồn khu công nghiệp trong công tác tuần tra, canh gác; PBGDPL tại doanh nghiệp, như: Tuyên truyền qua hệ thống phát thanh nội bộ; cắt dán khẩu hiệu, băng rôn tuyên truyền tại các nhà ăn và nơi nghỉ ngơi của người lao động; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống cháy nổ; thực hành diễn tập, tham gia chữa cháy phát; tổ chức tuần tra, canh gác an ninh tại cơ sở sản xuất, công ty… nắm bắt các vụ việc, tình hình diễn biến về an ninh, trật tự, những khó khăn và yêu cầu chính đáng của người lao động để kịp thời tham mưu cho doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng về tình hình và giải quyết các vấn đề phát sinh tại công ty, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự trong doanh nghiệp; khắc phục, giữ gìn mối quan hệ hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp và người lao động…
Các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ thực hiện công tác PBGDPL được chú trọng
Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL của các cơ quan, đơn vị, địa phương và các lực lượng ở cơ sở, điển hình như Sở Lao động - Thương bình và Xã hội đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức tập huấn cho 670 đại biểu là thành viên Đội Công tác xã hội tình nguyện cấp xã, cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, xã và cán bộ làm công tác phòng, chống mại dâm các địa phương về những chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác phòng chống mại dâm; những kỹ năng nghiệp vụ trong tiếp cận, làm việc với người làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm, gái bán dâm; phối hợp với Công an tỉnh tập huấn triển khai thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy cho hơn 1.200 đại biểu của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Sở Tư pháp tỉnh đã phối hợp các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ làm công tác PBGDPL các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Công an tỉnh đã tổ chức 28 Hội nghị (trực tuyến và trực tiếp) phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an với hơn 1.200 lượt cán bộ, chiến sĩ tham dự. Cử hơn 500 lượt cán bộ dự các Hội nghị phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật và tập huấn công tác PBGDPL do Bộ Công an, Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh tổ chức...
Trong thời gian tới, tình hình hoạt động các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đặc biệt, các đối tượng cá biệt đang chấp hành án phạt tù, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng…cần quan tâm, giáo dục thường xuyên để phòng ngừa các hoạt động vi phạm pháp luật, tái phạm tội. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương cần thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án trong những năm tiếp theo. Tăng cường PBGDPL nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức pháp luật cho các đối tượng của Đề án.
Hai là, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL phù hợp với đặc điểm, địa bàn của từng nhóm đối tượng của Đề án, bảo đảm công tác PBGDPL đạt hiệu quả cao và đúng định hướng. Xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về PBGDPL cho phù hợp với từng đối tượng của Đề án.
Ba là, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho chủ thể thực hiện công tác PBGDPL của các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là ở cấp cơ sở; nhận và cấp phát kịp thời các tài liệu phục vụ công tác PBGDPL cho các đối tượng của Đề án.
Bốn là, tăng cường huy động sự tham gia của các đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp vào công tác PBGDPL cho các đối tượng của Đề án nhằm đem lại hiệu quả cao nhất./.
Nguyễn Giang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
 

[1] Đã tổ chức hơn 1.794 cuộc, cho 550.870 lượt người tham dự
[2] Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật trên Internet” của tỉnh Bình Dương năm 2022 và năm 2023; Cuộc thi “Trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”; Cuộc thi “Tìm hiểu Luật Biên phòng Việt Nam”; thi tìm hiểu pháp luật, nghiệp vụ cho lực lượng Bảo vệ dân phố tỉnh Bình Dương lần 1 năm 2022...
[3]  Đã tư vấn hơn 52.000 lượt đối tượng của Đề án.
[4] Phối hợp Báo Bình Dương duy trì Chuyên trang An ninh Bình Dương định kỳ thứ 3 hàng tuần; chuyên mục An ninh Bình Dương vào tối chủ nhật hàng tuần; đăng tải 36 chuyên mục Câu chuyện cảnh giác về các thủ đoạn của các loại tội phạm và các tệ nạn xã hội, 25 chuyên mục về “Pháp luật và đời sống”; 108 chương trình “Người dân với pháp luật”; 108 chương trình “Tư vấn pháp luật trực tiếp” với thời lượng 15 phút/1 kỳ trên kênh BTV1 - Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương...
[5] In, cấp phát hơn 1.000.000 tờ rơi, hơn 55.500 Thư ngỏ, móc khóa đến các hộ gia đình, nhân dân tuyên truyền về phòng, chống ma túy, mại dâm, trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường; phòng, chống cháy nổ...
Các tin đã đưa ngày: