Theo báo cáo từ Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai, cuộc khảo sát đã thu thập dữ liệu từ 20 doanh nghiệp nhỏ và vừa với 17 nội dung pháp lý khác nhau. Theo đánh giá, số lượng doanh nghiệp tham gia khảo sát ít so với số lượng doanh nghiệp thực tế trên địa bàn tỉnh, điều này cho thấy sự quan tâm của doanh nghiệp đến chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đạt được như kỳ vọng. Thực trạng này dẫn đến sự khó khăn trong việc đánh giá đầy đủ nhu cầu được hỗ trợ thực tế của doanh nghiệp cũng như công tác hỗ trợ pháp lý của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh, khiến cho việc đánh giá thành công của chương trình trở nên khó khăn. Tuy nhiên, các kết quả thu được cũng đã cho thấy phần nào bức tranh về nhu cầu hỗ trợ pháp lý của các doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát cho thấy, doanh nghiệp quan tâm đến nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau tùy theo ngành, lĩnh vực và quy mô, trong đó nổi bật là luật kinh doanh, thuế và lao động. Trong đó, pháp luật về thuế là mối quan tâm hàng đầu (90%) bởi đây là một phần quan trọng trong quá trình hoạt động kinh doanh. Điều này phần nào phản ánh được sự cần thiết trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý, tăng cường các chương trình đào tạo và hội thảo về quy định thuế mới, hướng dẫn kê khai thuế và quản lý thuế hiệu quả nhằm tối ưu hóa chi phí thuế và tránh các rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, pháp luật doanh nghiệp cũng thu hút sự quan tâm lớn (75%), tập trung vào các quy định về thành lập, hoạt động và giải thể doanh nghiệp. Đây là những vấn đề cốt lõi trong hoạt động kinh doanh mà các doanh nghiệp cần nắm vững để đảm bảo tuân thủ pháp luật và phát triển bền vững. Các lĩnh vực pháp luật khác như lao động - bảo hiểm xã hội (60%), tài chính - kế toán (60%) và hợp đồng (60%) cũng được quan tâm đáng kể. Những vấn đề này đều liên quan trực tiếp đến việc quản lý và vận hành doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, và giảm thiểu các tranh chấp trong giao dịch kinh doanh. Tuy nhiên, có một số lĩnh vực nhận được sự quan tâm thấp hơn như pháp luật về đầu tư (40%), xử lý vi phạm kinh doanh (40%), và pháp luật đất đai - môi trường (35%). Điều này cho thấy mức độ nhận thức và sự ưu tiên khác nhau của các doanh nghiệp tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động cụ thể của họ. Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo sự linh động về thời gian, hình thức trong bố trí các hội thảo, tập huấn để đảm bảo tiết kiệm thời gian, chi phí đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tham dự.
Qua quá trình tổng hợp, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai đã nhận diện được 04 hạn chế chủ yếu trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, cụ thể: (i) việc truyền thông của Chương trình chưa hiệu quả, cần có một chiến lược truyền thông mạnh mẽ hơn, sử dụng các kênh phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa, chẳng hạn như thư điện tử, hội nhóm ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp, và các nền tảng trực tuyến phổ biến để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận; (ii) việc nội dung chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn, không có chương trình phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp cho thấy rằng các chương trình hiện tại chưa thực sự đáp ứng đúng đặc thù ngành nghề hoặc chưa sát với những vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp quan tâm; (iii) việc doanh nghiệp không thể bố trí thời gian và kinh phí cho thấy sự căng thẳng về nguồn lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vì đối với những doanh nghiệp này, việc tham gia các hoạt động bồi dưỡng có thể bị coi là chi phí và thời gian không cần thiết trong ngắn hạn; (iv) vấn đề không có chủ trương cử cán bộ đi bồi dưỡng phản ánh sự thiếu nhận thức từ lãnh đạo doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chưa thấy rõ giá trị của việc đầu tư vào pháp chế, dẫn đến việc họ không ưu tiên cho các chương trình bồi dưỡng.
Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai đề xuất các giải pháp sau:
Một là, tăng cường truyền thông, có các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ và tiếp cận sâu rộng hơn về các hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp. Các kênh thông tin cần phải đa dạng hơn, có thể kết hợp các phương tiện truyền thông trực tuyến như mạng xã hội, email marketing, và hợp tác với các hiệp hội doanh nghiệp để tăng cường sự tiếp cận.
Hai là, các chương trình cần được thiết kế linh hoạt và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của từng loại hình doanh nghiệp. Nội dung phải sát với những vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp đang gặp phải, đặc biệt là những chủ đề pháp lý thiết thực như hợp đồng, thuế, và lao động. Cần liên tục khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp để điều chỉnh chương trình bồi dưỡng cho phù hợp.
Ba là, các chương trình bồi dưỡng có thể được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, hoặc kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp để giúp doanh nghiệp dễ dàng tham gia. Điều này cũng giúp giảm thiểu chi phí di chuyển và tối ưu hóa thời gian cho các doanh nghiệp.
Bốn là, cần có các hoạt động tuyên truyền và vận động lãnh đạo doanh nghiệp nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của việc đầu tư vào pháp luật và pháp chế. Có thể tổ chức hội thảo hoặc diễn đàn dành riêng cho lãnh đạo doanh nghiệp để họ hiểu rõ hơn về lợi ích của việc nắm bắt kiến thức pháp luật trong việc quản lý và phát triển doanh nghiệp.
Có thể thấy rằng, kết quả khảo sát nhu cầu hỗ trợ pháp lý của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Đồng Nai còn nhiều thách thức trong việc tiếp cận và tuân thủ pháp luật. Mặc dù đã có sự chỉ đạo, hỗ trợ từ chính quyền và các đơn vị liên quan, nhưng vẫn còn nhiều điểm hạn chế cần được khắc phục. Để nâng cao hiệu quả hỗ trợ pháp lý, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức tư vấn pháp lý. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tổ chức các chương trình đào tạo linh hoạt và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật. Chỉ khi đó, các doanh nghiệp mới có thể phát triển bền vững và tận dụng tối đa các cơ hội kinh doanh trong bối cảnh pháp lý ngày càng phức tạp.
Lưu Thị Mai Anh
Cục phổ biến, giáo dục pháp luật