Theo đó, Kế hoạch đặt ra mục tiêu: Hòa giải ở cơ sở trở thành một trong những biện pháp, hình thức được sử dụng thường xuyên và hữu hiệu để giải quyết các tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân. Hàng năm, có trên 80% cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ theo dõi, quản lý, hướng dẫn thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; tổ viên Tổ hòa giải được tập huấn về kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ công tác, được cung cấp tài liệu về pháp luật và nghiệp vụ; có trên 90% Tổ hòa giải cơ sở hoạt động có hiệu quả, số vụ, việc hòa giải thành đạt 85%.
Để thực hiện mục tiêu này, Kế hoạch đề ra các nội dung chính là:
- Tăng cường phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
- Xây dựng, hoàn thiện thể chế và thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở: Sở Tư pháp chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về hòa giải cơ sở; phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh chấn chỉnh việc xây dựng, ban hành hương ước, lấy hương ước làm công cụ đắc lực cho hoạt động hòa giải cơ sở.
- Tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực quản lý và hoạt động của tổ viên Tổ hòa giải cơ sở. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở.
- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác hòa giải cơ sở.
- Thực hiện tốt công tác kiểm tra và chế độ thông tin, báo cáo, thống kê; định kỳ sơ kết, tổng kết, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải cơ sở.
Giám đốc các Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch UBND xã, phường thị trấn, Trưởng phòng Tư pháp, Tư pháp các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, đoàn thể có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này. Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh.