Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) thời gian qua được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những khó khăn, trong đó có vướng mắc liên quan đến thực thi pháp luật về PCTN. Đây cũng là những nội dung trao đổi của hai vị khách mời tại buổi tọa đàm
* PV: Để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, việc tạo hành lang pháp lý cho công tác này vô cùng quan trọng. Ông Đinh Văn Minh có thể cho khán giả biết về kết quả xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua
Ông Đinh Văn Minh: Hiện nay Việt Nam đang hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nên mọi hoạt động, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và trước hết là PCTN, cần phải có hành lang pháp lý đủ và tốt nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước thực hiện đúng chức năng, quyền hạn, cũng như tạo điều kiện cho người dân tham gia một cách tích cực và có hiệu quả trong cuộc đấu tranh này.
Hai vị chuyên gia tham dự tọa đàm ngày 17/12 của Báo Pháp luật Việt Nam.
Thời gian qua, công tác xây dựng thể chế và hoàn thiện pháp luật đã được thực hiện tích cực và khá tốt, một loạt các văn bản liên quan đến phòng ngừa và đấu tranh PCTN cũng đã được sửa đổi bổ sung hoặc ban hành mới.
Ví dụ như các văn bản liên quan đến vấn đề quản lý tài chính kinh tế, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Tiếp cận thông tin hoặc các luật liên quan đến phát huy vai trò của người dân…. Ngoài ra, sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015, trong đó mở rộng cuộc đấu tranh PCTN sang khu vực tư. Có thể thấy, cả hệ thống pháp luật hiện đã hoàn thiện và đầy đủ, đã có những sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc đấu tranh PCTN.
Đánh giá chung, hệ thống pháp luật từ văn bản luật pháp lệnh của Quốc hội, đến các văn bản hướng dẫn thi hành là khá đầy đủ, tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Đặc biệt là có nhiều quy định mở rộng để người dân vừa nâng cao nhận thức, vừa tham gia cùng với cả hệ thống chính trị trong cuộc đấu tranh PCTN.
PV: Như ông Minh vừa chia sẻ, đã có rất nhiều kết quả trong thi hành Luật PCTN. Tuy nhiên chắc chắn sẽ có không ít khó khăn, Ông có thể cho khán giả biết những tồn tại, hạn chế trong thực thi pháp luật về PCTN và nguyên nhân?
Ông Đinh Văn Minh: Công tác PCTN hiện nay đang được Đảng và Nhà nước quan tâm, được coi là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài. Trong thời gian qua đã ghi nhận được nhiều kết quả ấn tượng, đặc biệt là sau năm 2012 khi chuyển sang cơ chế chỉ đạo từ Chính phủ sang Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh này và đã gặt hái được những kết quả ấn tượng.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) Đinh Văn Minh.
Thứ nhất, các vụ việc, vụ án đã được đẩy nhanh quá trình thanh tra, kiểm tra. Một loạt các cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước đã bị xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ… từ đó thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước trong công cuộc PCTN.
Thứ hai, trong cuộc đấu tranh PCTN vừa qua, một trong những vấn đề được quan tâm hơn cả và đạt được kết quả tốt là vấn đề thu hồi tài sản. Bởi tham nhũng xét cho cùng chính là chiếm đoạt tài sản, do vậy hiệu quả trong cuộc đấu tranh PCTN, yếu tố quan trọng là phần tài sản thu hồi lại được.
Thứ ba, có rất nhiều người đặt vấn đề rằng, trong cuộc đấu tranh PCTN, liệu chúng ta có quá mạnh tay hay không, khiến nhiều người e ngại hay không, có làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội hay không?... Nhưng có thể thấy rằng, khi càng làm mạnh, chúng ta càng nhận được sự ủng hộ và tin tưởng của người dân.
Hơn nữa, có thể thấy chỉ tiêu về kinh tế - xã hội vẫn đang phát triển, đời sống của người dân vẫn ổn định. Ngay trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đang thực hiện mục tiêu kép, đó là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đồng thời vừa PCTN một cách hiệu quả. Chính những điều này thể hiện sự đúng đắn trong đường lối của cuộc đấu tranh PCTN. Điều này cũng được người dân hoan nghênh và không còn bị đánh giá là vấn đề gây bức xúc nhất.
Bên cạnh đó, thế giới cũng đánh giá cao về sự minh bạch của Việt Nam. Nếu như trước đây Việt Nam xếp thứ 123, thì giờ đây đã vươn lên xếp thứ 96/146 quốc gia. Môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng rất triển vọng, trong vòng 5 năm trở lại đây Việt Nam liên tục tăng trưởng và được World Bank đánh giá Việt Nam là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư.
Với tất cả những kết quả thu được, Việt Nam có quyền tự tin về cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, thể hiện quan điểm nhất quá, quyết liệt, mạnh của Đảng, Nhà nước, nhưng không ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, không gây xáo trộn các vấn đề xã hội.
Nói về tồn tại, hạn chế trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, có thể thấy một điều rất rõ rằng, đó là so với sự kỳ vọng của người dân, Việt Nam cần cố gắng hơn nữa. Tuy đã ngăn chặn và loại bỏ, nhưng vẫn còn tồn tại rất nhiều. Đảng và Chính phủ vẫn lo về tình trạng tham nhũng vặt.
Điều này có nghĩa rằng, những biện pháp trong hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn chưa được làm tốt. Do vậy cần phải xem xét lại hệ thống quy định có phù hợp với thực tiễn hay không? Quá trình triển khai như thế nào, có vướng mắc gì, trách nhiệm triển khai đến đâu.... để kịp thời tháo gỡ.
Phải nói rằng, đấu tranh PCTN là câu chuyện thường xuyên. Chúng ta cần hoàn thiện cơ chế chính sách; tuyên truyền giáo dục đạo đức, liêm chính và đặc biệt là sớm nhận thức ra những vấn đề còn tồn tại, để có biện pháp, giải pháp phù hợp.
Hiện nay, quá trình triển khai pháp luật còn nhiều vướng mắc. Bản thân hệ thống pháp luật, hệ thống chính trị của Việt Nam khá phức tạp, quy định cũng rất nhiều. Cho nên, khi đưa ra quy định đưa vào cuộc sống cũng có khó khăn nhất định. Do vậy, việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật rất quan trọng để người dân nhận thức, nắm chắc được quy định, từ đó người dân mới thực hiện đúng theo tinh thần của luật, pháp lệnh.
Luật vẫn còn những điểm phải xem lại và điều chỉnh để có thể áp dụng vào cuộc sống. Chúng ta hay nói “đưa nghị quyết, đưa pháp luật vào cuộc sống”, nhưng trên thực chất phải ngược lại, “đưa cuộc sống vào nghị quyết, pháp luật”, mới phản ánh đúng được thực tiện xã hội đang cần gì. Và khi ban hành quy định hay luật mới gần và sát với cuộc sống của người dân.
* PV: Để đưa pháp luật vào cuộc sống hay như ông Minh vừa nêu là đưa cuộc sống vào nghị quyết, pháp luật thì tùy từng lĩnh vực, tùy từng đối tượng, có hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) phù hợp. Vậy thưa ông Nguyễn Hồng Tuyến, theo ông, hình thức nào PBGDPL về PCTN hiệu quả nhất?
Ông Nguyễn Hồng Tuyến: Luật PBGDPL quy định 12 hình thức PBGDPL. Trong thực tiễn công tác PBGDPL đa số sử dụng hình thức truyền thống là PBGDPL trực tiếp, hay còn gọi là PBGDPL bằng miệng. Tuy nhiên, tại Hà Nội những năm gần đây, bên cạnh hình thức truyền thống thì đã áp dụng hình thức PBGDPL về PCTN thông qua các cuộc thi, giao lưu trực tuyến tìm hiểu pháp luật về PCTN. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, TP Hà Nội đã tổ chức 3 cuộc thi tìm hiểu pháp luật về PCTN: thi bằng hình thức sân khấu hóa, thi bằng video clip, thi trực tuyến qua báo điện tử Kinh tế và Đô thị.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến trả lời câu hỏi tại buổi tọa đàm.
Qua các cuộc thi đó, Hà Nội đánh giá hình thức này mang lại hiệu quả cao, lan tỏa không chỉ trong phạm vi Hà Nội mà trong phạm vi cả nước. thành 10 chủ đề: xây dựng video clip, bài giảng, nâng cao ý thức tìm hiểu pháp luật của cán bộ công chức Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung.
* PV: Trong triển khai công tác PBGDPL về PCTN thường gặp khó khăn, vướng mắc gì? Xuất phát từ nguyên nhân nào, thưa ông Tuyến?
- Ông Nguyễn Hồng Tuyến: Khó khăn lớn nhất là nguồn lực cho công tác PBGDPL. Đội ngũ làm công tác PBGDPL vừa thiếu vừa yếu về năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Đầu tư kinh phí cho công tác PBGDPL nói chung PCTN nói riêng còn hạn hẹp.
Nguyên nhân thì nhiều, có thể nói là nhận thức về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL của một bộ phận cán bộ, người dân chưa đúng, chưa chuẩn; do hạn chế của quy định pháp luật như quy định về báo cáo viên pháp luật đưa ra rất nhiều tiêu chuẩn để được làm báo cáo viên pháp luật. Theo đó, báo cáo viên phải là cán bộ công chức viên chức, sĩ quan trong lực lượng vũ trang, các đối tượng khác như đội ngũ luật sư, luật gia đông đảo, am hiểu pháp luật thì không được làm báo cáo viên, chỉ được mời tham gia công tác PBGDPL.
Hơn nữa, đầu tư về kinh phí, cơ sở vật chất còn hạn hẹp, khó khăn. Như năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thiên tai lũ lụt, kinh phí được giao trong công tác PBGDPL nói chung bị cắt giảm khoảng 1/3.
* Vậy theo ông Tuyến, cần thực hiện những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL về PCTN?
Ông Nguyễn Hồng Tuyến: Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL về PCTN với 4 giải pháp: Thứ nhất là nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác PBGDPL. Thứ hai là tăng cường đầu tư về kinh phí, cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho đội ngũ hoạt động. Các báo cáo viên pháp luật muốn xin máy chiếu nhưng cũng rất khó để có thể làm công tác.
Thứ ba là tăng cường áp dụng hơn nữa công nghệ thông tin vào PBGDPL, không phải chỉ là tổ chức các cuộc thi, giao lưu trực tuyến mà ứng dụng công nghệ ngay trên smartphone để tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Thứ tư là phải phối hợp tất cả các hình thức PBGDPL, không chỉ trực tiếp, thi trực tuyến mà còn in tờ rơi, tờ gấp hỏi đáp, sổ tay pháp luật, đặc biệt khai thác tủ sách pháp luật hiện có để nâng cao hiệu quả PBGDPL nói chung, PBGDPL về PCTN nói riêng.
* Năm 2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 11/7/2019 phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 – 2021”. Ông Minh có thể cho biết về kết quả sau hơn 01 năm thực hiện Đề án này?
Ông Đinh Văn Minh: Việc ban hành Đề án được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong công tác giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Trên cơ sở đề án 861, các địa phương đều xây dựng kế hoạch, đưa ra tiêu chí và mục đích cụ thể. Qua quan sát và tổng kết, chúng tôi nhận thấy đã đạt được hiệu quả cao.
Có thể nói, việc tuyên truyền hiệu quả dựa vào nhiều yếu tố, từ con người đến nguồn lưc, tuy nhiên một điều cũng rất quan trọng đó là nhận thức của người đứng đầu của các địa phương và bộ ngành. Cụ thể, trong quá trình triển khai có thể nhận rõ điều này, có nơi làm tốt, tích cực, nhưng cũng có những nơi chỉ làm cho đủ yêu cầu.
Tiếp đó, đội ngũ báo cáo viên cũng là yếu tố then chốt. Ngoài việc phải nắm chắc tinh thần của luật, đội ngũ báo cáo viên phải thật chuyên nghiệp, có phương pháp tiếp cận và truyền đạt thật dễ hiểu và gây cuốn hút cho từng đối tượng nghe khác nhau.
Trong thời đại 4.0, công nghệ thông tin rất phát triển, chúng ta có thể thông qua nhiều hình thức đa dạng như báo chí, truyền hình, vở kịch, bài hát… từ đó văn học hóa, nghệ thuật hóa những điều khô khan về pháp luật, giúp người dân người học sinh, người già, người lao động hay cán bộ đều có thể hiểu và nhận thức một cách dễ dàng. Để từ đó, mọi người đều hiểu rằng, phòng chống tham nhũng không phải là vấn đề của riêng ai và mỗi người ở vị trí khác nhàu đều phải tham gia và thể hiện trách nhiệm của mình.
* PV: Hội Luật gia có vai trò như thế nào trong PCTN, thưa ông Tuyến?
Ông Nguyễn Hồng Tuyến: Hội Luật gia là tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tập hợp rộng rãi những người đã và đang làm công tác pháp luật. Hội Luật gia theo các văn bản của Đảng, theo điều lệ hiện hành có hơn 10 nhóm nhiệm vụ, trong đó có 3 nhóm nhiệm vụ rất trọng tâm là tham gia xây dựng chính sách pháp luật, tham gia PBGDPL, tham gia giám sát thi hành pháp luật.
Những năm vừa qua, các cấp Hội Luật gia và giới luật gia đều tham gia tích cực vào 3 nhóm nhiệm vụ này: góp ý xây dựng luật và các văn bản hướng dẫn thi hành như Luật PCTN năm 2018 và các nghị định hướng dẫn thi hành; khi Luật có hiệu lực, Hội Luật gia triển khai rất sớm việc PBGDPL về PCTN.
Ở Hà Nội, Hội Luật gia TP là nòng cốt trong PBGDPL về PCTN; thường xuyên phối hợp với Mặt trận Tổ quốc để giám sát thi hành pháp luật, trong đó có giám sát thi hành pháp luật về PCTN trên địa bàn thành phố. Có vai trò tích cực trong tham gia đấu tranh PCTN trên địa bàn.
* Tuyên truyền, PBGDPL về PCTN là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương. Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị rất quan trọng. Vậy theo ông Tuyến cần thực hiện giải pháp nào để tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, đoàn thể; giữa trung ương với địa phương trong triển khai công tác PBGDPL về PCTN?
Ông Nguyễn Hồng Tuyến: Luật PBGDPL quy định công tác tuyên truyền, PBGDPL là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, Nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong công tác này. Ngoài ra, Luật còn quy định trách nhiệm học tập pháp luật của công dân – công dân phải tự mình học tập, tự mình nghiên cứu, tự mình tìm hiểu để nâng cao ý thức pháp luật.
Trong công tác đấu tranh PBGDPL cũng đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành, giữa các ngành, các cấp, các đơn vị thì chúng ta mới có thể làm tốt được. Qua quá trình thực hiện phối hợp, chúng tôi thấy phương pháp tốt nhất là các cơ quan, đơn vị cùng ký kết chương trình, kế hoạch phối hợp PBGDPL về PCTN và trên cơ sở chương trình, kế hoạch này thì sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong đấu tranh PCTN, trong PBGDPL về PCTN sẽ tốt hơn.
Ở Hà Nội, có rất nhiều chương trình phối hợp. Đơn cử chương trình phối hợp 2017 giữa Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL TP với Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TP về PBGDPL liên quan đến cải cách tư pháp và PCTN, lãng phí. Từ đó đến nay, trên cơ sở Chương trình phối hợp chung, Hội đồng và Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo rất sát sao các đơn vị, thành viên của Hội đồng, của Ban Chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp; tăng cường rất nhiều công tác tuyên truyền, PBGDPL về cải cách tư pháp, PCTN, lãng phí trong 3 năm qua, đem lại hiệu quả tốt.
Tôi cho rằng, đây là giải pháp tốt nhất để tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, cơ quan trong PBGDPL nói chung, PBGDPL về PCTN nói riêng.
PBGDPL là bước đi đầu tiên trong thi hành pháp luật, bước đi đầu tiên mà tốt thì các bước tiếp theo sẽ tốt, sẽ nâng cao nhận thức pháp luật cho mọi đối tượng, người dân, thông qua đó vận động người dân thực thi pháp luật. Bước đi đã đúng thì giải pháp tới đây cần tiếp tục hơn nữa là đầu tư nhiều hơn vào bước đi đầu tiên này cả nguồn lực, nhân lực, đa dạng hơn nữa các hình thức PBGDPL, đáp ứng mong mỏi của nhân dân đối với công cuộc đấu tranh PCTN còn phải thực hiện kiên trì, bền lâu hơn nữa.
* Còn theo ông Minh, trong thời gian tới cần thực hiện những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về PCTN?
Ông Đinh Văn Minh: Điều đầu tiên vẫn là nâng cao nhận thức của người đứng đầu của các ngành, các cấp. Ngoài ra, muốn pháp luật đi vào cuộc sống, việc nhận thức cần được tuyên truyền, phổ biến thường xuyên. Đơn cử như các cơ quan trung ương thường tổ chức các hội nghị và người đứng đầu các địa phương, bộ ngành phải tham gia, từ đó nhận thấy được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền.
Tiếp đó, cần phải coi công tác tuyên truyền là truyền thông và thông qua nhiều cách khác nhau để ứng dụng vào cuộc sống một cách linh hoạt. Bản thân mỗi người phải hiểu rõ và nắm được bản chất của phòng chống tham nhũng.
Ví dụ, khi đưa giáo dục về PCTN trong trường học, chúng ta không chỉ đưa ra khái niệm tham nhũng là gì hay những định nghĩa khó hiểu. Thay vào đó, chúng ta cần giáo dục học sinh về tính trung thực, sự can đảm, tính lương thiện… Hay đối với công chức, chúng ta cần giáo dục về lòng tự trọng, sự liêm chính… Do vậy, đối với từng đối tượng khác nhau như giáo dục, y tế, giao thông…, chúng ta cần có nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục khác nhau.
* PV: Xin cảm ơn hai vị khách mời, cảm ơn quý vị và các bạn đã theo dõi tọa đàm của Báo Pháp luật Việt Nam!
Nguồn: baophapluat.vn