Bộ Tư pháp vừa ra thông cáo báo chí về tổng kết Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng bầu cử quốc gia về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử, cũng như quy định pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, góp phần giúp người dân thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân tham gia bầu cử, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”.
Cuộc thi đã diễn ra từ 00h00 ngày 01/4/2021 đến 24h00 ngày 30/4/2021. Mặc dù được tổ chức trong thời gian ngắn, nhưng nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của lãnh đạo Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội, Ban Tổ chức Cuộc thi, sự quan tâm phối hợp hưởng ứng tham gia của các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp và sự chủ động tham mưu thực hiện của Sở Tư pháp các địa phương nên đã động viên, thu hút, khuyến khích đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia Cuộc thi. Theo thống kê của Ban Tổ chức, đã có 3.800.000 lượt truy cập vào website của Cuộc thi, với 801.678 lượt dự thi của 643.688 người tham gia dự thi từ 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó một số địa phương có số lượt người tham gia đông đảo như: thành phố Hà Nội (97.203 người), Bắc Giang (68.229 người), Nghệ An (45.767 người), Ninh Bình (36.002 người), thành phố Hồ Chí Minh (26.626 người), Lào Cai (15.356 người), Quảng Ninh (14.951 người)… Điều này phản ánh mức độ lan tỏa, hiệu ứng rộng rãi của Cuộc thi cũng như sự quan tâm của người dân về pháp luật bầu cử, góp phần tác động mạnh mẽ đến nhận thức, ý thức, thái độ của người dân đối với hoạt động bầu cử và việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân.
Góp phần vào thành công của Cuộc thi, Bộ Tư pháp cho rằng, phải kể đến sự vào cuộc tích cực, đồng bộ, hiệu quả của các cơ quan thông tin, truyền thông đại chúng ở Trung ương và các địa phương, tạo thành đợt cao điểm truyền thông có chiều sâu, có sức lan tỏa sâu rộng trên phạm vi cả nước. Công tác truyền thông về Cuộc thi được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú thông qua việc đăng tải thông tin, phóng sự, tọa đàm giao lưu, trailer thông điệp cổ động Cuộc thi trên website chính thức của Cuộc thi; thông qua các kênh phát thanh - truyền hình, trong đó có Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; báo điện tử, báo giấy và trên Cổng/Trang thông tin điện tử của các Bộ, ngành, đoàn thể, Sở Tư pháp, cơ quan, đơn vị, trường học thuộc nhiều địa phương trên cả nước; trên các nền tảng mạng xã hội và hệ thống loa truyền thanh cơ sở… Ngoài ra, một số đơn vị doanh nghiệp viễn thông cũng tích cực đồng hành cùng Cuộc thi thông qua việc phát động hàng triệu tin nhắn đến các thuê bao điện thoại di động để động viên Nhân dân tham gia Cuộc thi”.
Tổng kết Cuộc thi, ngày 18/5/2021, Ban Tổ chức Cuộc thi đã ban hành Quyết định số 835/QĐ-BTC ngày 18/5/2021 công nhận kết quả và trao giải thưởng Cuộc thi cho 36 người dự thi có kết quả cao nhất gồm: 01 Giải Nhất, 05 Giải Nhì, 10 Giải Ba và 20 Giải Khuyến khích. Đồng thời, Ban Tổ chức cũng đề xuất Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen cho 07 tập thể, 02 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức Cuộc thi, trong đó có 06 địa phương có số lượng người dự thi đông đảo nhất là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh: Bắc Giang, Nghệ An, Ninh Bình, Lào Cai.
Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” đã thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức pháp luật về bầu cử trong các tầng lớp Nhân dân, tích cực động viên, khuyến khích Nhân dân hưởng ứng, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân về bầu cử, đặc biệt đối với những công dân trẻ, lần đầu tiên cầm lá phiếu thực hiện trách nhiệm công dân. Trong bối cảnh cả nước đang chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19, với phương thức thi trực tuyến, giao diện khoa học, dễ sử dụng, bộ câu hỏi thi phong phú, thiết thực và phù hợp với đa số người dân, Cuộc thi là hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trên khắp mọi miền đất nước tự học tập, tìm hiểu pháp luật, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Ban Tổ chức Cuộc thi phối hợp chặt chẽ với các địa phương tôn vinh, trao giải cho người dự thi đạt giải cao (giải nhất, nhì, ba) và các địa phương có thành tích trong việc hưởng ứng Cuộc thi, có số lượng người thi nhiều nhất.
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam điện tử