Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo (Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp) cho biết, để cụ thể hóa quy định tại Điều 7 Luật PBGDPL, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19/5/2013 quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp PBGDPL và Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg. Trên cơ sở đó, Hội đồng phối hợp PBGDPL đã được thành lập, tổ chức hoạt động và trở thành thiết chế nền tảng, quan trọng trong việc điều phối, huy động cả hệ thống chính trị tham gia triển khai PBGDPL. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 của Đảng ta đã xác định trong thời gian tới cần: “Đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật…”. Để đáp ứng yêu cầu này, một trong những nội dung trọng tâm cần được triển khai, đó là kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, bảo đảm đây là một thiết chế liên ngành, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị đối với công tác PBGDPL. Tại Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, Ban Bí thư đã định hướng việc “Kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp”; đồng thời giao trách nhiệm cho Ban cán sự đảng Chính phủ thực hiện kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL ở Trung ương. Để triển khai nhiệm vụ được giao, việc xây dựng Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg là cần thiết.
Dự thảo Quyết định này sửa đổi quy định về Chủ tịch Hội đồng và Phó Chủ tịch Hội đồng, theo đó Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương; Bộ trưởng Bộ Tư pháp là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng; các Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngoài ra, trên cơ sở kế thừa quy định tại Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg, Dự thảo bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, các Ủy viên Hội đồng; bổ sung quy định cơ quan thường trực của Hội đồng và Ban Thư ký Hội đồng, kinh phí hoạt động của Hội đồng, Ban Thư ký…
Tại cuộc họp, các thành viên hội đồng thẩm định cho ý kiến về thành phần của Hội đồng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp; nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL. Trong đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vào thành phần của Hội đồng phối hợp PBGDPL ở Trung ương; ở địa phương cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc quyết định thành phần tham gia Ủy viên hội đồng; quy định cụ thể hơn chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng với tính chất là tổ chức thực hiện chức năng tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện các nhiệm vụ trong công tác PBGDPL…
Trên cơ sở ý kiến của thành viên tham dự cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp chủ trì cuộc họp kết luận: dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật đã đáp ứng đầy đủ các nội dung theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) và đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp thu các ý kiến thẩm định, hoàn thiện dự thảo Quyết định trước khi trình lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định, trình Thủ tướng Chính phủ.
Vụ Các vấn đề chung về XDPL