Theo đó, một số quy định liên quan trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý tại Thông tư 08/2017, Thông tư 12/2018 được sửa đổi, bổ sung như sau:
- Bổ sung thêm đối tượng không phải tham gia tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc trong năm là Trợ giúp viên pháp lý đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi và 02 trường hợp theo khoản 4, 6 Điều 34
Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
- Thêm giấy tờ chứng minh là người có công với cách mạng để thuộc diện trợ giúp pháp lý:
+ Kỷ niệm chương tổ quốc ghi công đối với người có công giúp đỡ cách mạng;
+ Giấy chứng nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945;
+ Giấy người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng.
- Thời gian của bài kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý với nội dung viết được kéo dài thêm 60 phút thành 180 phút (hiện hành là 120 phút).
- Bãi bỏ quy định trước khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, tổ chức và Sở Tư pháp, cá nhân và Trung tâm phải ký kết phụ lục hợp đồng.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định khoán chi vụ việc trợ giúp pháp lý trong một số trường hợp đặc biệt, đơn cử như:
- Trường hợp 02 người thực hiện trợ giúp pháp lý trở lên thực hiện trợ giúp pháp lý cho 01 người được trợ giúp pháp lý trong cùng một vụ việc:
Căn cứ các công việc thực tế của mỗi người thực hiện, mức khoán chi vụ việc tối đa bằng 130% mức khoán chi tương ứng thể hiện tại các Phụ lục của Thông tư 02/2021 nhưng không quá 10 mức lương cơ sở.
- Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng tạm đình chỉ vụ án:
+ Khoán chi vụ việc của người thực hiện trợ giúp pháp lý căn cứ vào công việc thực tế mà người thực hiện trợ giúp pháp lý đã thực hiện đến thời điểm tạm đình chỉ.
+ Khi vụ án tiếp tục được giải quyết, khoán chi vụ việc của người thực hiện trợ giúp pháp lý căn cứ vào công việc mà người thực hiện trợ giúp pháp lý đã thực hiện từ khi tiếp tục giải quyết đến khi kết thúc.
Thông tư
03/2021/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 15/7/2021.