Liên kết website

Gắn tổ chức cuộc thi với tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng

16/07/2021

Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh - Trưởng ban tại cuộc họp Ban Tổ chức Cuộc thi báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về phòng, chống tham nhũng năm 2021 diễn ra vào sáng nay, (16/7).

Theo đó, ngày 11/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021” (Đề án), trong đó giao Bộ Tư pháp chủ trì tổ chức Cuộc thi báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi toàn quốc về pháp luật phòng, chống tham nhũng (Cuộc thi) trong năm 2020. Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 1105/KH-BTP ngày 27/3/2020 về tổ chức Cuộc thi.

Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nên Bộ Tư pháp đã có Công văn đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi Cuộc thi sang năm 2021 và đã được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đồng ý (Công văn số 4621/VPCP-PL ngày 10/6/2020 của Văn phòng Chính phủ). Năm 2021 là năm cuối thực hiện Đề án, do vậy, để hoàn thành nhiệm vụ được giao và đảm bảo các mục tiêu của Đề án, Bộ Tư pháp tổ chức Cuộc thi trong năm 2021.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên cho biết, thời gian qua Vụ đã phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp và một số cơ quan báo chí đưa tin về Cuộc thi sau khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch tổ chức Cuộc thi và Quyết định thành lập Ban Tổ chức và Tổ Thư ký giúp việc Cuộc thi.

Vụ cũng đang xây dựng Kế hoạch truyền thông về Cuộc thi; phối hợp với Công ty Toàn cầu thiết kế Logo Cuộc thi và dự kiến các hoạt động phối hợp truyền thông trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, với tư cách là Phó Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ phổ biến, giáo dục pháp luật đề nghị các thành viên Ban tổ chức góp ý tập trung vào một số vấn đề cốt lõi, như: nội dung thể lệ cuộc thi (thời gian, địa điểm, cách thức dự thi…); thành phần Ban đề thi, Ban giám khảo cuộc thi; nguồn lực tổ chức cuộc thi… Qua đó, các thành viên Ban Tổ chức cuộc thi trao đổi, thảo luận và cho ý kiến sâu thêm về những nội dung nêu trên.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đã cho ý kiến chỉ đạo về đối tượng tham gia cuộc thi; cách thức tổ chức, nội dung các phần thi, giải thưởng cuộc thi... Về phần kỹ thuật cuộc thi, Thứ trưởng nhấn mạnh phải đảm bảo an toàn thông tin tuyệt đối, cân nhắc đến điều kiện cụ thể của từng địa phương.
“Với tinh thần hướng tới kết quả thành công của cuộc thi, gắn việc tổ chức cuộc thi với công tác truyền thông về phòng, tham nhũng của cuộc thi nhưng cũng phải lưu ý tới công tác phòng chống dịch”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh.

Được biết, đối tượng tham gia Cuộc thi là báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật được công nhận theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Thông tư số 10/2016/TT-BTP ngày 22/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật.

Dự kiến, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chọn và cử 01 báo cáo viên pháp luật, 01 tuyên truyền viên pháp luật tham dự Vòng 1 của Cuộc thi, đồng thời bố trí từ 01 - 02 báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật dự bị để có thể kịp thời thay thế cho thí sinh đăng ký dự thi chính thức trong trường hợp gặp trở ngại khách quan (như ốm đau, dịch bệnh, tai nạn…) không tham gia được Cuộc thi. Danh sách thí sinh dự thi được gửi về Ban Tổ chức Cuộc thi trước ngày 20/8/2021.

Căn cứ kết quả thi Vòng 1, Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ lựa chọn 09 báo cáo viên pháp luật (mỗi khu vực lựa chọn 03 thí sinh đạt giải cao nhất của khu vực) và 09 tuyên truyền viên pháp luật (mỗi khu vực lựa chọn 03 thí sinh đạt giải cao nhất của khu vực) vào thi Vòng 2.

Thời gian dự kiến tổ chức cuộc thi Vòng 1 diễn ra vào tháng 9-10/2021 và Vòng 2 diễn ra vào tháng 11/2021.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp 
Các tin đã đưa ngày: