Liên kết website

Phát huy vai trò của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam trong triển khai các nhiệm vụ của Đề án 977 về PBGDPL cho người khuyết tật

27/04/2023

Ngày 11/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 977/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” (Đề án 977) để triển khai thực hiện trong phạm vi cả nước từ năm 2023 – 2030. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng được Đề án chú trọng hướng tới là nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho nhóm đối tượng đặc thù trong đó có người khuyết tật nhằm góp phần bảo đảm, thực hiện các quyền của các nhóm này thông qua vai trò của các tổ chức đoàn thể có liên quan, nhất là tổ chức đại diện của người khuyết tật.

Theo đó chiều ngày 26/4/2023, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm trao đổi về tăng cường sự phối hợp và giải pháp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 977 có liên quan đến người khuyết tật do đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật và đồng chí Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội đồng chủ trì.

Liên hiện hội về người khuyết tật Việt Nam là tổ chức xã hội có mục đích bảo vệ, hỗ trợ người khuyết tật thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Đồng chí Lê Vệ Quốc khẳng định Đề án 977 được Thủ tướng Chính phủ ban hành được coi là giải pháp đột phá, toàn diện, phát huy trách nhiệm, huy động sự vào cuộc của 3 nhóm chủ thể chính, bao gồm Nhà nước (các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), các tổ chức đoàn thể có liên quan (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp…) và người dân, trong đó chú trọng các nhóm đặc thù, trẻ em, hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Việc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân theo pháp luật, sử dụng pháp luật của người dân để thực hiện quyền, bảo vệ lợi ích hợp pháp, hình thành thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đặc biệt, để thực hiện mục tiêu “đến năm 2030, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội” đã được xác định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, thì việc thực hiện Đề án này có ý nghĩa hết sức quan trọng và thiết thực.

Các đồng chí đại biểu tham dự đã phát biểu ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai công tác PBGDPL cho người khuyết tật. Đồng chí Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội cho biết hiện Liên hiệp hội có 50 thành viên trực thuộc và 43 tổ chức Hội tại địa phương, với hơn bảy triệu người khuyết tật nhưng chỉ có khoảng 20% sinh sống ở đô thị, số đông còn lại ở nông thôn, vùng miền núi và người khuyết tật có nhiều nhu cầu về pháp luật, nhất là về hôn nhân và gia đình, bạo lực gia đình, đất đai…, do đó cần phải phổ biến pháp luật để họ biết được quyền lợi của mình. Liên hiệp hội sẽ có Kế hoạch thực hiện Đề án này, tuy nhiên khó khăn là kinh phí triển khai các hoạt động chủ yếu do hội tự vận động.

Đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật nhấn mạnh Đề án 977 có nhiều nhiệm vụ cụ thể các các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức trong việc tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người khuyết tật. Trong đó các tổ chức xã hội có trách nhiệm tăng cường vận động người dân và thành viên của tổ chức mình tự giác, chủ động tìm hiểu, chấp hành pháp luật; tư vấn pháp luật miễn phí, hỗ trợ người dân giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc về pháp luật; xây dựng, triển khai các sáng kiến, mô hình hiệu quả trong hỗ trợ tiếp cận pháp luật và nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân; củng cố, nâng cao năng lực cho đội ngũ những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, người được mời tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật của các tổ chức xã hội. Vào đầu năm 2023, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Hội đồng Phối hợp PBGDPL trung ương ban hành Công văn số 112/HĐPH hướng dẫn các tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, (trong đó có Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam) quan tâm triển khai các nhiệm vụ của Đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Theo chia sẻ của các đơn vị đại diện, Liên hiệp hội đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ, bảo vệ người khuyết tật, tập trung vào hoạt động trợ giúp pháp lý, cung cấp thông tin pháp luật, PBGDPL, xây dựng, phát triển các ấn phẩm tạp chí, sổ tay, cẩm nang… cung cấp, giải đáp một số lĩnh vực pháp luật liên quan đến người khuyết tật… Liên hiệp hội đang tích cực hoàn thiện Trang thông tin điện tử và dự định sẽ triển khai các Tọa đàm trực tuyến thông qua Trang này. Các hoạt động nêu trên chưa được triển khai thường xuyên do kinh phí còn hạn hẹp.

Trên cơ sở đó, đồng chí Lê Vệ Quốc định hướng một số nội dung phối hợp triển khai Đề án trong thời gian tới, đồng thời nhấn mạnh việc triển khai Đề án cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các tổ chức đại diện các nhóm đặc thù, yếu thế, trong đó có Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, như vậy mới đem lại hiệu quả và thực hiện toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Để tăng cường sự phối hợp, năm 2023, Bộ Tư pháp sẽ hỗ trợ Liên hiệp hội nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hội thông qua tập huấn, xây dựng và triển khai chuyên mục PBGDPL trên ấn phẩm điện tử Đồng hành Việt; mời tham gia hoạt động khảo sát nhu cầu PBGDPL cho người khuyết tật; rà soát các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi của người khuyết tật; đề nghị Bộ, ngành chủ quản và Bộ, ngành có liên quan trao đổi về nguồn lực, kinh phí hỗ trợ Liên hiệp hội từ ngân sách nhà nước...
Lê Nguyên Thảo
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: