Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) chủ trì Tọa đàm. Tham dự buổi Tọa đàm còn có bà Trần Thị Thúy Hiền, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nam Định, ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), ông Dương Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nam Định, các sở, ngành (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh và công chức Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, các phòng chuyên môn Sở Tư pháp tỉnh Nam Định.
Theo báo cáo của Sở Tư pháp, Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, năm 2023, 6 tháng đầu năm 2024, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), truyền thông dự thảo chính sách, tăng cường tiếp cận pháp luật của người dân và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Nam Định tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn được Ủy ban nhân dân, Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp quan tâm thực hiện. Hội đồng phối hợp PBGDPL và Hội đồng phối hợp PBGDPL của 10/10 đơn vị cấp huyện đã được kiện toàn. Nội dung PBGDPL là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, văn bản pháp luật mới (Luật Đất đai năm 2024, Luật Căn cước năm 2023, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022…). Hình thức PBGDPL khá đa dạng, trong đó có PBGDPL trực tiếp; biên soạn. phát hành tài liệu PBGDPL; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL: Thông tin pháp luật, PBGDPL qua Cổng Thông tin điện tử, tổ chức tập huấn trực tuyến về kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL; xây dựng, thực hiện các chương trình PBGDPL trên Chuyên mục “Chính sách mới”, “Tiếp chuyện bạn nghe Đài”, “An toàn giao thông”, “Cải cách hành chính”, “Với khán giả xem truyền hình” trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; giáo dục pháp luật trong nhà trường…Qua đó, tạo điều kiện, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân theo pháp luật theo Đề án 977.
Đến nay, toàn tỉnh có 2.166 tổ hoà giải với 13.868 hoà giải viên. Năm 2023, tỷ lệ hòa giải thành đạt tỷ lệ 72,1%; năm 2024, tỷ lệ hòa giải thành đạt tỷ lệ 73,6%. Năm 2023, toàn tỉnh có 221/226 xã, phường, thị trấn (chiếm 97,8%) được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Thực hiện Đề án 407, Sở Tư pháp đã tổ chức truyền thông dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi); phối hợp Công an tỉnh tổ chức truyền thông dự thảo Nghị định về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Các sở, ngành đã tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo một số luật: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Căn cước, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ… gắn với truyền thông các dự thảo Luật này. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tổ chức các Hội nghị phản biện xã hội đối với một số dự thảo Nghị quyết quy phạm pháp luật quy định chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương.
Sở Tư pháp đã tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát hành tài liệu hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp; nắm bắt nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp để tổ chức hoạt động hỗ trợ cụ thể, trong đó, đã tổ chức Hội nghị hỗ trợ pháp lý cho các tổ chức bổ trợ tư pháp; Hội nghị hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tại Tọa đàm, đại diện các sở, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các cơ quan, tổ chức đã thông tin, trao đổi về tình hình triển khai các hoạt động truyền thông dự thảo chính sách, PBGDPL, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật về lĩnh vực quản lý và triển khai thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ, chương trình, đề án hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đồng thời xác định nhiệm vụ, giải pháp và đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện.
Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Phan Hồng Nguyên đã ghi nhận, đánh giá cao sự quan tâm của địa phương và kết quả đã đạt được trong công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; thực hiện Đề án 407, Đề án 977, Chương trình hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thời giàn qua. Đồng chí đề nghị bên cạnh các hình thức PBGDPL truyền thống, các sở, ngành, đoàn thể cần tiếp tục chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật; xây dựng mô hình, cách thức hiệu quả về tiếp cận pháp luật; ban hành Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do chính quyền địa phương cấp tỉnh chủ trì ban hành; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội Luật gia, Đoàn Luật sự tỉnh chủ động tham gia hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật. Chú trọng công tác quản lý nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu vụ việc, vướng mắc pháp lý trên Cổng Thông tin điện tử điện tử của địa phương; bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ, giải đáp vướng mắc về pháp luật cho doanh nghiệp, đồng thời tổng kết 05 năm thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp đúng thời hạn./.
Đỗ Thị Nhẫn
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật