Tại Tọa đàm, đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, Tổ trưởng Tổ biên tập dự thảo Đề án đã thông tin về thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL thời gian qua; trình bày nội dung cơ bản của dự thảo Đề án. Dự thảo Đề án xác định 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, tập trung vào xây dựng, cập nhật các cơ sở dữ liệu về PBGDPL (các quy định pháp luật; các tình huống pháp lý phổ biến, hỏi - đáp pháp luật, các vấn đề vướng mắc trong tổ chức thi hành pháp luật; thông tin nghiên cứu pháp luật…), đồng thời có sự kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu khác. Phát triển Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia, trọng tâm là các tính năng tương tác trực tuyến, đa phương tiện, tìm kiếm thông minh và thực hiện đồng bộ dữ liệu, kết nối với Cổng/Trang Thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức ở trung ương, địa phương. Xây dựng ứng dụng trực tuyến, trí tuệ nhân tạo (AI) trong PBGDPL. Dự thảo Đề án còn đề ra các giải pháp, cách thức chuyển đổi số cho một số nhóm đối tượng như: Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đối tượng đặc thù là người dân tộc thiểu số và miền núi, người khuyết tật.
Đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật phát biểu tại buổi Tọa đàm.
Để thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, dự thảo Đề án đã đề ra giải pháp xây dựng, phát triển nguồn nhân lực; điều kiện bảo đảm (hạ tầng, đa dạng hóa nguồn lực xã hội; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, địa phương); bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm.
Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng đã phát biểu nhất trí với cơ cấu và nhiều nội dung của dự thảo Đề án, đồng thời trao đổi, đề xuất những ý kiến có giá trị để hoàn thiện dự thảo Đề án, trong đó làm rõ hơn thực trạng triển khai các hình thức, các thức PBGDPL hiện nay, từ đó đánh giá lợi ích, hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác này, làm cơ sở cho việc xây dựng, ban hành Đề án. Rà soát, cân nhắc một số mục tiêu cụ thể bảo đảm tính khả khi, phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát các nhiệm vụ, giải pháp và nghiên cứu xác định lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi; xem xét về phạm vi, quy mô cũng như các điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện; đề xuất xác định nhiệm vụ, vai trò của các cơ quan thông tấn báo chí trong công tác chuyển đổi số công tác PBGDPL...
Đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật phát biểu kết luận Tọa đàm.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL, Phó Trưởng Ban soạn thảo dự thảo Đề án đã ghi nhận và trân trọng cảm ơn những ý kiến góp ý của các đại biểu; trao đổi, làm rõ hơn một số nội dung của dự thảo Đề án mà đại biểu quan tâm; đồng thời đề nghị Tổ biên tập tiếp thu tối đa các ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Đề án bảo đảm chất lượng, hiệu quả, khả thi trước khi trình Ban soạn thảo Đề án, Lãnh đạo Bộ Tư pháp xem xét, cho ý kiến./.
Uông Đàm Linh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật